Bài 4: Tổ quốc vinh danh

27/01/2013 16:28

> Xem Bài 3: Vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió

Cơn bão định mệnh

Để có được những Nhà Giàn vững chãi như hôm nay, thế hệ đi trước đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức và cả xương máu của mình. Trong những ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi được nghe kể lại những câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ hải quân trong thời khắc định mệnh.

Sáng ngày 14/1/2013, tàu chúng tôi có mặt tại vùng biển cụm Phúc Tần, nơi 3 cán bộ, chiến sỹ trên Nhà Giàn DK1/3 đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Câu chuyện của 23 năm về trước được kể lại. Chiều 4/10/1990, vùng biển thềm lục địa khu vực Phúc Tần bỗng khác thường. Phía Tây trời trong xanh ngắt, còn phía Đông mây đen bất chợt kéo về phủ kín bầu trời. Sóng gió nổi lên dữ dội. Nhà giàn Phúc Tần rung bần bật. Một đợt sóng mạnh đã đánh bật sàn nhà ở. Những tấm gỗ mặt sàn tung tóe trong nước.

Sau 1 ngày, Nhà Giàn Phúc Tần 2A bị nhấn chìm trong bão tố. Trong mịt mùng mưa gió, cán bộ, chiến sỹ Nhà Giàn vẫn kiên cường bám trụ, chống chọi với bão giông.

Song, đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh lên. Nhà Giàn bị bão quật đổ, cuốn tất cả xuống biển. Tám cán bộ chiến sĩ bám vào mảng phao bè tự chế, vừa chống chọi với sóng dữ, vừa động viên nhau cố gắng giữ sức bám chặt phao. Sóng mỗi lúc một to, chiếc phao bè tự chế tan tành từng mảnh. Trạm phó chính trị Nguyễn Hữu Quảng đã nhường lại chiếc phao cứu sinh cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội, rồi thanh thản ra đi vào cõi vĩnh hằng. Sau 15 giờ chống chọi trong sóng gió, khi được tàu HQ-771 ra cứu, 3 cán bộ, chiến sĩ Trung úy Nguyễn Hữu Quảng, y sĩ Lê Đức Là, nhân viên cơ điện Hồ Văn Hiền đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển cả.

8 năm sau, vào ngày 12 tháng 12 năm 1998, cơn bão Faith có sức gió giật trên cấp 12 quét qua vùng Biển Đông khiến Nhà Giàn Phúc Nguyên 2A bị sóng đánh sập. Có 3 người (Nguyễn Văn An, Lê Đức Hồng, Vũ Quang Chương) đã anh dũng hy sinh. Thượng úy Khắc Văn Oanh lúc đó đang làm nhiệm vụ trên Nhà Giàn Phúc Nguyên 2 nhớ lại: “Khoảng 7h sáng ngày 12/12/1998, trời trong xanh, sóng biển bình lặng. Dù có được thông báo là đang có bão nhưng nghĩ rằng cơn bão không đi qua vùng này nên tàu trực Biển Đông 19 nhận lệnh rời khu vực Phúc Nguyên để đi nhận nhiệm vụ khác”.

Đến 9 giờ sáng, mặt biển bỗng dậy sóng, mây đen ùn ùn kéo đến, trời tối đen. Sóng biển càng ngày càng lớn dần, có những con sóng cao hơn 10m. Đến khoảng 20 giờ, sóng mạnh, bắt đầu đánh lên nhà giàn . Nhà Giàn Phúc Nguyên 2, sóng đánh lên đến sàn dầu, cao khoảng 15m. Lúc đó, phía Nhà Giàn Phúc Nguyên 2A gọi sang cho biết rằng, bên đó sóng đánh trùm đầu. Anh em bên này đêm đó không ai ngủ để canh bão. Rồi anh em xuống sàn dầu khiêng máy nổ lên. Một người cầm đèn pin dọi xem sóng có đánh vào không để chạy lên cho kịp.

4h sáng ngày 13/12/1998, Nhà Giàn Phúc Nguyên 2A bị bão đánh sập. Lúc đó, trên Nhà Giàn có 9 người. Trong đó, 6 người lúc nhảy xuống biển đã ôm được vào phao bè mảng. Còn 3 người còn lại là Nguyễn Văn An, Lê Đức Hồng, Vũ Quang Chương đã anh dũng hy sinh. Nhận được tin Nhà Giàn Phúc Nguyên 2A gặp sự cố, tàu HQ606 chạy ra để ứng cứu. Đến 16 giờ ngày 13/12/1998, tàu mới đến nơi và cứu được 6 người lên boong. Còn 3 người còn lại thì tìm suốt một tuần nhưng vẫn không thấy.

