Bộ sưu tập “bản đồ chủ quyền” của Trần Thắng

04/01/2013 20:34

Đúng ngày tổ chức ngày hội Mùa xuân biển đảo, ông Trần Đức Anh Sơn, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, cho biết vừa nhận được nhiều bản đồ cổ rất có giá trị khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Anh Trần Thắng, chủ tịch Viện Văn hóa và giáo dục VN tại Hoa Kỳ, vừa tặng thêm cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng 43 bản đồ cổ và cuốn atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ do Trung Hoa dân quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919.


Tấm bản đồ lãnh địa Trung Quốc không có Hoàng Sa và Trường Sa trong atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ do Trung Hoa dân quốc xuất bản năm 1919 tại Nam Kinh.

Như vậy, đến nay Trần Thắng đã tặng cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng 150 bản đồ (gồm 110 bản đồ gốc và 40 bản đồ tái bản). Đây là những bản đồ được xuất bản ở Anh, Ðức, Úc, Canada, Mỹ và Hong Kong trong thời gian 1626-1980, trong đó có 80 bản đồ ghi nhận lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam; 50 bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm sát lãnh thổ VN; 10 bản đồ hàng hải và 10 bản đồ tổng thể châu Á và Đông Nam Á có thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của VN.



Cuốn atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ do Trung Hoa dân quốc xuất bản năm 1919 tại Nam Kinh mà Trần Thắng vừa gửi tặng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng.
Ba atlas quý giá

Ngoài ra, Trần Thắng đã sưu tầm được ba atlas (tập bản đồ) do chính quyền Trung Quốc xuất bản trước đây, rất có giá trị trong việc đấu tranh với những đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN.

Thứ nhất là atlas Trung Quốc địa đồ, kích thước 31cm x 41cm, xuất bản năm 1908 bằng tiếng Anh, do phái bộ The China Inland Mission có trụ sở ở Thượng Hải, London, Philadelphia, Toronto và Melbourne biên soạn và phát hành với sự trợ giúp của Tổng cục Bưu chính của nhà Thanh. Atlas này gồm một Index map (bản đồ tổng thể) vẽ toàn bộ lãnh thổ và 22 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc. Trần Thắng mua atlas này từ một nhà sưu tập sách cũ ở Anh và đã trao tặng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng ngày 23-11-2012.

Trong bài South China Sea: Chinese maps omit modern claims (tóm tắt căn bản: Biển Đông: Bản đồ Trung Quốc bác bỏ những tuyên bố hiện đại), trả lời phỏng vấn của một ký giả ở Hoa Kỳ (tệp tin: “Thayer Consultancy ABN # 65 648 097 123” công bố trên Internet), GS Carlyle A. Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) cho biết: “Những tấm bản đồ, chẳng hạn như sưu tập bản đồ của Trần Thắng, đã cung cấp những hiểu biết mới về lịch sử hình thành những tuyên bố về chủ quyền hiện nay. Những bản đồ này đã chứng tỏ mâu thuẫn của Trung Quốc trong việc tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ”.

Thứ hai là atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ, kích thước 61cm x 71cm, do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc xuất bản lần đầu vào năm 1919 ở Nam Kinh. Atlas này in bằng ba ngôn ngữ: Trung - Anh - Pháp, gồm một Index map và 46 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc đương thời. Lời giới thiệu của atlas cho biết đây là lần đầu tiên chính quyền Trung Hoa dân quốc chính thức xuất bản atlas và chỉ in với số lượng hạn chế. Atlas này đã được một người chơi cổ ngoạn ở Ba Lan rao bán. Sau nhiều lần mặc cả, cuối cùng Trần Thắng đã mua được atlas này. Đây là atlas quan trọng rất quý mà Trần Thắng trao tặng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng.

