Đào tạo ngoại ngữ trong phát triển nguồn nhân lực du lịch

17/03/2013 17:32

(Baonghean) - Dịp sang làm việc với tổ chức KOIKA của Hàn Quốc, bạn dành cho chúng tôi một ngày “xả hơi” với chuyến đi từ Seoul đến Busan. Hướng dẫn viên (HDV) bạn thạo tiếng Anh chứ không biết tiếng Việt. Tôi tò mò muốn “thử” trình độ của cô HDV này. Tôi hỏi: “Cô ơi, lá cờ Hàn Quốc có từ lúc nào? Bắt nguồn từ đâu? Và ý nghĩa của lá cờ này như thế nào?”. Cô HDV đã trả lời khá chi tiết những gì tôi muốn biết về lá cờ của đất nước cô.

Tôi mãn nguyện với câu trả lời ấy và tự hỏi có được mấy HDV du lịch (quốc tế) của Nghệ An ta có thể trả lời cho khách quốc tế, nếu như họ hỏi về lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc ta? Rồi, không ít lần ở ngay Nghệ An, đến thăm một số đền đài, chùa chiền có treo các bức hoành phi, câu đối (bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm) tôi hỏi mấy chữ đó là gì? Nghĩa nó ra làm sao? Chẳng thấy HDV nào trả lời được.

Nói hai điều trên là để khẳng định, HDV du lịch trước hết phải có “vốn” để thuyết minh cho khách (trong nước, quốc tế). Với khách quốc tế thì còn phải có ngoại ngữ để chuyển tải cái “vốn” đó! Có “vốn” mà không có ngoại ngữ thì phải nhờ phiên dịch. Có ngoại ngữ mà không có “vốn” thì coi như bằng không! Do vậy, nếu nói đào tạo ngoại ngữ là khâu đột phá trong phát triển nhân lực du lịch liệu có thật đúng?

Nhân lực du lịch không chỉ có HDV, mà còn là nhân viên lễ tân, buồng bàn, đầu bếp, nhân viên quản lý, điều hành, tiếp thị, quảng bá... Mỗi bộ phận nhân viên như vậy, cần có “vốn” chuyên sâu riêng.

Trở lại với thực tế, hầu hết các trung tâm lữ hành quốc tế của Nghệ An luôn thiếu hướng dẫn viên (HDV) du lịch thông thạo ngoại ngữ. Một năm, tất cả các trung tâm du lịch lữ hành quốc tế đó, bao nhiêu đoàn khách quốc tế cần có HDV biết tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Thái Lan, tiếng Lào, tiếng Campuchia, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật...? Từ đó mà xem thiếu đến đâu, thiếu thế nào. Xin giả dụ: Mỗi năm một trung tâm lữ hành quốc tế chỉ đón có một đoàn khách Camphuchia (chẳng hạn) thì trung tâm ấy không có HDV biết tiếng Camphuchia là thiếu, còn nếu có một HDV biết tiếng Campuchia lại có thể quá thừa! Chỉ nghĩ giản đơn rằng: không có là thiếu, bởi có khi có lại thừa. Và, trung tâm lữ hành ấy đào tạo và “nuôi” một HDV như vậy để chỉ dùng có một lần/năm thì phí quá! Để giải “bài toán” nhân lực này có nhiều cách:

Cách 1: Cả 9 trung tâm lữ hành quốc tế “liên kết” “liên hiệp với nhau” tạo một nguồn chung. Khi thì trung tâm này, khi thì trung tâm khác sử dụng đối với những HDV có trình độ ngoại ngữ là khách quốc tế cần. Đây là cách làm tiết kiệm và hiệu quả.

Cách 2: Trong lúc chưa làm được việc đào tạo ngoại ngữ cần thiết (nhưng nhu cầu rất ít) cho HDV như trên, thì thuê phiên dịch đi cùng HDV. Làm vậy, vừa đáp ứng nhu cầu của khách, vừa tiết kiệm chi phí.

Cách 3: Thật sự thiếu bao nhiêu HDV thạo ngoại ngữ gì thì gửi đi đào tạo, đào tạo cho bây giờ và tính đến cả đào tạo cho 5 – 10 năm tới.

Tuy nhiên, nhân lực du lịch Nghệ An phát triển đến đâu, phát triển như thế nào phụ thuộc vào sức hút của du lịch Nghệ An (cả khách trong nước lẫn khách quốc tế). Để có sức hút mạnh và rộng, ngành du lịch Nghệ An và các doanh nghiệp du lịch phải làm rất nhiều việc, rất nhiều điều chứ không riêng ở đào tạo ngoại ngữ.


Trương Công Anh