13 năm tù cho kẻ mạo danh

08/03/2013 16:10

(Baonghean) - Để tạo lòng tin của các nạn nhân, lúc thì hắn tự giới thiệu mình là cán bộ “Thanh tra”, “cán bộ Văn phòng Chính phủ”, khi thì tự giới thiệu là cháu ruột một lãnh đạo nhà nước... Với chiêu thức này, hắn đã dễ dàng qua mặt một số người cả tin để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở Lâm Hà, Lâm Đồng, học hết lớp 5 thì gác sách, sau đó theo đám du thủ du thực khắp nơi. Một thời gian sau, với thân lùn tịt, nhỏ thó, không ai nghĩ một con người như hắn có thể nghĩ ra cách lừa đảo bài bản đến hoàn hảo như thế. Từ Lâm Đồng ra Hà Nội, hắn thuê hẳn một xe ô tô làm phương tiện để đi lại và “làm việc”. Đi đến tỉnh nào hắn cũng tự giới thiệu mình là cán bộ “thanh tra” tỉnh Lâm Đồng và được cơm bê nước rót sịnh soạn, chỗ ở sang trọng, tiền không mất một xu. Trước khi ra Hà Nội, vị “thanh tra” trên dừng chân tại tại Khách sạn Mường Thanh ở ga Vinh nghe ngóng, thăm dò tình hình. Tại đây, thông qua người quen tên là Bằng đã giới thiệu, chị Phạm Thị L (SN 1994) trú ở huyện Yên Thành, đã đến gặp vị “thanh tra” để xin việc. Qua trao đổi, biết chị Phạm Thị L. đang nôn nóng xin được việc làm ổn định, hắn vung “cần câu” tự giới thiệu mình là “cháu” một vị lãnh đạo Nhà nước, hiện đang công tác tại Văn phòng Chính phủ. Nghe nói cháu ruột của một vị lãnh đạo cấp Nhà nước, chị Phạm Thị L. tin tưởng, nghĩ chắc ăn, mạnh dạn đặt vấn đề: “Nếu anh giúp được thì xin cho em về làm việc tại Phòng Văn hóa huyện Yên Thành”. Vị “thanh tra” trả lời: “Tưởng xin làm việc ở tỉnh hay Trung ương… chứ về Phòng Văn hóa huyện thì quá đơn giản, chỉ cần 30 triệu đồng đâu sẽ vào đó”.

Để tạo lòng tin, vị “thanh tra” bố trí chị Phạm Thị L. gặp một số người mà hắn giới thiệu đang công tác tại Sở Văn hóa tỉnh Nghệ An. Cuối tháng 2/2012, hắn gọi điện bảo chị Phạm Thị L. đưa trước 10 triệu đồng, kèm một hồ sơ xin việc. Sau khi nhận tiền của chị L. hắn tiêu xài cá nhân và lánh mặt, còn chị L thì dài cổ chờ giấy tiếp nhận làm việc. Đã quá nửa tháng như hắn đã hẹn nhưng vẫn biệt vô âm tín.



Đối tượng Trần Quang Nhật tại phiên tòa.

