"Cõng" tiền Chính phủ lên non

29/11/2012 17:13

(Baonghean) - Sáng sớm Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Kỳ Sơn Vi Thị Khuyên, cô gái Thái trẻ trung, xinh đẹp đã có mặt tại nhiệm sở giao nhiệm vụ cho tổ cán bộ tín dụng chuẩn bị lên đường đến điểm giao dịch các vùng bản. Tôi chợt nhớ tới những câu ca từ trong ca khúc "Em đi làm tín dụng" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được nghe cách đây rất lâu...

"Sương đêm chưa tan... đã lên đường"

Mới sáu giờ sáng, đứng trên cầu Huồi Giảng, đầu Thị trấn Mường Xén, nhìn đỉnh Pu Lon cao hơn 1.500m vẫn ủ trong mây, anh Hoàng Văn Thắng, tổ trưởng tổ tín dụng của Ngân hàng CSXH Kỳ Sơn thúc giục mọi người kiểm tra lại đồ đạc và phải ăn thật no để xuất hành sớm kẻo muộn. Thắng nói: "Mùa này ở Kỳ Sơn khí hậu giống như ở bên Lào đã là mùa khô nên không sợ lầy lội, nhưng mùa mưa lũ vừa qua hầu hết các tuyến đường từ huyện lên các xã đều sạt lở, nhiều đoạn xe máy cũng phải dắt đẩy. Hôm nay lên xã Keng Đu, cách trung tâm huyện khoảng 50 km, đoạn từ xã Huồi Tụ vào Đọoc Mạy lại phải leo dốc Phà Bún dài bốn cây số, đề phòng xe "pan" nên bọn em phải chuẩn bị đầy đủ đồ ăn và ra kế hoạch nhờ dân tiếp ứng kéo xe, khiêng máy nổ... Thắng nói, thường thì tổ tín dụng phải đầy đủ ba người, trong đó có một bảo vệ, nhưng do đặc thù, tổ chỉ được giám đốc phân công hai người. Vậy mà phải mang theo ngoài tư trang còn thứ không thể thiếu đó là "đồ nghề" gồm hai rương tôn: rương hai khóa đựng tiền, rương một khóa đựng chứng từ kế toán, một máy phát điện nhỏ, máy tính, máy soi tiền và máy đếm tiền."

Đúng 6 giờ 30 phút, xe chúng tôi men theo con đường "ngang trời" cheo leo chìm vào khói mây hun hút giữa đại ngàn. Từ bản Kẻo Lực 1, xã Phá Đánh lên xã Huồi Tụ và từ đó lên Na Loi vào đến Keng Đu, bảng lảng mây. Xe nhiều lần phải cài cầu, gầm gào phun khói mù mịt vượt suối, leo dốc. Đúng như Thắng nói, vừa qua mùa mưa bão, nhiều đoạn đường bị sạt lở lởm chởm, trơn tuột, nơi mới tạm khắc phục chỉ đủ lọt hai bánh xe, lái xe chỉ một phút chùn tay, sơ sểnh sẽ lao xuống vực sâu thăm thẳm...


