Người lính phía cổng trời
(Baonghean) - Vượt mấy chục cây số xuyên mây, băng núi từ Thị trấn Mường Xén, vượt dốc Cổng Trời để lạc vào thung lũng mênh mông nằm trên độ cao 1485m! Giữa điệp trùng của dãy Puxailaileng hùng vĩ, xã Mường Lống (Kỳ Sơn) được coi như một “Đà Lạt của miền Trung”, những CBCS của Đội công tác số 7 (Ban CHQS huyện Kỳ Sơn) từ mọi nẻo đã hội quân về đây, đồng cam cộng khổ cùng bà con người Mông đánh thức miền đất sương.
Chiều nơi bản nhỏ Mường Lống 1, chúng tôi theo chân các CBCS của đội lên lối dẫn về bản, nơi quây quần những mái nhà gỗ xám. Lối mòn nhỏ chạy ngoằn ngoèo giữa những rặng đào đã sớm nở hoa. Thật lạ, miền đất này, dường như lúc nào cũng có hoa đào. Dọc đường, đã thấp thoáng bóng người đi rẫy về. Trĩu nặng gánh củi trên vai, bà Cử Y Rùa (bản Mường Lống 1) cười chào, "khoe" những chiếc răng vàng chóe: “Mấy cái bộ đội lên bản sớm rứa! Tối nhớ qua nhà mình chơi”. Trung tá Nguyễn Thanh An quay lại bảo tôi: “Bà con ở đây quý anh em trong đội lắm, có chuyện gì cũng gọi hết đó”.
Cán bộ Đội công tác xây dựng cơ sở Mường Lống cùng bà con lên rẫy.
Mường Lống - theo tiếng Thái có nghĩa là vùng - đất - quên. Với trên 700 ha cây anh túc, loài hoa phù dung mê hoặc từng phủ ngập tràn vùng - đất - quên, dễ thường cũng làm người ta quên mất lối về. Nhưng đó là chuyện của 20 năm về trước! Năm 1992, hơn 700 ha thuốc phiện phủ đầy thung lũng dưới chân Cổng Trời đã bị triệt phá theo Dự án VIE95/B09/P12 của Liên Hiệp Quốc. Giờ đây, cũng Mường Lống xưa, nhưng thung lũng nay đã xanh tràn cây mận tam hoa, cây đào Úc, lê, táo và biết bao đổi thay khi người dân cương quyết gạt bỏ tập quán sai lầm một thuở…
Đội xây dựng cơ sở số 7 được thành lập năm 2002. Những ngày đầu, đội nằm ở địa bàn huyện Con Cuông (phụ trách 5 xã Môn Sơn, Châu Khê, Lạng Khê, Cam Lâm và Thạch Ngàn). Đến tháng 10/2011, đội đặt chân lên đất Mường Lống. Nhiệm vụ của đội là tăng cường các tổ, đội công tác cho cơ sở. Các anh đã lên cùng bà con để xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Những người lính một thời trận mạc, nay trở lại trên một trận chiến mới - trận chiến cùng bà con xóa đói nghèo, lạc hậu. Và một nhiệm vụ nữa cũng không kém phần quan trọng là tiếp tục giữ vững QP-AN trên tuyến biên giới.
Nơi đội đang đóng quân hiện giờ nằm cạnh tấm bia tưởng niệm và là Nghĩa trang Công Nhân, nhắc lại sự kiện cách đây 48 năm (1964), phỉ đã tập kích vào trại thực nghiệm dược Mường Lống, gây ra vụ thảm sát làm chết 27 công nhân. Năm xưa, những người công nhân từ miền xuôi đã lên miền đất sương để ươm mầm nguồn dược liệu quý. Giờ đây, những người lính thời bình lại khoác ba lô lên với Cổng Trời. Họ đều vì nghĩa cả cho một Mường Lống ấm no hơn. Với những việc đã làm được, với tình cảm của bà con dành cho, Đội công tác số 7 đã có “chỗ đứng” tin cậy trong lòng người Mông ở một phía Cổng Trời.
Mường Lống nằm cách Thị trấn Mường Xén 40km, địa bàn của 100% người Mông sinh sống với 822 gia đình, 4.170 nhân khẩu, hộ nghèo còn 692 (chiếm 84,1%). Xã có 13 bản với 19 chi bộ (182 đảng viên), có bản xa nhất như Huồi Khun, cách trung tâm xã 25 km đường rừng, vào một lần là không muốn quay ra. Với đặc điểm như vậy nên CBCS của đội đã phải dày công khảo sát từng lĩnh vực về chính trị, kinh tế, đời sống của nhân dân. Nơi đó, bước chân người lính cũng phải gập ghềnh theo đá núi mà lên với địa bàn canh tác, tận mắt thấy nỗi cơ cực khi gieo hạt lúa rẫy, trồng cây lê, cây đào Úc... để từ đó mà thấu hiểu, mà sẻ chia... Cũng từ đó, tiếng nói tham mưu của đội với cấp trên mới có hiệu quả.
