Nghề mây tre đan nguy cơ mai một

13/03/2013 11:19

(Baonghean) Trở lại Nghi Thái (Nghi Lộc) hôm nay, không khỏi hụt hẫng bởi xã có 10 làng nghề mây tre đan (MTĐ) và 1 làng có nghề nay thưa thớt người đan lát... Cái thời hưng thịnh của MTĐ Nghi Thái, nay chỉ còn trong nỗi nuối tiếc của người làng nghề…

Người dân làng nghề MTĐ Nghi Thái một thời tự hào về cái nghề “cứu đói, cứu bần” cho nông dân quê nghèo, khi thu nhập từ nghề đang có sức hút, người người hăng say sản xuất, nhà nhà thi đua lao động tạo nhiều sản phẩm nhập cho doanh nghiệp. Nay, nguồn nguyên liệu thiếu hụt, tiền công sản xuất quá thấp không đảm bảo được mức sống, nhiều lao động đã giải nghệ, xoay sang tìm việc làm khác có mức thu nhập cao hơn như: nghề mộc, xây dựng, chăn nuôi hay buôn bán nhỏ…

Đã bỏ nghề MTĐ hơn 2 năm nay, nhưng ông Nguyễn Thanh Hải xóm Thái Thọ vẫn chưa nguôi nuối tiếc cái nghề cha truyền con nối mà gia đình ông đã làm suốt hơn 50 năm qua. Ông tâm sự: “Từ năm 2010 trở về trước, gia đình tôi làm nghề, nổi tiếng khắp xã này. Nhà có 5 lao động làm nghề không kể ngày đêm. Mỗi lần nhập nguyên liệu 2 - 3 tấn lùng, 1 tuần/lần nhập hàng (100 sản phẩm), người, xe ra - vào tấp nập. Giai đoạn từ năm 2010 trở về trước, tiền công thu nhập của gia đình tôi 80.000 đồng/người/ngày. Bây giờ cũng tích cực sản xuất như thế nhưng tính ra chỉ được 40 - 50 ngàn đồng/người/ngày.” Tôi hỏi nếu thu nhập đảm bảo, gia đình ông có trở lại làm MTĐ nữa không? Nét mặt ông Hải rạng lên: “Có chứ, tôi còn nhớ nghề lắm! Vì mưu sinh phải căn cơ tính toán chuyển đổi nghề nghiệp. Các con tôi hiện nay vẫn còn đi dạy nghề cho lao động ở huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành…”



Sản xuất mây tre đan ở Nghi Thái (Nghi Lộc).

Đến nhà chị Trương Thị Hiền ở xóm Thái Phúc, thấy góc nhà còn vài sản phẩm đan dở. Chị Hiền cho hay: Làm MTĐ bây giờ thu nhập rất thấp, tôi phải làm thêm đủ nghề, chứ chỉ chuyên vào MTĐ thì không đủ ăn. Giá lùng nguyên liệu thì tăng cao, đầu ra sản phẩm tăng không đáng kể, người sản xuất rất khó khăn. Trước năm 2010, giá nguyên liệu lùng khô từ 15.000 – 17.000 đồng/10 kg, hiện nay giá 35.000 đồng/10 kg nhưng lùng tươi và dày hơn, không khô và mỏng như ngày trước. Đợt nào may mắn gặp được lùng đẹp thì sản xuất còn có thu nhập 40 - 50 ngàn đồng/ngày, có đợt nhận nhiều bó bị thâm sẫm, nan không trắng, coi như làm công không, thậm chí lỗ cả tiền nguyên liệu. Yêu cầu về chất lượng hàng hoá ngày càng khắt khe, trong khi mẫu mã thay đổi liên tục; nhiều hộ đưa hàng đi nhập chờ cả buổi rồi phải đưa về vì không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, sinh chán nản không muốn làm nghề. Ngoài ra, không ít người mới vào nghề chưa có kinh nghiệm, sản xuất còn bị lỗ. Những năm trước, khoảng 60% hộ dân trong xóm làm nghề MTĐ thì hiện nay chỉ còn chưa đầy 10%. Lo rằng cứ đà này nghề MTĐ rất khó tồn tại.

