Thận trọng khi mua "hàng xả" cuối năm

18/01/2013 18:28

(Baonghean) Hiện đang vào mùa cao điểm xả hàng cuối năm, là thời điểm để các hãng sản xuất, cửa hàng kích cầu, tăng doanh số. Tuy vậy, bên cạnh những chương trình thanh lý giảm giá đúng nghĩa, người tiêu dùng nên thận trọng khi mua hàng “thanh lý”, “xả hàng tồn”.

Đã chập choạng tối, nhưng nhiều người dân vẫn bị “hút” bởi băng rôn đỏ “Xả kho hàng Việt Nam xuất khẩu” to án ngự ngay bên vỉa hè đường Lê Hồng Phong (Tp.Vinh). Người ra vào tấp nập, một chị vào hỏi mua cho con chiếc áo khoác dạ, cầm hàng lên hỏi giá, được cô nhân viên nhẹ nhàng “450 ngàn đồng chị à”. Chị khách lừng khừng: “hàng xả răng đắt rứa”. Cô bán hàng ra vẻ dứt khoát: “Bọn em bán hàng cho công ty, hàng xuất khẩu bán đúng giá.” Hai vị khách vào chọn hàng nói với nhau: “Thấy xả hàng Việt, cứ tưởng sẽ mua được hàng giá rẻ, nhưng so với cùng chất liệu và giá bán thì hàng tồn còn đắt hơn hàng mới được bán ở một số điểm kinh doanh khác”. Thực chất, “xả hàng tồn” là một “chiêu” để bán hàng”.

Nhiều người thời gian gần đây liên tục nhận được những tin nhắn vào điện thoại của các cửa hàng thông báo chương trình khuyến mại; đại loại như thương hiệu thời trang Seven AM gửi chị tin nhắn “tặng quý khách chương trình ưu đãi từ 30-50% cho hàng nghìn sản phẩm mùa đông 2012” chẳng hạn. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, hàng xả, thanh lý, “sale off” luôn thu hút đông đảo chị em. Tôi có người bạn nhân dịp cửa hàng giày thời trang H.Đ trên phố Nguyễn Văn Cừ bán hàng giảm giá 50%, đã vội vàng đến mua. Chị chọn cho mình một lúc 3 đôi. Một cho mình, một cho mẹ và một cho em. Chỉ đứng một lúc người kéo vào ngày càng đông, thấy nhiều khách hàng ập vào, chị vừa chọn đồ vừa rút điện thoại ra thông báo cho người thân tranh thủ đến mua hàng giá rẻ. Thế nhưng, đôi giày của chị bạn về nhà nhìn kỹ đã rơi hết đá, đôi cho mẹ thì đi được ngày đầu, ngày sau đã bong quai.



Cuối năm là thời điểm các cửa hàng thanh lý, xả hàng. Ảnh: S.M - T.H

Cũng áp dụng chiêu “hàng thanh lý”, đã mấy năm nay, trên đường Nguyễn Phong Sắc (đoạn đối diện sân bóng Hưng Dũng) xuất hiện điểm bán hàng thanh lý áo ấm mùa đông, chủ yếu là hàng nam; trước khoảng sân rộng, hàng được đổ đầy trên tấm ni lon. Ngày mưa rét cuối tuần, khách vào xem hàng khá đông, chủ yếu là nam thanh niên của các trường đại học, cao đẳng khu vực lân cận, công nhân lao động. Đứng một lúc, tôi thấy hai thanh niên áp tải một bì to hàng đổ xuống, tất cả đều là áo khoác nam mang nhãn Tàu. Xem hàng, hỏi giá, một thanh niên chỉ sang người đứng cạnh, nói: “Bọn em nhập hàng, chị hỏi anh này”. Điều đó lý giải vì sao hàng thanh lý, thay vì mỗi ngày hàng sẽ giảm theo số lượng hàng bán ra, thì lại liên tục có thêm hàng mới.

Các mặt hàng được “thanh lý”, “xả hàng” chủ yếu tập trung vào nhóm hàng may mặc, giày dép, điện tử... Một trong những chiêu mà nhiều cửa hàng thường áp dụng là nâng giá niêm yết trước khi giảm. Nhiều cửa hàng trưng biển giảm giá 30-50% đánh vào tâm lý người tiêu dùng, khiến cho khách hàng tưởng mua được giá rẻ, nhưng thực chất giá sản phẩm vẫn giữ nguyên, thậm chí có khi còn cao hơn giá chưa được “khuyến mại giảm giá”. Có cửa hàng lại “thanh lý hàng tồn từ 30 – 40%” hoặc “xả hàng giá sốc tới 50%” nhưng khi khách hàng hỏi, hàng “thanh lý” thật ra là hàng loại thải, rất kém về chất liệu, cũ về mốt và cả lỗi bong cúc, rách khuy... Cũng có cửa hiệu trưng biển giá sốc, nhưng số lượng rất hạn chế, chủ yếu nhằm hút sự quan tâm của khách hàng. Khi khách hàng thắc mắc số lượng hàng quá ít, thiếu size, thì nhân viên mới hướng khách sang những mặt hàng không giảm giá. Một số trường hợp, khách hàng vì không muốn mất thời gian cũng chấp nhận mua.