Xe ô tô của Ngân hàng CSXH Kỳ Sơn đến điểm giao dịch chênh vênh
bên vực thẳm

Ở Kỳ Sơn, số xã có đường "ngon" cho xe ô tô đến được điểm giao dịch chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đến điểm giao dịch như Keng Đu này hay Bắc Lý, Mỹ Lý... không chỉ tính giờ, tính buổi mà thậm chí mùa mưa phải tính hàng ngày đường. Các điểm khác ở phía Tây Trường Sơn, có đỉnh Puxailaileng sát biên giới Việt - Lào có độ cao đứng thứ hai sau Phanxiphăng như Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Ải, Mường Típ..., gặp khi mưa bão, có đường vào nhưng không có lối ra nên cán bộ tín dụng xuống địa bàn có khi phải hàng tuần. Nơi không đi được xe máy như lên các bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, Khe Linh xã Bắc Lý, bản Huồi Thơ, xã Đọc Mạy...lốp xe máy phải quấn xích tăng độ bám để leo dốc hoặc chặt thêm cành cây buộc vào sau để giảm độ trơn trượt khi xuống dốc... Nhiều nơi phải lội bộ cả ngày đường, nhịn đói, khát dọc đường là chuyện thường gặp, nên cán bộ được tăng cường cho huyện Kỳ Sơn đa số là cán bộ trẻ, khỏe để dễ bề "cắm bản". Thắng kể: Cách đây ba tháng (19-8), tổ giao dịch vào xã Bắc Lý cách trung tâm huyện khoảng 55km, vừa xuất phát thì trời mưa to. Xe đội mưa ì ạch bò lên cách điểm giao dịch 7km thì núi sạt lấp đường. Hết đường, đành phân công nhau người vác rương, người thùng tài liệu, đồ đạc gồng gánh lội bộ. Đến điểm giao dịch đã khó, từ điểm giao dịch đến nhiều vùng bản không có đường cho ô tô, xe máy, cán bộ đến đó tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc thu nợ phải lội bộ hàng ngày đường. Để vốn ưu đãi của Nhà nước tiếp cận nhiều với đồng bào vùng cao, cán bộ ngân hàng phải "ba cùng" với dân, cùng tham gia xây dựng và sinh hoạt cùng tổ tiết kiệm và vay vốn với từng cơ sở bản. Thắng nói: "Trong bốn năm công tác đã nếm trải đủ ba huyện trong diện 30a(Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn), các sự cố bị mưa lũ cắt đường phải mang vác "đồ nghề" đi bộ, nhịn đói, nhịn khát trong đêm tối giữa rừng đối với cán bộ tín dụng như bọn em là chuyện thường tình. Chúng em đều được phong là lực sĩ đường rừng". Phan Hữu Trang, một cán bộ trẻ mới được Ngân hàng CSXH Chi nhánh Nghệ An tăng cường lên làm phó giám đốc và được giao thêm nhiệm vụ chỉ đạo triển khai thực hiện dự án giúp xã nghèo Tà Cạ của Kỳ Sơn, kể: Có lần đến ngày hẹn bà con đến để thu nợ, nhưng do mưa lũ sạt lở núi, đường bị chia cắt nên phải chậm mất gần một tuần. Khi lên được tới nơi, do bà con đi rẫy tối mới về nên phải chờ đợi, gặp rồi một số người lại khăng khăng không chịu trả cái khoản lãi mấy ngày dôi ra do cán bộ ngân hàng lên chậm. Rồi cả chuyện khi nghe tin cán bộ ngân hàng đến thu nợ, một số người đã "dọa", nếu cán bộ đến thu nợ thì một là "bắt ta đi tù, hai là ta phải đưa cả nhà trốn sang Lào ở"... Anh Trang bảo, do địa hình phức tạp, trình độ dân trí chưa phát triển, tỷ lệ nghèo đói cao nhất nước nên rất khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động đồng bào và ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành kế hoạch, và nhiều lúc đành phải chịu theo" cái lý người Mông". Tuy nhiên, đó chỉ là số ít còn đa số đồng bào trên này đều quý mến cán bộ Ngân hàng CSXH. Tôi thấy các cán bộ ngân hàng tuy còn trẻ mới lên công tác vùng rẻo cao này vài năm nhưng nhiều người cũng đã trọ trẹ được cả tiếng Thái, Mông, Khơ mú nên rất dễ hòa nhập. Đi đến đâu họ cũng được chào hỏi xưng hô "bố, con" rất trìu mến thân tình như người nhà đi xa về.

"Mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ"

Nói về hoạt động của ngân hàng trong những năm qua, Giám đốc Ngân hàng CSXH Kỳ Sơn- Vi Thị Khuyên cho biết: Kỳ Sơn là huyện vùng cao biên giới nằm trong danh sách 62 huyện nghèo của cả nước, có đường biên giới dài 192 km, giáp với năm huyện thuộc ba tỉnh nước bạn Lào, với 63.625 khẩu, gồm có 5 hệ dân tộc anh em sinh sống: Thái, Mông, Khơ mú, Kinh và Hoa. Trong đó dân tộc Mông chiếm 36,93%; Khơ mú là 20.714 khẩu chiếm 32,49%. Tổng toàn huyện có 192 bản, 20 xã và một thị trấn, trong đó có 11 xã giáp biên giới. Đa số trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng phát triển chậm, sản xuất mang tính tự cung tự cấp, chủ yếu là phát rẫy làm nương, đời sống kinh tế xã hội thấp, tỷ lệ hộ đói nghèo cao (chiếm 80%) theo tiêu chí mới. Giao thông đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa lũ, tỷ lệ người nghiện ma tuý và buôn bán ma tuý ngày một gia tăng, đây là mối hiểm hoạ lớn đối với cán bộ Ngân hàng CSXH khi đi cơ sở làm công tác tín dụng.



