Đã có luật, nhưng vẫn chưa được bảo vệ

15/03/2013 11:12

(Baonghean) - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, đến nay đã gần 2 năm, nhưng chưa tạo được hiệu ứng tích cực trong thực tế đời sống. Về phía các doanh nghiệp tình trạng sai phạm vẫn không giảm, thậm chí có doanh nghiệp cố tình phớt lờ những phản ánh của người tiêu dùng...

Người tiêu dùng (NTD) đang bị xâm hại quyền lợi một cách phổ biến. Hàng ngày, NTD phải đối mặt với nạn hàng giả, cân đong thiếu, bắt chẹt khách hàng, đẩy giá lên cao... Các mặt hàng từ bình dân đến cao cấp, ngay cả mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt như các loại thực phẩm rau, quả, nước mắm, tương ớt... vi phạm quy định về ATVSTP vẫn ngang nhiên bày bán. Anh Phạm Văn Tuấn (giáo viên Trường Cao đẳng Sư Phạm Nghệ An) sau khi xem thông tin quảng cáo rao vặt ở tờ rơi được phát đến tận nhà, với giá khuyến mại khá hấp dẫn ở một siêu thị đồ điện tử trên đường Lê Lợi (TP Vinh), đã tìm đến cửa hàng mua 1 đầu đĩa DVD. Sau khi mua, sử dụng được 5 ngày thì chiếc đầu đĩa đã tậm tịt, nhiều lúc đang xem thì máy tự động tắt nguồn. Anh mang đến cửa hàng yêu cầu đổi lại thì chủ cửa hàng "tỉnh bơ" rằng đã dán quy định những mặt hàng này "mua rồi miễn đổi và trả lại". Do không có hóa đơn, chứng từ, giấy bảo hành đúng quy định nên anh Tuấn đành chịu… Còn bà Nguyễn Thị Nhung (ở xóm Mẫu Đơn, xã Hưng Lộc-TP. Vinh) thì mua hàng có hóa đơn, giấy bảo hành trong thời hạn có hiệu lực nhưng vẫn phải ấm ức chịu thua thiệt; bà cho biết: "Cách đây hơn nửa năm, tôi có mua một máy lọc nước tại một đại lý điện máy tương đối lớn, với thời gian bảo hành 2 năm. Chưa được 1 tháng máy đã hỏng, phải đi lại vất vả lắm máy của tôi mới được chấp nhận bảo hành. Nhưng sau đó lại tiếp tục hỏng”.



Lựa chọn hàng tại siêu thị BigC.

Bỏ tiền thật mua phải hàng giả, hàng nhái, thậm chí là mua phải thực phẩm độc hại; sử dụng các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa thì bị mất đồ thật, tráo đồ giả, để có cớ moi tiền; mua nhà chung cư thì tiền giao đúng tiến độ nhưng nhà lại chậm… Có thể kể đến rất nhiều câu chuyện bị xâm phạm quyền lợi với người NTD xảy ra mỗi ngày, thế nhưng, điều đáng nói là phần lớn mọi chuyện "đâu lại vào đấy". Các hành vi xâm phạm quyền lợi NTD diễn ra “đa dạng”, nhưng phổ biến còn là do NTD, khi đối mặt với những vụ việc vi phạm quyền lợi của mình họ thường không lên tiếng hoặc không tiếp tục sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó nữa chứ không báo cho cơ quan chức năng, thực tế, NTD chưa nắm rõ luật để bảo vệ mình, hoặc chưa biết về nó!

Hội Bảo vệ quyền lợi NTD Nghệ An ra đời từ năm 2007, do Sở Công Thương quản lý, nhưng vì không được cấp kinh phí nên hoạt động không có kết quả. Năm 2010, Hội tranh thủ xin được kinh phí của Ban điều phối chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Nghệ An (được cấp trong 5 năm) để tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD thông qua việc lồng ghép những đợt tuyên truyền các văn bản pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng sản phẩm hàng hoá... Mục đích là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NTD khi bị xâm hại; bảo đảm uy tín cho các nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chân chính và bảo đảm sự công bằng cho NTD khi mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ phải được nhận giá trị tương ứng với đồng tiền mà họ bỏ ra.

Qua thực tiễn giải quyết khiếu nại ở Hội cho thấy, đối chiếu việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD thì nhiều NTD chưa nhận thức được 8 quyền cơ bản và trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Trong đó có trách nhiệm phải thông tin cho cơ quan chức năng, tổ chức xã hội biết về sản phẩm, dịch vụ không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại cho NTD khác. Theo quy định, khi NTD mua phải một sản phẩm bị lỗi thì nhà sản xuất có nghĩa vụ đổi một sản phẩm mới cùng loại hoặc đền bù ngang bằng giá trị của sản phẩm đó. Trong trường hợp NTD do sử dụng sản phẩm kém chất lượng dẫn đến thiệt hại vật chất, nếu chứng minh được chi phí, thiệt hại cụ thể, NTD có thể yêu cầu nhà sản xuất bồi thường thêm những chi phí thiệt hại này. Trường hợp bị thiệt hại về sức khỏe do sử dụng sản phẩm, dịch vụ thì NTD cũng có quyền đòi bồi thường chi phí chữa trị… Như vậy, quyền lợi của NTD khá rõ ràng, và mỗi người cần biết rằng, việc khiếu nại không chỉ là hành động bảo vệ quyền lợi của mình mà còn góp phần bảo vệ những NTD khác...

Tuy nhiên, vấn đề vẫn là các cấp ngành chức năng phải thực sự vào cuộc, tuyên truyền và triển khai áp dụng hiệu quả Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, sớm đưa Luật đi vào cuộc sống.

8 quyền cơ bản của NTD được Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định: Quyền được bảo đảm an toàn; Quyền được cung cấp thông tin; Quyền được lựa chọn hàng hóa dịch vụ; Quyền được lắng nghe; Quyền được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; Quyền được bồi thường; Quyền được khiếu nại; Quyền được tư vấn, hỗ trợ kiến thức tiêu dùng. Ngoài ra, NTD phải có nghĩa vụ thông tin cho cơ quan chức năng, tổ chức xã hội biết khi phát hiện sản phẩm, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NTD; kiểm tra hàng hóa, lựa chọn tiêu dùng, dịch vụ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục.


Bài, ảnh: Ngọc Anh