Tuy nhiên, không phải giảm giá nào cũng “treo đầu dê bán thịt chó”. Dịp cuối năm nhiều mặt hàng điện tử, điện lạnh cũng xả hàng, và đây là dịp để người tiêu dùng, nhất là người thu nhập thấp có cơ hội sắm sửa các món điện máy hàng hiệu tiện nghi cho gia đình. Tại cửa hàng điện máy trên đường Quang Trung, chị Hà ở Hưng Phúc mua một bộ nồi Inox được giảm giá còn 380.000 đ/bộ, mà trước đó, chị hỏi giá tại một siêu thị là 800.000 đồng. Cũng tại cửa hàng này, với mức giá giảm đáng kể, chất lượng hàng được đánh giá đảm bảo, vợ chồng chị Yến ở Trung Đô đã mua được chiếc máy giặt hiệu Sanyo 6 kg chỉ có 3,3 triệu đồng. Thế nhưng, không phải mọi khách hàng đều vừa lòng, chất lượng hàng điện máy vốn “may hơn khôn”, hàng khuyến mãi còn trầy trật hơn. Tuy mua được một chiếc tủ lạnh với giá rẻ tại một siêu thị điện máy, nhưng anh Tuấn ở Nghi Hải (Cửa Lò) vẫn chưa thực sự an tâm về chất lượng sản phẩm hàng thanh lý giảm giá. Anh cho biết, cũng vào dịp này năm trước, anh có mua chiếc ti vi LCD nhưng dùng được 1 tháng thì đã phải bảo hành và sau đó thì phải sửa thay đồ.

Chị Cúc – chủ đại lý điện tử điện lạnh ở 27 Quang Trung cho rằng, đặc thù của hàng điện máy là tính cập nhật rất nhanh, vòng đời của sản phẩm ngắn. Ví như mặt hàng TV LCD, công nghệ LCD thay đổi liên tục, đầu năm ra loại mới, cuối năm đã lỗi mốt, nên đón đầu nhu cầu tiêu dùng cuối năm, các nhà sản xuất xả hết những mặt hàng sắp lỗi mốt để chuẩn bị tung ra các mẫu mới tiên tiến hơn. Tuy nhiên, đối với đồ điện tử thì hàng trục trặc vẫn có thể xảy ra với những mặt hàng không giảm giá. Vì vậy, người tiêu dùng cần tham khảo kỹ bởi hầu hết hàng điện tử thanh lý đều có yêu cầu mua rồi miễn đổi lại, khách hàng sẽ mất quyền lợi khi mua hàng chất lượng kém.

Theo báo cáo từ Sở Công Thương, năm 2012 trên địa bàn tỉnh có trên 3.000 chương trình thuộc diện phải thông báo (bao gồm cả chương trình được chấp nhận của Cục Xúc tiến thương mại) có giải thưởng tương đương trên 15 tỷ đồng và 23 chương trình khuyến mại mang tính chất may rủi có tổng giá trị giải thưởng 3,5 tỷ đồng được tổ chức trên địa bàn. Tuy vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay Sở Công Thương thường xuyên tham gia giám sát các hoạt động khuyến mãi, nhất là chương trình bốc thăm trúng thưởng, các chương trình tổ chức trao thưởng cho khách hàng nhằm đảm bảo thực hiện tốt quy định của pháp luật về khuyến mại, còn các chương trình thanh lý, giảm giá của các cửa hàng không thuộc diện phải đăng ký quản lý nên không thể nắm rõ hết được. Cán bộ phòng quản lý thương mại, Sở Công Thương khuyến cáo: Nhiều chương trình thanh lý hay xả hàng đều hướng người mua chú ý về giá quá rẻ mà bỏ qua việc tìm hiểu chất lượng sản phẩm và chế độ bảo hành, hậu mãi. Vì vậy, hãy đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, tránh cảnh tiền mất, tật mang là lời khuyên cho những ai muốn mua hàng vào những dịp giảm giá.


Thu Huyền