Ông Doãn Hữu Sâm (xóm Thái Thọ) vừa làm thợ, vừa làm khâu trung gian chuyên gom hàng của người dân làng nghề nhập cho doanh nghiệp. Hơn 20 năm gắn bó với MTĐ, tình yêu với những sản phẩm mộc mạc do chính mình làm ra khiến ông không thể bỏ nghề. Song ông thấy xót cho công của người lao động quá rẻ. Miệt mài, nâng niu từng sợi nan, trau chuốt từng nấc đan để hoàn chỉnh một sản phẩm, không chỉ đơn thuần là công lao động mà còn đòi hỏi tài hoa của người thợ, thế nhưng giá trị mang lại quá thấp. Hiện tại, ông Sâm đang đan mẫu sản phẩm mới “sọt đựng quần áo” theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để xuất khẩu sang thị trường Đức.

Ông Sâm chia sẻ: “Không muốn làm nữa vì hôm trước vừa nghe tin doanh nghiệp chỉ mua với giá hơn 50.000 đồng/sản phẩm. Để đan hoàn chỉnh 1 sản phẩm “sọt đựng quần áo” thì người thợ lành nghề như tui cũng phải làm liên tục trong một ngày rưỡi mới (tính từ khâu chẻ nan). Tối thiểu doanh nghiệp mua ở giá 80.000 đồng/sản phẩm, sau khi trừ chi phí, người sản xuất mới có thu nhập 40.000 đồng/ngày. Nhưng mua 50.000 đồng/sản phẩm, người dân chỉ được hưởng 20.000 đồng/ngày. Như vậy dân lấy chi mà sống!”

Nghề MTĐ đang nhạt dần trong tâm thức của người làm nghề. Trong 10 làng nghề MTĐ của xã Nghi Thái, hiện có 2 làng nghề Thái Thọ và Thái Lộc tương đối ổn định, còn lại các làng khác đều chung cảnh sụt giảm mạnh lao động nghề. Ông Sâm nhớ lại những năm 2003 – 2005, khi đó 1 bộ sản phẩm gồm 3 chiếc giá trị 12.000 đồng, thế mà bình quân mỗi tuần nhập hàng cho cả làng nghề Thái Thọ thu về 20 triệu đồng. Hiện nay, cũng bộ sản phẩm đó, giá khoảng 45.000 đồng/bộ, tăng gấp 3,5 lần, song tổng giá trị gom hàng 1 tuần của cả làng nghề chỉ đạt 10 – 15 triệu đồng. Do lao động làm nghề sụt giảm nhiều, số lượng sản phẩm làm ra chỉ bằng 1/3 so với những năm trước.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Đình Dương – cán bộ khuyến công xã Nghi Thái, cho biết: Từ năm 2009 trở về trước, toàn xã có hơn 1.400 lao động với 713 hộ làm nghề MTĐ, giá trị thu nhập từ nghề đạt khoảng 12 tỷ đồng/năm. Đến năm 2012, chỉ còn 837 lao động làm nghề MTĐ với 428 hộ sản xuất, giá trị thu nhập đạt 8 tỷ đồng. Sự sụt giảm mạnh lực lượng lao động làm nghề đang là nỗi lo của chính quyền địa phương cũng như các làng nghề. Lãnh đạo xã đang tập trung động viên nhân dân tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06 của tỉnh, tích cực sản xuất, duy trì phát triển làng nghề truyền thống để giữ nghề tồn tại. Còn về phía doanh nghiệp, phải có giải pháp kích cầu sản xuất, mua hàng với giá thoả mãn cho người lao động. Khi người dân thấy mức thu nhập từ nghề đảm bảo thì mới kích thích sản xuất trở lại.

Chưa có giải pháp khắc phục khó khăn, nguy cơ mai một nghề MTĐ xuất khẩu ở các làng nghề đang hiện rõ.


Quỳnh Lan