Thứ ba là atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ, kích thước 61cm x 71cm, do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa dân quốc tái bản tại Nam Kinh năm 1933. Atlas này cũng in bằng ba thứ ngôn ngữ: Trung - Anh - Pháp, nội dung có một số điều chỉnh cho phù hợp với địa lý hành chính của Trung Quốc lúc bấy giờ. Atlas gồm một Index map và 29 bản đồ các tỉnh, kể cả Tây Tạng và Mông Cổ.
Tấm bản đồ số 23 trong atlas này là bản đồ tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả đảo Hải Nam. Vì không thể in đảo Hải Nam nằm trọn trong tờ bản đồ tỉnh Quảng Đông nên người ta đã in riêng bản đồ đảo Hải Nam nằm ở góc trái bản đồ này. Chủ sở hữu atlas 1933 là một người Đài Loan có gốc gác từ Trung Quốc đại lục. Tháng 9-2012, atlas này vừa được chuyển đến New York thì Trần Thắng phát hiện và chỉ sau hai tuần atlas này đến Hoa Kỳ thì Trần Thắng đã mua được.

Lãnh thổ Trung Quốc không có Hoàng Sa và Trường Sa

Điểm chung của ba atlas này là các bản đồ Trung Quốc in trong ba atlas chỉ giới hạn cương vực Trung Quốc đến đảo Hải Nam, không hề đả động gì đến Hoàng Sa và Trường Sa của VN (mà Trung Quốc gọi là Xisha và Nansha). Các tập atlas này được đặt tên là Trung Hoa bưu chính dư đồ vì đây là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh (1644-1912) vạch ra vào năm 1906 và được chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục. Các bản đồ trong atlas được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Vì thế, nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì họ không đưa vào atlas. Các trang Index in ở cuối các tập atlas đã liệt kê tất cả địa danh hành chính của Trung Quốc đương thời nhưng hoàn toàn không đề cập các địa danh Xisha và Nansha. Đây là những tài liệu chính thống do nhà nước Trung Quốc phát hành vào nhiều thời điểm lịch sử khác nhau, thể hiện rằng Trung Quốc luôn thừa nhận cương vực phía nam của họ chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, còn Hoàng Sa và Trường Sa thì chưa bao giờ thuộc về chủ quyền của Trung Quốc.

Người sưu tập yêu nước


Trần Thắng (trái) nhận bằng khen của bộ trưởng Bộ Ngoại giao do đại sứ VN tại Hoa Kỳ Lê Lương Minh trao tặng vì những đóng góp của anh trong hoạt động duy trì và phát triển văn hóa trong cộng đồng

Ngày 23-11-2012, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đã phối hợp với UBND huyện Hoàng Sa tiếp nhận hai atlas 1908 và 1933, 92 bản đồ và ba cuốn kỷ yếu đính kèm nhiều bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó, Trần Thắng tiếp tục mua thêm 43 bản đồ cổ và atlas 1919 gửi về trao tặng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng trong những ngày đầu năm mới 2013.

Sau khi mua được bản đồ, Trần Thắng còn bỏ tiền mua bìa cứng, giấy bồi, túi plastic chuyên dụng và tốn nhiều thời gian để “sửa sang” những tờ bản đồ riêng lẻ, thậm chí cũ nát thành những “sản phẩm” hoàn chỉnh, sẵn sàng cho việc trưng bày, giới thiệu sưu tập bản đồ này với công chúng. Sau đó anh tiến hành phân loại, viết chú thích cho từng tấm bản đồ, tự tay đóng gói và tìm người tin cậy nhờ mang những tư liệu quý này về nước trao tặng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng. Anh cũng scan toàn bộ số bản đồ và atlas này, tạo một thư mục riêng trên website của IVCE và tải toàn bộ hình ảnh bản đồ lên đó để giới thiệu với độc giả trong và ngoài nước (tại địa chỉ: http://www.ivce.org/map/map.html).

Trần Thắng sinh năm 1971 tại Quảng Ngãi, là cháu ngoại của nhà thơ Tế Hanh. Năm 1991, gia đình anh sang Hoa Kỳ định cư. Trần Thắng tốt nghiệp kỹ sư ngành cơ khí của Trường đại học Connecticut và được Công ty sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney tuyển dụng làm việc từ năm 1999 đến nay.


Theo Tuổi trẻ - TH