Xây dựng nông thôn mới ở Hiến Sơn

20/02/2013 18:55

(Baonghean) - Hiến Sơn là một xã thuộc vùng bán sơn địa nằm về phía Đông Nam của huyện Đô Lương, có hơn 1.835 hộ dân với gần 7.242 nhân khẩu trong đó có 7/15 xóm đồng bào công giáo. Đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Việc tu bổ, tôn tạo, xây dựng các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng, hồ đập, đường giao thông để nhân dân trong vùng thuận lợi hơn trong việc đi lại và phát triển sản xuất nông nghiệp được đặt lên hàng đầu trong bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Ông Trần Đăng Bình - Bí thư xã Hiến Sơn, nhấn mạnh: “Ngay sau khi có chủ trương, Đảng bộ, chính quyền xã đã họp bàn ra nghị quyết chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong quá trình lập quy hoạch và phê duyệt quy hoạch, lấy tiêu chí về làm đường giao thông nông thôn và thủy lợi làm mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012-2013. Từ đó làm tiền đề, cơ sở để xã tiếp tục thực hiện thắng lợi các tiêu chí còn lại”. Sau một thời gian ngắn, xã Hiến Sơn đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trong 2 năm (2012 - 2013), xã đã nâng cấp và mở rộng được 34 tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng với tổng chiều dài gần 19,5km; tổng khối lượng đào đắp là 42.858.7m3; bê tông hóa được 2km đường liên thôn, làm mới 5 cầu cống phục vụ tưới tiêu cho cây trồng. Đặc biệt với sự hỗ trợ nguồn vốn của tỉnh, huyện cùng với nguồn kinh phí của địa phương, xã đã xây mới trạm y tế 2 tầng, công trình vệ sinh trường tiểu học, trụ sở làm việc của ủy ban nhân dân khang trang, sạch đẹp.

Tổng giá trị các công trình ước đạt gần 6,7 tỷ đồng. Cùng với đó ngoài đóng góp tiền của, ngày công lao động, đã có 544 hộ hiến 22.668.6 m2 đất để làm đường. Trong năm 2012 đã có 15/15 thôn xóm đồng loạt ra quân làm giao thông thủy lợi với tổng khối lượng đào đắp lên tới 42.858.7 m3. Ngoài huy động sức dân, ngày công lao động, nhân dân các xóm còn tự nguyện đóng góp bằng tiền thuê máy múc, san ủi về làm, tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng. Nhờ vậy đến nay, hầu hết hệ thống đường giao thông nội đồng được mở rộng từ 4m ra 6,5m thuận lợi hơn cho việc đi lại; các tuyến kênh mương dẫn nước được đào đắp, đảm bảo đủ nguồn nước tưới tiêu cho các loại cây trồng; hệ thống hồ đập được kiên cố hóa bằng bê tông. Chị Phạm Thị Hương, xóm Hòa Nam vui mừng nói: “Trước đây đường nhỏ hẹp nên đi lại rất khó khăn, vất vả, giờ được nâng cấp mở rộng nên bà con chúng tôi thuận lợi rất nhiều trong việc đi lại, nhất là kéo xe bò trong vụ sản xuất đông xuân sắp tới”.

Kết quả đáng ghi nhận trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Hiến Sơn là sau một thời gian ngắn nhiều tuyến đường liên thôn liên xóm đã được bê tông hóa. Được sự hỗ trợ xi măng của tỉnh, nhiều thôn xóm đã hưởng ứng phong trào làm đường giao thông nông thôn. Với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, sau khi được hỗ trợ 400 tấn xi măng, 177 hộ với 654 nhân khẩu ở xóm Rú Đèn đã tự nguyện đóng góp 310.000 đồng/1 nhân khẩu để mua cát sỏi, vật liệu xây dựng, số tiền thu được hơn 2,02 tỷ đồng. Con đường liên thôn có tổng chiều dài 2 km được chia làm 9 đoạn, giao cho 9 tổ liên gia thi công.

Ngoài đóng góp tiền của, ngày công lao động, nhiều hộ gia đình còn tự nguyện hiến hàng chục m2 đất làm đường, dỡ bỏ bờ rào, công trình vệ sinh, chặt cây cối… để xây dựng đường đúng theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Tiêu biểu như gia đình ông Trần Đăng Hải là một giáo dân đã tự nguyện hiến 50m2 đất, phá gần 70m2 bờ rào. Ông Trần Hữu Uyển - một cựu chiến binh năm nay đã 70 tuổi cũng đã gương mẫu phá dỡ nhà tắm, di dời chuồng lợn, hiến 40m2 đất, trị giá gần 20 triệu đồng. Nhờ cách, mỗi cán bộ, đảng viên tiên phong đi đầu để quần chúng nhân dân noi theo, nên không chỉ ở xóm Rú Đèn mà 15/15 thôn xóm ở xã Hiến Sơn, phong trào nhân dân tự nguyện hiến đất mở đường, chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới đang tạo được sức lan tỏa sâu rộng.


Văn Đăng (Học viện Báo chí tuyên truyền)