Tăng cường công tác quản lý lễ hội

03/03/2013 17:34

(Baonghean) - Thời gian qua, việc tổ chức lễ hội ở các địa phương luôn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, qua đó góp phần lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, có ý nghĩa tích cực với đời sống tinh thần. Tuy nhiên không phải lễ hội nào cũng tạo được ấn tượng đẹp, mà vẫn còn đó nhiều hoạt động biến tướng, tiêu cực… Bước vào mùa lễ hội năm nay, ngành Văn hóa và các địa phương tổ chức lễ hội đang thực hiện chấn chỉnh điều này.

Những năm trước, vào mùa lễ hội, các tệ nạn mê tín dị đoan, bói toán, lên đồng, xóc thẻ, đốt vàng mã, ăn xin; những bất cập về trật tự giao thông, nạn móc túi, vệ sinh môi trường, mở loa đài lớn ở nơi linh thiêng, giữ xe, bán hàng với giá cao… diễn ra ở hầu hết các nơi tổ chức lễ hội, đã làm giảm đi vẻ đẹp và những giá trị văn hóa của các lễ hội.

Không khó để nhận ra nguyên nhân dẫn đến hoạt động biến tướng, hiện tượng tiêu cực: Trước hết, không gian tổ chức lễ hội có giới hạn nhưng lượng du khách đến tham gia quá lớn gây ra lộn xộn, ùn tắc giao thông, tạo điều kiện cho tư thương nâng giá dịch vụ; Do sự ganh đua về tổ chức lễ hội của các địa phương khiến mất cân đối giữa nguồn lực đầu tư và hiệu quả tổ chức. Bên cạnh đó, tác động của mặt trái thị trường đã dẫn đến nhận thức, sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, tính thực dụng lan sang nhà tổ chức, nhà tài trợ. Một số nơi coi di tích lễ hội là nguồn lợi của địa phương, chỉ chú trọng tập trung khai thác giá trị kinh tế làm phai mờ bản sắc văn hóa của lễ hội. Nhiều nơi, Ban tổ chức với những mức độ khác nhau đã áp đặt một số kịch bản có sẵn, làm mất tính chủ động, sáng tạo của người dân - chủ thể của lễ hội bị suy giảm. Về phía người dân, văn hóa giao tiếp ứng xử trong lễ hội còn yếu, trách nhiệm ý thức của du khách kém, như xả rác tùy tiện, đốt vàng mã còn nhiều, bất chấp quy định của ban tổ chức lễ hội.



Lễ hội Đền Cờn.

Bước sang mùa lễ hội năm 2013, yêu cầu thực tế cho thấy cần có thêm những biện pháp thiết thực để đảm bảo an ninh trật tự và gìn giữ nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc, quê hương trong hoạt động lễ hội. Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay: Rút kinh nghiệm tổ chức lễ hội các năm trước, năm nay, ngành sớm gửi báo kế hoạch tổ chức lễ hội đến tất cả các cấp liên quan để có sự chuẩn bị tốt các khâu. Bên cạnh đó, ngành sẽ tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh các hành vi tiêu cục, phi văn hóa, hoạt động mê tín dị đoan, ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường sinh thái; Chấn chỉnh một số lễ hội dân gian tổ chức có hiện tượng pha tạp, vay mượn hoặc cải biên làm biến dạng nghi lễ, lễ hội truyền thống, phai mờ bản sắc dân tộc, hay tình trạng lập nhiều ban thờ đặt nhiều hòm công đức; tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ giá trị của lễ hội, công đức danh nhân, bảo vệ nơi thờ tự, bảo vệ môi trường cảnh quan và các văn bản quản lý lễ hội đã được ban hành…

Để thiết lập trật tự, văn minh cho lễ hội thì vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương, ban tổ chức lễ hội là rất lớn. Chuẩn bị cho mùa lễ hội năm nay, ở các địa phương đều có sự chuẩn bị chu đáo với quyết tâm tăng cường quản lý, chấn chỉnh những tệ nạn, hiện tượng không hay xảy ra trong lễ hội. Ông Hồ Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Đền Cờn cho hay: “Để đảm bảo công tác an ninh trật tự cho lễ hội năm 2013, huyện đã chỉ đạo lực lượng công an phối hợp cùng các xã như Quỳnh Phương, Quỳnh Dị và lực lượng biên phòng trên địa bàn tiến hành phân chốt, tuần tra canh gác; nhằm giải quyết dứt điểm việc ách tắc giao thông và tình trạng gây rối trật tự công cộng, ăn xin, các tệ nạn cờ bạc. Đặc biệt, trong đêm khai lễ, huyện và ban tổ chức tăng cường các lực lượng để tránh tình trạng người xem đu bám, móc túi có thể xảy ra. Về công tác phòng chống cháy nổ, Ban tổ chức đã hợp đồng với Công ty Xi măng Hoàng Mai 1 xe cứu hỏa thường trực; Ngày diễn ra hoạt động đua thuyền, huyện sẽ phối hợp với các thuyền của biên phòng, ngư dân để đảm bảo an toàn; trên bờ có lực lượng giữ trật tự tránh việc xô đẩy có thể xảy ra”…

Huyện Diễn Châu cũng đã có kế hoạch cụ thể để đảm bảo an toàn cho Lễ hội Đền Cuông, ông Võ Sỹ Tài - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết: Kế hoạch của huyện đã có sự phân công cụ thể đối với từng lực lượng và địa phương, theo đó sẽ chú trọng dẹp bỏ các hoạt động mê tín dị đoan; trong thực hành nghi lễ, hạn chế tới mức thấp nhất việc đốt hương vàng bừa bãi; Phòng chống các loại tội phạm như trộm cắp tài sản, tổ chức cá cược bên ngoài các hoạt động thể thao như chọi gà, bóng chuyền. Tiến hành bổ sung các trang thiết bị đồ hành lễ; chỉ đạo xã Diễn An có 10 người chăm lo việc vệ sinh trong đền, ngoài sân hội thì sẽ do các em học sinh đảm bảo, dọn dẹp vào cuối ngày trong suốt thời gian diễn ra lễ hội…”.

Huyện Nghi Lộc cũng đã chỉ đạo xã Nghi Hợp quy hoạch riêng khu vui chơi ra khỏi khu vực diễn ra nghi lễ truyền thống của Lễ hội Đền Nguyễn Xí. Ông Nguyễn Khắc Chất - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện cho rằng: Việc tách biệt hai khu vực sẽ tạo điều kiện tốt cho việc quản lý lễ hội cũng như mở rộng thêm hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian. Năm nay, huyện quán triệt tuyệt đối không để xảy ra các tình trạng cờ bạc cũng như trò chơi có thưởng…

Thực tế cho thấy, để lễ hội diễn ra an toàn, phát huy tốt giá trị vốn có, bên cạnh vấn đề trách nhiệm của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương, ban tổ chức lễ hội thì ý thức của người dân khi tham gia cũng rất quan trọng. Trước hết người dân nên tìm hiểu về nội dung lễ hội, thời gian tổ chức, địa điểm để chủ động khi tham dự; ngoài ra người dân khi đến lễ hội thì chấp hành tốt quy định của ban tổ chức lễ hội, có ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường nơi tổ chức lễ hội, cũng như thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng… Mong rằng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành cộng thêm ý thức của người dân, mùa lễ hội năm nay của tỉnh sẽ diễn ra an toàn, trang nghiêm và giữ được ý nghĩa văn hoá, tạo ấn tượng đẹp trong mỗi người tham gia.


Bài, ảnh: Nguyễn Thành Chung