Cán bộ Ngân hàng CSXH đi bộ vượt qua những con đường lầy lội

Nhận được sự đồng tình ủng hộ và sự vào cuộc giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp của các tổ chức chính trị xã hội nên mạng lưới tín dụng của Ngân hàng CSXH phát triển rộng khắp trên toàn huyện. Tổng nguồn vốn đến tháng 10/2012 đạt 204.694 triệu đồng. Trong đó: nguồn vốn Trung ương 202.401 triệu đồng, chiếm 98,8% trong tổng nguồn vốn. Tổng dư nợ đạt 194.629 triệu đồng, tăng so với năm 2003 là 177.774 triệu đồng, trên chín chương trình tín dụng. Tổng số khách hàng vay vốn hiện nay là 11.920 hộ, bình quân một hộ vay gần 17 triệu đồng. Đến nay, cơ bản 100% số xã, thị trấn trong toàn huyện đã có điểm giao dịch Ngân hàng CSXH. 324 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả, quản lý số dư nợ hơn 194 tỷ đồng với chín chương trình tín dụng.

Bí thư Huyện ủy- Vi Hải Thành cho biết, huyện rẻo cao Kỳ Sơn nằm trong "tốp" huyện nghèo nhất nước. Nhiều năm qua nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước hỗ trợ nhiều chương trình dự án, trong đó có Chương trình tín dụng cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đã giúp hàng nghìn hộ đồng bào các dân tộc huyện Kỳ Sơn thoát nghèo. Đặc biệt là đồng bào Mông, Khơ mú... Ở vùng biên giới rẻo cao Na Ngoi, Keng Đu, Bắc Lý, Mỹ Lý, Bảo Nam, Bảo Thắng, Mường Lống... nhờ được vay vốn ưu đãi đã có điều kiện tập trung chăn nuôi trâu, bò, gà đen, lợn đặc sản, khôi phục nghề truyền thống đan mâm mây, dệt thổ cẩm... trở thành mô hình sản xuất giỏi. Đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 80% năm 2010 nay xuống 76%.

Giám đốc Ngân hàng CSXH Kỳ Sơn- Vi Thị Khuyên giãi bày thêm: Để đạt được những kết quả trên là cố gắng lớn của cán bộ. Đa số cán bộ Ngân hàng CSXH Kỳ Sơn ở miền xuôi lên xa nhà, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, con còn nhỏ...nhưng thế mạnh là trẻ, khỏe và đầy nhiệt huyết. Có thể điểm tên, đó là Phan Hữu Trang, quê ở huyện Nghi Lộc, con đầu mới học mẫu giáo lớn, con thứ hai mới hai tuổi gửi cho mẹ già. Trần Văn Hải, quê ở TP. Vinh, Nguyễn Văn Quốc Thành, quê huyện Nghi Lộc... đã có thời gian công tác từ 5 năm trở lên. Hàng ngày, vẫn cơm hàng cháo chợ bám trụ với miền rẻo quanh năm mây phủ, nhiều lần chịu những cuộc đói rét thập tử nhất sinh giữa miệt rừng hoang do lũ lụt lở núi tắc đường... Bà Khuyên bày tỏ và muốn kiến nghị rằng, bên cạnh đồng bào được thụ hưởng chính sách ưu đãi thì cán bộ làm công tác này vẫn chịu nhiều thiệt thòi; với những cán bộ này cần được hưởng chế độ như những cán bộ ban ngành khác tăng cường hoạt động ở vùng thuộc diện 30a. Mặt khác, đối với các huyện miền núi rẻo cao biên giới như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Ngân hàng CSXH cần được tăng cường bổ sung phương tiện như ô tô, xe máy và cả công cụ hỗ trợ bảo vệ...để đến vùng cao, vùng xa.

Khi kết thúc bài viết này, tôi lại nhớ buổi sáng khi sương chưa tan, thấy cán bộ tín dụng lỉnh kỉnh lên đường, trong đầu lại lánh lót vang lên những câu ca từ trong nhạc phẩm "Em đi làm tín dụng": "...Em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ/Nuôi thêm đàn lợn béo, trồng thêm lúa thêm ngô.../Nhiều người đắp được nhiều mương nhỏ/Bông lúa chắc đều hạt ngô thắm nở..."

Và tôi cũng chợt nhớ khi chia tay, ông Vừ Bá Chá, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Cạ khoe 8 hộ người Mông ở bản Sơn Hà được Ngân hàng CSXH cho vay vốn nuôi bò vỗ béo bán đã thoát nghèo rất nhanh!


Minh Thư