Một lễ hội truyền thống trong tâm thức nhân dân

22/02/2013 15:00

(Baonghean) - Từ thuở xa xưa, vùng quê Nam Đàn được khắp nơi biết đến là mảnh đất địa linh nhân kiệt. Có thể nói, Mai Hắc Đế (tên thật là Mai Thúc Loan) chính là người khơi nguồn dòng chảy truyền thống hiếu học, anh dũng và kiên cường của mảnh đất Nam Đàn.

Về Nam Đàn những ngày đầu Xuân, chúng tôi được chứng kiến không khí háo hức, vui tươi hiện hữu trên từng khuôn mặt của người dân nơi đây. Vui vì mùa Xuân đã về mang theo niềm tin và hy vọng về sự đổi thay, khởi sắc của cuộc sống. Vui vì sắp sửa đến dịp Lễ hội đền Vua Mai, lễ hội lại trùng với dịp kỷ niệm 1.300 năm khởi nghĩa Hoan Châu (713-2013). Tên tuổi, sự nghiệp và công đức của Vua Mai đã trở thành niềm tự hào và sức mạnh tinh thần không chỉ của người dân Nam Đàn, người dân quê Nghệ mà của cả dân tộc Việt Nam. Bởi lẽ, người nông dân được sinh ra và lớn lên nơi núi Đụn - sông Lam ấy là một trong những người con ưu tú đã dũng cảm thắp sáng ngọn lửa đấu tranh bất khuất, kiên cường để soi sáng tinh thần của toàn dân tộc trong nghìn năm Bắc thuộc.

Cậu bé Mai Thúc Loan sớm mồ côi cha mẹ, được một người bạn của bố nhận làm con nuôi. Từ nhỏ, Mai Thúc Loan đã bộc lộ tư chất khỏe mạnh hơn người, giàu ý chí, thường giành giải cao trong các cuộc đấu vật. Lớn lên, ông mở lò dạy vật, lập phường săn, chiêu mộ trai tráng trong vùng luyện tập võ nghệ để mưu việc lớn. Vào năm 713, nhân dân khắp nơi rên xiết dưới sự cai trị tàn bạo, hà khắc và chính sách bóc lột, vơ vét của nhà Đường (Trung Hoa), Mai Thúc Loan phất cờ tụ nghĩa và đứng lên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu. Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ rú Đụn (Nam Đàn), sau đó phát triển rộng khắp cả nước và Mai Thúc Loan chính thức lên ngôi vua, lấy hiệu là Mai Hắc Đế. Ông chỉ đạo xây thành, đắp lũy và lập Kinh đô Vạn An (nay thuộc xã Vân Diên và Thị trấn Nam Đàn), và tổ chức xây dựng, phát triển lực lượng (có thời điểm lên đến chục vạn quân), ngày đêm luyện tập võ nghệ để tính kế lâu dài. Cuộc khởi nghĩa được nhân dân khắp cả nước hưởng ứng đã khiến cho quan quân nhà Đường nhiều phen khiếp đảm. Năm 714, Mai Hắc Đế tiến quân ra bao vây Thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay), thái thú nhà Đường lúc bấy giờ là Quách Sở Khách đã không dám chống cự, buộc phải bỏ thành chạy trốn về nước.



Lễ rước tại Lễ hội đền Vua Mai. Ảnh: Sỹ Minh.

Trước tình thế đó, nhà Đường đã cho quân sang đàn áp, nghĩa quân Hoan Châu chống trả quyết liệt. Sau nhiều trận chiến khốc liệt kéo dài từ châu thổ sông Hồng đến châu thổ sông Lam, cuối cùng, Kinh thành Vạn An bị thất thủ, Mai Hắc Đế đành chịu thất bại. Khi nghĩa quân tan vỡ, Mai Thúc Loan rút vào rừng sâu trú ẩn và sau đó mất do bệnh nặng. Tuy thất bại nhưng người anh hùng của Hoan Châu đã thắp sáng niềm tin vào sự thắng lợi của tương lai, một minh chứng sinh động cho sức sống bất khuất, trường tồn của dân tộc. Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu là một trong những tiền đề quan trọng để nhân dân ta vùng lên giành lấy nền độc lập tự chủ trong những thế kỷ tiếp theo. Khi thoát khỏi ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, giành lại nền độc lập tự chủ, xây dựng cuộc sống hòa bình, người dân vùng đất Nam Đàn đã tu sửa lăng mộ, xây dựng đền thờ và hàng năm tổ chức lễ hội vào dịp đầu Xuân để tưởng nhớ một người con ưu tú của quê nhà, đồng thời xây đắp niềm tự hào và truyền thống quê hương...