Chưa dừng lại ở đó, khoảng đầu tháng 3/2012, biết anh Tạ Q. và anh Trần Văn H. ở Diễn Châu làm nghề khai thác mỏ tại Hà Tĩnh đang cần có giấy phép khai thác. Không để lỡ cơ hội, lần này để phù hợp với tâm lý đối tượng bị lừa đảo, hắn không tự giới thiệu là cán bộ “thanh tra” hay cháu ruột của vị lãnh đạo Nhà nước, mà tự giới thiệu mình là cán bộ Văn phòng Chính phủ, phụ trách các doanh nghiệp khu vực miền Trung. Trong mỗi lần tiếp đón nồng hậu, hắn ghé tại nói nhỏ với anh Tạ Q. và anh Trần Văn H.: “Mỏ là sở trường của em! Nhưng đây là vấn đề hết sức tế nhị, các anh đừng tiết lộ với ai nhiều, phiền toái lắm. Không nhận lời không được, mà nhận nhiều “sếp” quát, mất tin”. Tưởng thật, anh Tạ Q. và anh Trần Văn H. ngỏ ý nhờ hắn chạy giấy phép khai thác mỏ vàng tại Hà Tĩnh càng sớm càng tốt. Hắn bắt tay, nhưng không quên ngã giá “OK ! Khoảng 3 tháng sau là có giấy phép, nhưng giá 1 tỷ đồng”. Nghĩ “sếp” nể và nhận mỗi trường hợp của mình, hai người về nhà nói với vợ chuẩn bị 1 tỷ đồng để lo việc đại sự. Từ khi nhận lời đến cuối tháng 3/2012, theo yêu cầu của vị “cán bộ Văn phòng Chính phủ”, anh Tạ Q. đã chuyển 630 triệu đồng cho hắn. Trong đó có lần hắn đến tận nhà vay của vợ anh Tạ Q. 20 triệu đồng nói là để vào huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh làm thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ.

Trường hợp nhẹ dạ cả tin nữa là anh H, trú ở xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu nghe tin đã giới thiệu với bố đẻ của mình là ông N để gọi điện cho hắn nhờ xin việc cho em gái tên là Trần Thị D. vừa học đại học ra chưa xin được việc làm. Ông N gọi điện cho hắn và hai bên hẹn gặp nhau tại Khách sạn Mường Thanh Thanh niên, TP.Vinh. Tại đây, ông N thổ lộ: “Tôi có cô con gái, học ngành Tài chính, chưa xin được việc làm, vạn sự nhờ chú”. Hắn bảo: “Ai giới thiệu mà bác biết tôi”? “Tiếng lành đồn xa”! Ông N nói cho “sếp” mát mặt. Hắn nói: “Tôi có quen Giám đốc Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thích làm cơ quan nào, đâu cũng được, nhưng phải có đủ 200 triệu đồng”. Ông N bảo bao nhiêu cũng được, miễn là xin được việc làm. Sau 3 lần nhận tiền, hắn đã chiếm đoạt của ông N 180 triệu đồng nhưng vẫn không “chạy” được việc như đã hứa. Hành vi lừa đảo của hắn đã bị Công an huyện Diễn Châu, Nghệ An điều tra bắt giữ. Điều đáng nói là sau khi bị bắt giữ, hắn rút thẻ “thanh tra” ra và to tiếng: “Các ông liều thật - giám bắt cán bộ thanh tra”…Tại cơ quan điều tra hắn khai tên là Trần Quang Nhật (SN 1987), trú tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Được biết, trong thời gian ăn nghỉ tại khách sạn ở TP.Vinh, bằng thủ đoạn trên, đối tượng Trần Quang Nhật đã lừa đảo lấy tiền của các bị hại dùng chi tiêu cá nhân và quan hệ trai gái.

Đầu năm 2013, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Trần Quang Nhật (SN 1987, trú tại huyện Lâm Hà, Lâm Đồng). Tại phiên tòa, Nhật đã thành khẩn khai báo mọi hành vi phạm tội. “Bị cáo nhận thấy việc làm của mình là sai trái với pháp luật, sai trái với các bị hại. Xin HĐXX và các bị hại xem xét giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo hưởng mức án thấp nhất để về nuôi vợ, nuôi con và làm việc trả nợ cho các bị hại”, Trần Quang Nhật nói trước khi tòa vào nghị án. Sau thời gian nghị án, HĐXX đã tuyên phạt Trần Quang Nhật 13 năm tù giam về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” và buộc bị cáo phải bồi hoàn toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các nạn nhân. Tại phiên tòa, một số nạn nhân khác của Trần Quang Nhật tiếp tục tới tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bị cáo này. Số bị hại này được giới thiệu làm đơn tố cáo lên cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An để tiếp tục làm rõ. Vụ việc sẽ được tách làm một vụ án khác và sẽ đưa ra xét xử sau.


Hữu Trọng