Lên đỉnh non thiêng
(Baonghean.vn) Những ngày đầu xuân Quý Tỵ, trong tiết trời mát dịu, đã có rất nhiều tăng ni, phật tử và du khách tìm về đỉnh Thăng Thiên trên dãy núi Đại Huệ (thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn), để được dâng hương lễ Phật tại Chùa Đại Tuệ và để được nghe, được xem bao điều kỳ thú...
Chùa Đại Tuệ thờ Phật Bà Đại Tuệ. Là nơi đại giác, đại trí, đại dũng, vô ngã, vị tha, hy sinh, tất cả để đem lòng bác ái từ bi vô hạn, cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh. Theo tài liệu Phật của giáo hội Phật giáo Việt Nam đây là nơi duy nhất thờ Phật bà Đại Tuệ.
Từ dưới chân núi cho lên đến chùa Đại Tuệ, nơi đâu phong cảnh cũng thật đẹp.
Chùa Đại Tuệ gắn với nhiều tích sử. Tương truyền, chùa có từ thời vua Mai Hắc Đế. Đến thế kỷ thứ XV, chùa được Hồ Quý Ly xây cất lại để thờ Phật bà Đại Tuệ, bởi Phật Bà Đại Tuệ đã giúp Ngài xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh. Chuyện xưa kể rằng, ngày ấy Hồ Quý Ly cho xây tường thành trên dãy núi Đại Huệ. Việc xây dựng gặp nhiều khó khăn, vất vả mà không xây được thành. Đêm năm mơ thấy Phật Bà Đại Tuệ chỉ vẽ cho cách xây thành bao quanh. Từ đó, việc xây thành đắp luỹ rất thuận lợi. Biết ơn Phật Bà, Hồ Quý Ly giao cho con gái là Công chúa Thái Dương ở lại chùa chăm lo, tu bổ thường xuyên, hương khói phụng thờ, đặng cầu cho quốc thái dân an...
Cho đến thời vua Quang Trung Nguyễn Huệ, khi trên đường tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh (1789) đã dừng chân ở đây chiêu tập mười vạn quân sĩ và tổ chức huấn luyện ở trước sân chùa, nên bãi đất phẳng trước chùa hiện nay vẫn gọi là Bãi Tập. Vua được nhà sư ở chùa mách bảo kế sách hành quân theo thượng đạo Nộn Băng vừa tránh được tai mắt kẻ địch, rút ngắn được đường ra Thăng Long. Thuận lời sư, Quang Trung đã hành quân cấp tốc ra Thăng Long đại phá hai mươi chín vạn quân Thanh trước dự định hai ngày. Chiến thắng trở về, Hoàng Đế chiếu xuống cắt cho chùa 20 mẫu ruộng giao cho chùa để dân làng lo việc hương khói, thờ cúng quanh năm. Hiện nay cánh đồng dưới chân núi vẫn có tên là ruộng Chùa.
Tích của Chùa Đại Tuệ đã hay, cảnh nơi đây cũng thật hữu tình. Vượt con đường đất lên chùa như dải lụa mềm vắt ngang qua nhiều dốc núi, những rặng hồng cổ thụ, những thôn xóm mờ ảo, những ruộng lúa như nhưng ô bàn cờ nhiều màu sắc… đã tạo nên những bức tranh thủy mặc nối dài. Và khi đã đứng tại sân chùa, có thể nhìn thấy dòng Lam uốn lượn, thấy một vùng đất rộng lớn Nam Đàn, Hưng Nguyên, Vinh, Nghi Lộc và xa xa là dãy Hồng Lĩnh, Thiên Nhẫn... bao quanh.
Chùa Đại Tuệ tuy đơn sơ nhưng linh thiêng nên rất đông phật tử và du khách dâng hương lễ phật.
Phật tử lễ Phật tại tòa Tam bảo.
Du khách uống nước tại giếng cổ.
Du khách tham gia công đức.
Bảo tháp 9 tầng và tháp chuông đang được xây dựng.
Đến với Chùa Đại Tuệ, là được đến với một không gian tâm linh thiêng liêng, được đến một miền sinh thái hấp dẫn. Vậy nên như lời Sư bác Thích Minh Định nói: Dẫu đường đến còn xa ngái, hiểm trở và chùa vẫn đang quá trình phục dựng nhưng chỉ trong 5 ngày đầu của năm Quý Tỵ, đã có hơn 4 nghìn tăng ni, phật tử cùng du khách tìm về dâng hương, lễ Phật và vãn cảnh chùa…
Nhật Lân