Chúng tôi ghé thăm bà Nguyễn Thị Hồ (khối Phan Bội Châu, Thị trấn Nam Đàn), ở tuổi 86 nhưng ký ức về Lễ hội đền Vua Mai ở bà không hề vơi cạn. Bà còn nhớ khi còn bé tý, được mẹ bế ra ngõ xem lễ rước. Đi đầu là đội múa lân, tiếp theo là đội rước kiệu, rước sắc, đoàn rước đi theo hàng ngũ chỉnh tề, kéo dài tưởng chừng như vô tận. Lớn lên, nhiều năm bà được tham gia đội rước và được hòa mình trong không khí vui tươi, náo nức của ngày hội. Trong đó, bà thích nhất là phần thi hát đối đáp phường vải và hát ca trù. Theo lời giới thiệu của bà Hồ, chúng tôi ghé thăm ông Nguyễn Văn Độ (98 tuổi, anh trai bà Hồ). Tuổi già, sức yếu, từ việc đi lại, ăn uống đều phải nhờ đến con cháu nhưng ông vẫn có thể kể chúng tôi nghe về những ngày lễ hội năm xưa, thuở ông còn là một thanh niên trai tráng. Ngày đó, cứ mỗi lần đến dịp Lễ hội đền Vua Mai, ông lại cùng bạn bè trong làng cùng thi nhau ra sân đấu vật và xuống sông đua thuyền. Nhiều năm liền, ông là một trong những đô vật xuất sắc nhất hội, được nhận giải thưởng của làng. Theo trí nhớ của ông Độ, lễ hội ngày xưa thường kéo dài 5 - 7 ngày, không chỉ người dân trong vùng mà khắp nơi đều tìm về đây trẩy hội.

Qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, đền thờ Vua Mai bị tàn phá, lại không có điều kiện trùng tu, tôn tạo nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Và trong quãng thời gian này, chiến tranh, bom đạn nên người dân địa phương không có điều kiện tổ chức lễ hội thường xuyên. Việc coi sóc, cúng tế vẫn được người dân coi trọng, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết và ngày rằm. Bà Phạm Thị Hợp - khối Lam Sơn (Thị trấn Nam Đàn), nhà ở gần đền thờ Vua Mai cho biết: “Trong thời kỳ chiến tranh và kể cả sau chiến tranh, không có điều kiện tổ chức lễ hội hàng năm nhưng vào ngày Tết, ngày rằm, đặc biệt là dịp Rằm tháng Giêng, người dân trong vùng đều sắm sửa mâm cỗ, hoa quả, hương vàng đến đền dâng lễ, cúng bái và cầu mong sức khỏe, bình an và làm ăn phát đạt. Càng về sau, không chỉ người dân trong vùng, mà từ nhiều nơi khác cũng về lễ bái, bà con luôn mong ước một ngày nào đó Lễ hội đền Vua Mai sẽ được phục hồi”. Điều này được chị Lê Thị Hoa - cán bộ phụ trách công tác bảo tồn, bảo tàng thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Nam Đàn cho biết, năm 1996 đền thờ Vua Mai được công nhận và xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Cùng thời gian này, Lễ hội cũng từng bước được phục hồi.

Bên cạnh việc cúng tế, các hoạt động vui chơi giải trí như đua thuyền, đấu vật, chọi gà đã bắt đầu xuất hiện trở lại. Đến năm 2001, đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân, huyện Nam Đàn quyết định hàng năm tiến hành tổ chức lễ hội vào dịp đầu Xuân với quy mô cấp huyện. Đến nay, đã trải qua hơn 10 năm và lễ hội được tổ chức ngày càng quy mô, bài bản, đáp ứng được nhu cầu tâm linh cũng như nhu cầu vui chơi giải trí của người dân địa phương và du khách gần xa...


Tường Anh