Thượng úy Nguyễn Khắc Oanh ngậm ngùi: Tôi vẫn còn nhớ như in câu nói cuối cùng của anh Chương, Trạm trưởng Phúc Nguyên 2A lúc đó. Khoảng 4 giờ kém, anh Chương và tất cả mọi người trên Nhà Giàn chào tất cả các nhà giàn, đất liền: “Chào tất cả các đồng chí. Bọn tôi rời nhà đây !”. Nghe tin Nhà Giàn Phúc Nguyên 2A bị bão đánh sập, anh em chúng tôi ở bên này rất lo lắng. Nhưng rồi lại tự trấn tĩnh vì dù có gặp phải tình huống xấu nhất thì chúng tôi cũng đã làm xong nhiệm vụ với Tổ quốc.

Nghĩa trang đặc biệt

Cứ mỗi lần có chuyến công tác nào đi qua vùng thềm lục địa phía Nam, đoàn đều phải dừng tàu để làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh nơi đây. Người ta xem đây như là một nghĩa trang đặc biệt, là nấm mồ chung cho cả 9 anh hùng liệt sỹ năm xưa. Máu các anh đã hòa vào nước biển. Mộ các anh là những con sóng bạc đầu lừng lững kiên trung giữa biển trời Tổ quốc.



Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Tại lễ tưởng niệm, lời điếu văn của Thượng tá Lê Đình Việt - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh vùng B vang lên khiến cả đoàn nghẹn ngào; từ giọt nước mắt của cô phóng viên trẻ đến tiếng nấc của chị Nguyễn Thị Bé Hai - Phó Chủ tịch HLHPN tỉnh Trà Vinh, những đôi mắt đỏ hoe của các cán bộ, chiến sỹ trong đoàn, tất cả hòa quyện lại thành lời tri ân sâu sắc đến các liệt sỹ. “Các đồng chí đã gác lại bao khó khăn của hậu phương, gia đình, gác lại những tình cảm riêng tư và biết bao nhiêu hoài bão, khát vọng lớn lao của tuổi trẻ, để lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong sóng cuồng bão dữ, giữa sự sống và cái chết, các đồng chí đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Trước khi cuốn vào sóng dữ, Đại úy Vũ Quang Chương đã ôm lá cờ Tổ quốc vào lòng. Anh ra đi để lại nỗi xót thương vô bờ cho đồng chí, đồng đội, để bố mẹ già nơi quê hương Thái Bình mất đi một chỗ dựa lớn lao; để người vợ mất đi một người chồng đầy tình thương, trách nhiệm. Trước khi hi sinh, đồng chí Nguyễn Văn An vẫn hi vọng được gặp đứa con trai chưa một lần thấy mặt, để lại người vợ lẻ loi... Anh vẫn cố gắng duy trì sự hoạt động bình thường của máy phát điện để thắp sáng cho đồng đội một ánh sáng hào quang trong đêm giông tố. Còn đó hình ảnh người cán bộ Radar Lê Đức Hồng, trước khi Nhà Giàn đổ, anh đã thanh thản gửi lời chào đất liền rồi lặng lẽ hòa mình vào dòng nước đại dương”.

Sự ra đi của các anh quá đỗi vinh quang, mãi mãi in đậm trong niềm thương tiếc, cảm phục, kiêu hãnh của cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam hôm nay. “Các anh hãy bình an vĩnh hằng trong lòng biển. Chúng tôi xin hứa sẽ tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”, giọng của Thượng tá Việt trầm ấm mà mạnh mẽ.

Vòng hoa tang và những bông hoa cúc vàng lần lượt được thả xuống biển như là một lời tri ân, ghi nhớ những cống hiến và sự hy sinh anh dũng của các anh - những chiến sĩ kiên trung bảo về Nhà Giàn. Tiếp nối truyền thống anh hùng của các liệt sỹ đã ngã xuống, thế hệ lính biển hôm nay vẫn kiên cường bám biển, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng vùng thềm lục địa phía Nam, để mùa xuân của Tổ quốc mãi mãi được vui tươi, hạnh phúc.


Phạm Bằng (Email từ Nhà Giàn DK)