Nước mắm Vạn Phần xuất ngoại

12/03/2013 08:34

(Baonghean) - Được thành lập từ năm 1947, sau nhiều thay đổi, Công ty nước mắm Vạn Phần (tiền thân là Trạm hải sản Diễn Châu) nay được biết đến là đơn vị chế biến thủy sản chủ lực của tỉnh, phục hồi thành công công nghệ chế biến nước mắm theo phương thức cổ truyền.

Tiêu chí truyền thống để đánh giá chất lượng nước mắm nguyên chất là độ đạm - đạm tạo nên hương vị ngọt, thơm. Nước mắm Vạn Phần có độ đạm từ 10 - 35, loại 35 độ đạm là loại thượng hạng, từ 14 - 25 độ đạm là loại 2 và loại 1. Đặc biệt hiện nay, Vạn Phần còn có loại nước mắm hạ thổ, đặc biệt thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, lại có khả năng chữa một số bệnh như bệnh dạ dày, bệnh đường ruột. Nhờ những đặc trưng này, nước mắm Vạn Phần rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Ông Võ Văn Đại - Giám đốc công ty cho biết: “Mỗi lần tham gia hội chợ tại Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi bán được hàng nghìn lít và cũng từ đó các đơn đặt hàng trong và ngoài nước tăng lên”.



Đóng gói nước mắm thành phẩm tại Công ty CP nước mắm Vạn Phần.

Năm 2012, với sản lượng đạt 1.000.000 lít, doanh thu 10 tỷ đồng, là sản phẩm được sản xuất theo công nghệ truyền thống có doanh thu lớn nhất cả tỉnh. Điều đáng nói, cũng trong năm vừa qua, công ty đã chính thức xuất container nước mắm đầu tiên sang thị trường Malaysia. Ngoài 18.000 lít xuất sang Malaysia, còn có 5.000 lít sang Ăngôla, và 10.000 lít sang Lào. Xuất khẩu nước mắm ngoài việc phải đảm bảo nghiêm ngặt quy trình đảm bảo VSATTP thì còn phải chịu những quy định của mỗi quốc gia như đối với các nước đạo hồi phải có chứng chỉ Holan đảm bảo đây là loại thực phẩm không sử dụng các nguyên liệu đầu vào mà người đạo hồi kiêng kỵ. Ngoài ra, công ty còn đáp ứng những đơn đặt hàng từ những du khách nước ngoài ưa chuộng thương hiệu nước mắm Vạn Phần. Theo các đường tiểu ngạch, công ty cũng đã xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, tuy lượng hàng chỉ khoảng hơn 1.000 lít ở mỗi quốc gia nhưng đó là những thành công bước đầu đối với những thị trường khó tính này.

Một vấn đề hiện nay của nước mắm Vạn Phần là sản phẩn đạt chất lượng xuất khẩu chưa đến được với những người tiêu dùng có thu nhập thấp, do sự cạnh tranh với những loại nước mắm công nghiệp trên thị trường. Ông Đại nói: “Mỗi lít nước mắm có độ đạm trên 30 cần 5 kg cá. Hiện nay mỗi kg cá cơm đã có giá từ 12 - 15 ngàn đồng, chưa kể nếu phải nhập từ những vùng biển khác thì có giá còn cao hơn. 2 năm nay dù giá cá có lên nhưng chúng tôi vẫn giữ giá cũ. Thế mà vẫn khó cạnh tranh với nước mắm công nghiệp ở thị trường bình dân!”

Gặt hái được rất nhiều giải thưởng như Cúp Vàng thủy sản lần thứ II của Hội Nghề cá Việt Nam trao thưởng, được Tạp chí thương hiệu Việt vinh danh năm 2010 và nhiều giải thưởng danh giá khác, Vạn Phần đang tin tưởng vào hướng đi vững chắc của mình.


Thanh Nga