Cũng như những miền đất khác, nơi đứng chân của đội công tác cơ sở bao giờ cũng đặc biệt khó khăn, trình độ cán bộ địa phương còn yếu. Nhiều việc, cán bộ của đội phải làm thay Ủy ban, Đảng ủy xã. Nhiều lúc cần văn bản hướng dẫn, các anh phải đi về tận Thị trấn Mường Xén, lên mạng internet để tải về, chọn lọc những nội dung sát với tình hình địa bàn in ra phục vụ công việc. Chuyện tranh chấp đất đai xẩy ra khá thường xuyên, đội đã phải dày công nghiên cứu về những quy định của Luật Đất đai, để từ đó áp dụng vào điều kiện thực tế của xã. Anh An kể, ở đây, nơi rừng cao núi thẳm, đất đai không hiếm. Nhưng đôi lúc, chỉ vì... không thích nhau, thế là tranh chấp. Lúc này, người cán bộ bộ đội không chỉ dựa vào luật, mà còn là người hòa giải, lựa lời khơi gợi tình làng bản, nghĩa dòng họ để làm sao tất cả lại chung nhau đoàn kết. Còn nhớ, dạo trước, bản Sa Lầy với bản Mường Lống 2, hay như bản Tham Hang, Tham Hốc cũng đã từng xích mích, nhỏ thôi, nhưng cũng phải có sự vào cuộc của những người như các anh mới “xuôi chèo mát mái” được. Không biết vì màu xanh áo lính đã được nhân dân tin cậy, gửi gắm từ bao đời hay cách thuyết phục của cán bộ mà bà con rồi cũng nghe ra. Vậy là bản nhỏ lại bình yên, chỉ còn tiếng cười rộn vang giữa một trời hoa mận trắng ở thung lũng sương.
Bữa lên bản Tham Pạng, ngồi cạnh bếp lửa ấm, cụ Lầu Gà Lầu, một già bản rất có uy tín đã nhẩn nha kể nhiều chuyện. Cụ bảo rằng “Các chú bộ đội về đây là dân có lộc đó. Chuyện to, chuyện nhỏ chi người Mông mình cũng đi tìm bộ đội để hỏi hết, đất Tham Pạng ơn bộ đội nhiều nhiều đó!”. Dường như, mỗi nơi bước chân người lính đi qua đều đã để kỷ niệm đẹp cho người ở lại. Đến nỗi, có bản ở Con Cuông, nơi đội có thời gian gắn bó lâu dài, đã quây rào giữ lại vết giày in lên bùn khô của bộ đội để làm... kỷ niệm. Thời đó, Trung tá Nguyễn Thanh An còn nhớ, đội đã trích 20 ngàn đồng/người/tháng từ tiền lương dành tặng cho các cháu học sinh nghèo Đan Lai, góp thêm phần nhỏ để xây nhà Đại đoàn kết toàn dân cho chị Lô Thị Bình, bản Đồng Tâm (xã Thạch Ngàn) trong Cuộc vận động “Tiết kiệm bản thân, để phần người khó”. Trong căn nhà ấm cúng của chị Bình, có một phần không nhỏ từ những đồng lương chắt chiu của CBCS Đội công tác số 7. Lúc quay lại thăm, gia đình rưng rưng cảm ơn.
Không chỉ đi vận động bà con, đội còn gương mẫu thực hiện để nhân dân học tập đó là tổ chức trồng tại đơn vị 50 gốc chuối. Mỗi CBCS còn trở thành một nông dân thực thụ khi tăng gia được thêm 5 tạ đậu hạt, lạc củ mỗi năm, rồi không ít bầu bí xanh vườn, trĩu quả, khoai lang, khoai sọ ngoài vườn, gà lợn trong chuồng. Mỗi năm, các anh cũng có chừng 70- 80 con gà. Mặc dù điều kiện, đất đai, địa hình nơi đội đóng quân lúc đó khá khó khăn, nhưng năm 2011, có đoàn nhà báo đến, anh em trong đội bảo: “Bây giờ thế này, để biết thêm về chút “cây nhà lá bộ đội”, mỗi người ta làm một... con gà”. Thứ gà các anh nuôi được khác hẳn gà dưới xuôi, bởi tuy nhỏ nhưng đã gần như gà rừng, ngon và gợi nhớ bóng quê dưới bàn tay lính cần mẫn.
