Phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa xuân

28/02/2013 18:01

(Baonghean) - Nếu mọi năm, khoảng cuối tháng 2 dương lịch, bệnh đạo ôn mới bắt đầu phát sinh gây hại trên lúa xuân thì năm nay thời tiết ấm, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, ngay từ Tết Nguyên đán, bệnh đã xuất hiện và phát triển. Việc phòng trừ là công việc cấp bách hiện nay của nhà nông.

Từ sát Tết Nguyên đán, 8 sào lúa của gia đình ông Nguyễn Văn Cần (xóm Thái Lộc - Nghi Thái) đã bắt đầu xuất hiện bệnh đạo ôn. Ông lo lắng cho biết: Diện tích nhiễm đạo ôn chủ yếu trên giống lúa Xi23 và bị sớm hơn mọi năm. Dù đã phun thuốc trừ bệnh theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, nhưng ông Cần vẫn không yên tâm, vì từ sau Tết đến nay, diện tích nhiễm bệnh đã tiếp tục tăng lên, trời lại mưa ẩm nên rất khó cho việc phòng trừ.



Phun thuốc trừ sâu cho lúa xuân ở Nghi Thái, Nghi Lộc.

Là 1 trong 2 địa phương có diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lớn nhất (cùng với TP Vinh), đến ngày 22/2/2013 toàn huyện Nghi Lộc đã có 120 ha ở 16 xã bị nhiễm bệnh đạo ôn, trong đó có trên 11 ha nhiễm nặng. Theo Phó phòng Nông nghiệp huyện, Đồng Thanh Bình: Bệnh xuất hiện từ trước Tết Nguyên đán ở xã Nghi Phong; tuy nhiên, từ những ngày sau Tết, bệnh phát triển và lây lan rất mạnh sang các địa phương khác do gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, nắng xen mưa, ẩm độ cao. Nhiều xã như Nghi Thái, Nghi Phong đã có hàng trăm ha nhiễm bệnh. Huyện đã tổ chức phun phòng đợt 1 trên 70 ha nhiễm bệnh nhẹ và hiện đang tiếp tục chỉ đạo phun tiếp số diện tích còn lại và những diện tích có nguy cơ nhiễm. Tuy nhiên, những ngày qua công tác phòng trừ bệnh đạo ôn gặp rất nhiều khó khăn do mưa rét liên tục, có phun thuốc cũng không hiệu quả, và nguy cơ bệnh phát triển thành dịch trên diện rộng là rất cao. Để giảm thiểu thiệt hại do bệnh gây ra, đề phòng nguy cơ xảy ra dịch đạo ôn ở giai đoạn cổ bông, Nghi Lộc chủ trương tiêu hủy những diện tích bị nhiễm bệnh với mức độ trên 50%; số còn lại, nếu bị nhiễm nặng thì phải phun nhiều đợt với nồng độ đậm đặc hơn hoặc đổi thuốc nếu cần để tăng tính đặc hiệu.

Hiện nay lúa vụ xuân đang thời kỳ đẻ nhánh, thế nhưng ngay từ trước Tết, bệnh đạo ôn lá đã và đang phát sinh gây hại rải rác trên lúa tại hầu hết các huyện. Đến ngày 20/2, tại Nghi Lộc và TP.Vinh đã có 186,1 ha nhiễm bệnh (Nghi Lộc trên 120 ha, TP. Vinh gần 66 ha), trong đó có 12,75 ha nhiễm nặng, với tỷ lệ bệnh phổ biến 3 - 5%, nơi cao 15 - 30% và cá biệt có những diện tích lên đến 50 - 70%. Diện tích nhiễm bệnh tập trung chủ yếu trên các giống lúa xuân sớm như Xi 23, Xi 30, TL 6, BC 15,....

Vụ xuân năm nay, bệnh đạo ôn lá xuất hiện sớm hơn so với bình thường. Nguyên nhân do từ khi cấy đến nay, thời tiết chủ yếu là nắng ấm, cây lúa phát triển rất nhanh. Trước tình hình bệnh phát sinh mạnh, ngành BVTV đã chỉ đạo tiến hành phun phòng trừ trên những diện tích nhiễm bệnh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Hương (Phó Chi cục BVTV tỉnh) thì trong thời gian tới thời tiết ấm dần, xen kẽ các đợt không khí lạnh, ẩm độ không khí cao kèm theo mưa, kết hợp với việc nông dân bón thúc đẻ nhánh cho lúa là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát sinh, lây lan gây hại nặng trên diện rộng. Đặc biệt trên những chân đất cát pha, thịt nhẹ, vùng bán sơn địa, gieo cấy giống có mức độ nhiễm cao như Xi 23, Xi 30, BC 15, AC 5, Khải Phong, IR 17494, nếp,... và trên những ruộng bón phân không cân đối, bón thừa đạm.

Để phòng trừ có hiệu quả đối với bệnh đạo ôn lá hại lúa, không để bệnh lây lan gây hại nặng trên diện rộng, bà con cần bám sát đồng ruộng để phát hiện kịp thời sự phát sinh gây hại của bệnh trên đồng ruộng, phòng trừ bệnh. Đặc biệt, bà con cần chú ý, trên những diện tích lúa đã nhiễm bệnh, gây hại cần tạm dừng ngay việc bón thúc đạm, giữ đủ nước trên ruộng, không được để khô để hạn chế bốc đạm, giúp lúa sinh trưởng phát triển khỏe, tăng sức đề kháng chống bệnh. Trên những ruộng đã có vết bệnh cần tuyệt đối không sử dụng các loại phân bón qua lá và bón đạm, nếu bị nhẹ thì chỉ cần bón thêm vôi và tiếp tục theo dõi để phun trừ khi tỷ lệ nhiễm bệnh từ 3- 5% bằng một trong các loại thuốc như Katana 20SC, Beam 75WP, Filia 525SE, Vista 72,5 WP, Bump 650WP, Kabim 30WP, Ensino 40 SC, … theo lượng khuyến cáo, sau một tuần kiểm tra lại nếu bệnh vẫn tiếp tục phát sinh cần phun lại lần 2 sau phun lần 1 từ 5 - 7 ngày, khi bệnh ngừng phát triển mới tiến hành chăm bón trở lại.


Bài, ảnh: Phú Hương