Hồn trống tế Hợp Thành

04/03/2013 18:03

(Baonghean) - Tiếng trống có từ ngàn xưa, trải qua những thăng trầm của lịch sử, tiếng trống đã góp phần cổ vũ người dân vùng lên đánh bại mọi thế lực xâm lược. Tiếng trống có mặt trong mọi sinh hoạt ở mỗi làng quê, mỗi con người đất Việt. Âm thanh ấy mang hồn thiêng sông núi, hướng về nguồn cội làm lay động lòng người…

Dọc theo cánh đồng lúa xanh thì con gái, chúng tôi tìm về xã Hợp Thành (Yên Thành). Đây là nơi nổi tiếng về hội thi đánh trống tế từ bao đời nay.

Hợp Thành trầm mặc với những ngôi làng mái ngói thâm nâu, ẩn hiện dưới luỹ tre hiền hòa mang đậm nét thời gian xưa cũ. Cụ Nguyễn Giang, bậc cao niên và cũng là tay trống cự phách của xã rót chén rượu nếp cái hoa vàng mời khách, rồi chỉ chiếc trống sấm trên bàn thờ tổ, cho biết: “Đây là chiếc trống sấm lâu đời, nó chỉ dành cho việc đại lễ linh thiêng. Để làm được loại trống này, người thợ phải chay tịnh qua quá trình ghép tang và căng mặt trống. Riêng con trâu dùng để ghép da làm trống, ngoài việc chọn lựa kỹ còn được cúng tế cẩn thận. Tang trống làm từ lõi gỗ mít ròng trên 300 năm tuổi. Âm hưởng của loại trống sấm này vang động đến cả đất trời”. Nhạc trống tế họ Nguyễn lưu truyền tự lâu đời, có đặc điểm riêng, có thể “quyến rũ” hồn người…

Ngày 15 tháng Giêng năm Quý Tỵ vừa qua, UBND xã tổ chức hội thi đánh trống tế tại đình Phụng, dàn nhạc trống họ Nguyễn cũng giành giải Nhất, trong số 17 dòng họ tham gia.



Thả hồn vào nhạc trống

Buổi trưa hôm đó, chúng tôi may mắn chứng kiến dàn nhạc trống trong ngày giỗ tổ họ Nguyễn. Bắt đầu giờ Ngọ, người điều khiển trống sấm nâng cặp dùi lạy 3 lạy trước bàn thờ tổ, rồi tiến đến chỗ đặt trống sấm trang nghiêm đánh 3 hồi 9 tiếng. Khi yết tế 7 người trong dàn nhạc trống mặc lễ phục đứng vào vị trí. Khi người xướng lễ “Khởi Chinh cổ”, thế là nhạc trống nổi lên hùng tráng. Cung trầm của trống, cung thanh của chiêng điểm xuyết quyện với khói hương, khiến người dự lễ dạt dào xúc động hướng tâm linh trở về cội nguồn.

Ngày xưa, cứ vào ngày 15 tháng Giêng, xã Hợp Thành lại tổ chức tế lễ lớn tại đình làng. Đây là dịp làm lễ dâng hương - lễ hội lớn nhất trong năm. Trong ý thức cộng đồng làng, đây là nơi linh thiêng để các vị nhân thần giáng trụ. Vào những ngày này, toàn dân làng đều ngưng nghỉ công việc đồng ruộng, đến dâng hương bày tỏ tấm lòng thành kính, thể hiện sự kính trọng, tôn kính, nhớ ơn tới các vị anh hùng. Trong suốt buổi lễ, dàn trống tế luôn được cử hành long trọng. Trình tự tiến hành lễ do người Đông xướng điều khiển. Sau đó là hội thi trống tế của các dòng họ.

Do nhiều yếu tố tác động, hội thi trống tế dần mai một và ngừng hẳn một thời gian dài. Trong chén rượu vui đầu Xuân, cụ Giang tâm sự: “Nhạc trống tế, đó là một sinh hoạt văn hóa tâm linh không thể thiếu. Nhưng thế hệ trẻ bây giờ ít mặn mà. Đây là một thực trạng đáng buồn”.

