Loại trừ mũ bảo hiểm “rởm”

12/03/2013 10:42

(Baonghean) -Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa quyết định, kể từ ngày 15/4/2013, các cơ quan chức năng sẽ ra quân xử phạt những trường hợp sản xuất, kinh doanh, đội mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng theo Thông tư liên tịch số 06/2013 được 4 bộ (Khoa học - Công nghệ, Công Thương, Công an, Giao thông - Vận tải) quy định về sản xuất nhập khẩu và sử dụng mũ bảo hiểm. Thông tin trên khiến dư luận quan tâm.

Trước hết, phải khẳng định, chủ trương xử lý triệt để mũ bảo hiểm giả, mũ bảo hiểm kém chất lượng là hoàn toàn đúng đắn, được dư luận hoan nghênh. Tuy nhiên, có những vấn đề, những khúc mắc mà dư luận đặt ra đòi hỏi các cơ quan chức năng, các chuyên gia liên quan cần xem xét. Ví như, nhiều người phản ứng rằng, tại sao lại phạt người đội mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng (theo quy định là 200.000 đồng, mức phạt ngang với người không đội). Vì, người mua khó phân biệt được chất lượng trong khi phần lớn họ rất muốn sử dụng mũ bảo hiểm thật. Trong khi đó, một sĩ quan CSGT Đường bộ & Đường sắt Công an Nghệ An thì cho rằng, việc phát hiện xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng là rất khó khăn vì CSGT không có thiết bị kiểm định chất lượng mũ cũng như nhãn mác. Không những thế, Đại tá Đào Vĩnh Thắng - Trưởng Phòng CSGT Đường bộ & Đường sắt (Công an Hà Nội) trao đổi với báo chí rằng, hiện nay cũng chưa có chế tài quy định cụ thể xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng. Bởi (cũng theo lời ông Thắng), Nghị định 34 và Nghị định 71 của Chính phủ gần đây chỉ quy định công an được phép xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm và đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách mà thôi. Ông Nguyễn Minh Thọ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết, cách đây ít ngày, Chi cục QLTT Nghệ An cũng đã có công văn nhắc nhở các đơn vị trong chi cục tăng cường kiểm tra, phát hiện MBH giả, kém chất lượng.

Tuy nhiên, ngoài việc căn cứ vào giấy tờ, nhãn kiểm định chất lượng dán trên mũ thì nhân viên QLTT cũng chỉ thẩm định bằng cảm tính mà thôi. Đó là chưa nói đến chuyện nếu người bán còn “bắt lý” rằng đây chỉ là mũ che mưa che nắng chứ không phải mũ bảo hiểm thì nhân viên chức năng cũng đành chịu.

Từ dư luận và thực tế cho thấy, việc kiểm tra, xử lý chất lượng mũ bảo hiểm được các cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ, ráo riết ngay từ khi có quy định bắt buộc người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm thì chắc chắn tình trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng không tràn lan, tùy tiện như hiện nay. Lỗi đó, các cơ quan chức năng của Nhà nước không thể né tránh. Việc nhiều người tiêu dùng có quan niệm, đội mũ bảo hiểm chỉ để đối phó với CSGT và chỉ chú ý giá, thuận lợi mà không quan tâm đến chất lượng cũng tạo tình trạng tràn lan mũ bảo hiểm rởm như hiện nay.

Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) thì có đến 70% số mũ bảo hiểm đang được các điểm kinh doanh và người sử dụng là giả, kém chất lượng. Còn một chuyên gia y tế cho rằng có đến 70% ca chấn thương sọ não do nạn nhân sử dụng mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng. Thậm chí, khi xảy ra TNGT nếu đội mũ bảo hiểm rởm nạn nhân có thể bị nguy hiểm hơn là không đội. Do đó việc bắt buộc người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, đúng quy cách là điều không phải bàn cãi.

Vẫn nhớ, cách đây ít lâu, khi có chủ trương bắt buộc người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm cũng gây ra không ít bàn cãi trong dư luận. Những người phản đối đưa ra không ít lý do mà thoạt nghe thấy có lý. Thế nhưng kết quả là như ta đã biết, đến nay đã có hơn 90% người đi xe máy đội mũ bảo hiểm. Còn bây giờ, chủ trương xử lý như thế nào đối với việc sử dụng, sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm giả, mũ bảo hiểm kém chất lượng cho thấu tình đạt lý là điều cần bàn. Vả chăng nên có lộ trình như chủ trương buộc đội mũ bảo hiểm đã từng thực hiện thành công.


Việt Long