Điều tra việc cho vay nghìn tỷ ở Bảo hiểm xã hội VN

21/12/2012 14:03

Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm được Kiểm toán nhà nước đề nghị làm rõ dấu hiệu trái pháp luật trong việc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho Công ty Cho thuê Tài chính II (ALC II, thuộc Agribank) vay cả nghìn tỷ đồng.

Theo Kiểm toán nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cho vay vượt hạn mức bảo lãnh. Các khoản ALC II vay được quyết định trên cơ sở 3 thư bảo lãnh của Agribank năm 2008, gồm thư ngày 13/3 (hạn mức bảo lãnh 500 tỷ đồng); thư ngày 22/4 (hạn mức bảo lãnh 400 tỷ đồng) và thư thứ ba ngày 22/10, có nội dung thay thế cho hai tư bảo lãnh trước (hạn mức bảo lãnh chỉ còn 400 tỷ đồng). Với mức cam kết bảo lãnh ở thư thứ ba này, các khoản vay mà Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cấp cho ALC II trước đó là 480 tỷ đồng, vượt mức được bảo lãnh 80 tỷ đồng.




Trụ sở Cty cho thuê tài chính ALC II tại TPHCM. Ảnh: T.D.

Bị rủi ro do cho vay vượt hạn mức bảo lãnh như vậy nhưng sau đó, từ tháng 11/2008 đến tháng 8/2009, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục cho ALC II vay thêm 530 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ lên 1.010 tỷ đồng, vượt 610 tỷ so với hạn mức bảo lãnh tại thư bảo lãnh thứ ba.


Sai phạm thứ hai là nghị quyết HĐQT năm 2009 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ rõ danh mục đầu tư của quỹ chỉ gồm ba địa chỉ: cho ngân sách nhà nước vay, mua trái phiếu CP và cho ngân hàng thương mại nhà nước vay. Tuy nhiên, trong năm này, lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vẫn quyết định cho ALC II vay tổng cộng 380 tỷ đồng.


Sai phạm thứ ba được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là cho vay với kỳ hạn không đúng quy định. Theo Nghị định 16 năm 2001, công ty cho thuê tài chính không được huy động tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng. Thế nhưng một trong ba khoản mà Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho ALC II vay năm 2009, giá trị 200 tỷ đồng, kỳ hạn ngắn có một tháng.


Nguy cơ tổn thất cả nghìn tỷ đồng


ALC II hiện đã rơi vào tình trạng phá sản, các chủ nợ có nguy cơ không thu hồi được vốn. Riêng với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến hết năm 2011, ALC II còn nợ cả gốc và lãi hơn 1.050 tỷ đồng và kiểm toán xác định là khó có khả năng thu hồi.


Theo Kiểm toán Nhà nước, trách nhiệm các sai phạm trên thuộc về tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam qua các thời kỳ và bộ phận quản lý đầu tư quỹ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhàn rỗi, cần được điều tra làm rõ.


Kiến nghị điều tra của Kiểm toán Nhà nước được đưa ra vào lúc Thanh tra Chính phủ vừa kết thúc cuộc kiểm tra về việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Theo đó, cơ quan thanh tra cho rằng việc xử lý cán bộ vi phạm, người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, tiêu cực của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ở cấp trung ương và địa phương chưa triệt để, chưa đủ sức răn đe.


Trước đó, ngày 7/8, từ kiến nghị kiểm toán tại Agribank, Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) đã hoàn tất cuộc điều tra, kiến nghị VKSND Tối cao truy tố 11 bị can trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại ALC II.


Sai phạm của các bị can liên quan đến việc sử dụng các khoản tiền mà ALC II huy động được từ nhiều nguồn, trong đó có Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Theo Pháp luật TP HCM-M