Ngày đầu ngược lên cheo leo Mường Lống, bắt đầu biết bao khó khăn chờ đợi. Rào cản đầu tiên là ngôn ngữ. Khi đã bất đồng ngôn ngữ thì tất cả mọi công việc còn lại gần như không thể thực hiện nổi. Hơn nữa, tiếng Mông lại là thứ tiếng khó học, ít phổ biến. Lại nữa, phong tục tập quán của bà con người Mông cũng có rất nhiều nét khác biệt. Từ cách ăn ở, sinh hoạt, nói năng... Nhưng từng bước, các anh gần hơn với dân. Cụ Xồng Gà Vừ ở bản Mường Lống 1, năm nay đã 92 tuổi, nguyên là chủ tịch xã thời kỳ trước thì gật gù: “Bộ đội nói tiếng Mông chưa giỏi mô, tiếng ta khó học lắm. Nhưng mà biết chịu khó rứa là dân quý, dân tin thôi mà”.
Trung tá Nguyễn Thanh An vừa giở cuốn sổ công tác, vừa kể rằng: Người Mông thường có tập tục di dịch cư tự do nên đội luôn phải nắm chắc tình hình. Hôm nay mấy người đi vào Tây Nguyên, mấy người đi ra phía các tỉnh Tây Bắc, rồi số vượt biên trái phép sang Lào để từ đó phối hợp tuyên truyền vận động, giúp nhân dân ổn định sản xuất, phòng dịch bệnh... cho đến bám nắm địa bàn, thời vụ. Cạnh đó, một chuyện muôn thủa là trình độ của cán bộ cấp xã còn rất... sơ khai. Bởi vậy, đã đành là tham mưu, nhưng tham mưu thế nào để hiệu quả, nói thế nào để bà con, cán bộ hiểu là một chuyện, còn để nghe cũng là một chuyện khó không kém. Ngay cả quy chế hoạt động của cấp ủy, chính quyền cũng không có, đội cũng phải tham mưu để xây dựng từ quy chế giao ban, quy chế hội họp, quy chế báo cáo, thậm chí còn phải mua sổ sách, in ấn tài liệu sinh hoạt tặng cho 13 chi bộ thôn bản... để công việc đi vào quy củ, nề nếp.
Trong đội, anh em xác định “toàn đội như một gia đình”, thực hiện nghiêm điều lệnh, quy chế quân đội, thực hiện nghiêm quy chế sẵn sàng chiến đấu. Để làm tốt công tác quốc phòng dân sự địa phương trên địa bàn, đội đã tham mưu Đảng ủy xây dựng Nghị quyết về công tác tuyển quân. Trong dịp giao quân đợt 1 (2012), Mường Lống đã có 4 chiến sỹ về phục vụ tại Sư đoàn 324. Ngoài ra, đội đã tổ chức 6 lần (mỗi lần đi hết 13 thôn, bản theo từng chuyên đề) tuyên truyền, vận động về phòng chống tệ nạn xã hội, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân - gia đình. Năm 2012, qua các đợt tuyên truyền, đến tháng 10/2012 đã vận động nhân dân giao nộp 87 khẩu súng tự chế các loại (bắn đạn bi, đạn nhồi).
Vùng đất dưới Cổng Trời này với 2 mùa mỗi năm nhưng có đến 4 mùa một ngày, cảnh sắc đẹp như một Đà Lạt thu nhỏ, sẽ là điểm du lịch rất khả thi. Người Mường Lống đã bắt đầu bày bán pản tấu (dải hoa văn dọc áo) bằng thổ cẩm ở ngôi chợ trị giá 780 triệu đồng, sóng điện thoại Viettel đã hiện diện qua những kiốt nho nhỏ bán sim card. Dáng nét một thị tứ sơn cước cũng được định hình rõ nét ở xứ mờ sương nơi những quán café sinh thái, quán karaoke. Ở bản Mường Lống 1 đã phủ một màu hoa trắng hồng của 26.000 cây mận tam hoa và hàng ngàn cây đào Úc, lê, táo, hồng Hàn Quốc…
Lại một ngày mới trên xã vùng sương Mường Lống! Chia tay các anh để họ đi vào nơi bản xa chuẩn bị cho kỳ đại hội chi bộ sắp tới. Còn nhiều việc đang chờ các anh phía trước…!
Trần Hải