Đứng trước nguy cơ nhạc trống tế bị mai một, UBND xã Hợp Thành đã tìm mọi cách để khôi phục lại hội thi. Ông Hoàng Văn Lý - Chủ tịch xã cho biết: “Hiện nay, UBND xã đã tổ chức hội thi nhằm bảo tồn và gìn giữ nhạc trống tế của cha ông đã để lại. Qua đó, nhằm giáo dục thế hệ trẻ sống có trách nhiệm và luôn hướng về cội nguồn. Chúng tôi khôi phục lại và bắt đầu tổ chức hội thi từ 15 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (2012) rất thành công. Hội thi được sự cổ vũ của đông đảo nhân dân trong và ngoài xã.



Đông đảo người dân xem biểu diễn trong hội thi đánh trống tế.

Ngày 23/2 (14 tháng Giêng năm Quý Tỵ), các đoàn người từ các xóm, làng xã Hợp Thành và một số địa phương lân cận đã giương cờ, gióng trống, xe kiệu với áo quần rực rỡ, chỉnh tề từ các ngả đường tiến về đình Phụng khai hội nhạc trống tế đầu Xuân. Đây là lần thứ 2, UBND xã Hợp Thành tổ chức hội thi nhạc trống tế nhân dịp đầu Xuân. Hội thi diễn ra 1 ngày, không chỉ 14 dòng họ tộc trên địa bàn trong và ngoài xã tham gia, mà còn thu thu hút hàng ngàn người trong và ngoài huyện đến xem, cổ vũ. Lễ khai mạc mở đầu bằng nghi thức 3 hồi trống tế long trọng, do 17 dòng họ cùng hợp xướng nổi lên hùng tráng. Sau đó, từng dòng họ lên thi về nghi lễ và 3 hồi nhạc trống tế. Mỗi dòng họ, phần nghi lễ và nhạc trống có phong cách và đặc điểm riêng, nhưng tựu trung tạo được không khí tưng bừng mà thành kính, một không gian văn hoá tâm linh có sức lay động lòng người.

Nhạc sĩ Phan Đăng Hải trầm trồ: “Trong quá trình hình thành âm nhạc trong trống tế, tiết tấu là một yếu tố quan trọng. Các bài trống được xây dựng trên cơ sở các tiết tấu từ đơn giản đến phức tạp, tạo nên những màu sắc phong phú. Sự kết hợp hài hòa giữa những tiết tấu đơn giản với những âm hình tiết tấu phức tạp, cùng với thủ pháp chơi trống điêu luyện của các nghệ nhân xã Hợp Thành đã tạo nên những tiếng trống vô cùng đa dạng. Sự hòa tấu của chúng đã làm cho các bài trống được phát triển theo lối đối vị, nhiều tầng. Đây được coi là yếu tố quan trọng của âm nhạc tế lễ. Tiếng trống có lúc như thúc giục lòng người, có lúc lại trầm tư, sâu lắng, tác động vào tâm trí giúp cho chúng ta cảm nhận được sự huyền diệu của văn hóa tâm linh…”.

Kết quả, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho dòng họ Nguyễn (xóm10), giải Nhì cho dòng họ Vũ (xóm 4), 2 giải Ba cho họ Hoàng (xóm 3) và họ Phạm (xóm 5). Tất cả các dòng họ còn lại nhận giải Khuyến khích. Hội thi khép đã khép lại, âm hưởng của hồn trống vẫn còn vang mãi trong lòng người. Hội thi nhạc trống tế Hợp Thành thực sự đã làm sống lại những giá trị bản sắc văn hoá truyền thống đang nguy cơ bị mai một!

Chủ tịch Hoàng Xuân Lý cho biết: “Hội thi nhạc trống tế Hợp Thành năm tới (2014) sẽ có nhiều dòng họ trong và ngoài huyện tham gia. Chúng tôi sẽ tổ chức quy mô, hoành tráng hơn nữa. Để không những khôi phục và gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn là một lễ hội văn hóa có ý nghĩa của xã Hợp Thành nói riêng và huyện Yên Thành nói chung.


Bài, ảnh: Tiến Dũng (Hợp Thành – Yên Thành)