Nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý cho người nghèo
(Baonghean) - Nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ pháp lý cho người nghèo. Tuy nhiên, thực tế sau 2 năm triển khai bên cạnh những kết quả đạt được đã bộc lộ không ít những trở ngại.
Với đặc thù là các huyện miền núi, địa hình phức tạp, điều kiện đi lại rất khó khăn, nhưng hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian qua tại 3 huyện nghèo của tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm, được sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể và sự nhiệt tình của những người thực hiện trợ giúp pháp lý. Nhờ vậy, kết quả sau 2 năm triển khai Quyết định số 52 của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã tổ chức được 30 đợt/80 thôn, bản, với tổng số khoảng 250 người/đợt. Qua đó đã trợ giúp pháp lý cho gần 1100 vụ việc về tư vấn và xác minh kiến nghị. Nội dung các vụ việc chủ yếu liên quan đến quyền lợi của người dân di dời tái định cư tại các công trình thủy điện và chế độ chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số...
Bà Lô Thị Quyết, bản Huôi Duộc, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, cho biết: “Do điều kiện khó khăn nên bà con chúng tôi ít được tiếp cận thông tin, vì vậy hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo đối với bà con chúng tôi hết sức có ý nghĩa. Ngoài việc được tư vấn những vấn đề pháp luật liên quan đến các lĩnh vực hình sự, dân sự, hộ tịch và hôn nhân gia đình,… cán bộ trợ giúp pháp lý còn kết hợp phổ biến những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vì vậy bà con hết sức yên tâm, tin tưởng đường lối, chủ trương của Đảng để chăm lo sản xuất, mong thoát nghèo”.
Một buổi trợ giúp pháp lý cho người dân địa bàn xã Tam Hợp huyện Tương Dương.
Còn ông Lương Văn Xí, bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương phấn khởi cho rằng: “Từ chỗ được tư vấn kịp thời mà những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được giải quyết, vì vậy tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn cũng được hạn chế”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Công - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý, thuộc Sở Tư pháp cho biết: Quyết định 52 thể hiện chủ trương đúng đắn của Nhà nước về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp ở cơ sở và đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý ở các huyện nghèo, đáp ứng nhu cầu hiểu biết và chấp hành pháp luật của nhân dân. Trên tinh thần đó, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã huy động lực lượng, tích cực triển khai và đã tổ chức được 3 đợt tập huấn cho gần 200 người, là cộng tác viên, thành viên chủ chốt của 53 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã thuộc 3 huyện nghèo Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong. Qua các đợt tập huấn, cộng tác viên và các thành viên chủ chốt Câu lạc bộ đã nắm bắt được những quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và phương pháp tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ... Tuy nhiên, thực tế qua công tác trợ giúp pháp lý tại các huyện nghèo cho thấy, các đối tượng biết đến trợ giúp pháp lý và tìm đến dịch vụ pháp lý miễn phí này để tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp luật chiếm tỷ lệ còn thấp. Các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các huyện nghèo hiệu quả hoạt động chưa cao, do còn hạn chế về trình độ. Các thành viên lại kiêm nhiệm công tác ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau nên trong quá trình thực hiện chưa đồng bộ, trợ giúp pháp lý còn mang tính sự vụ. Với đối tượng thụ hưởng đa dạng, địa bàn triển khai rộng, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện nhưng việc sử dụng cơ chế tài chính được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, là những trở ngại trong hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo.
Do vậy, để hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo đạt hiệu quả, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của nhân dân, trong thời gian tới các cấp cần gắn kết chặt chẽ hơn hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động với tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho đối tượng. Tăng cường các chi nhánh trợ giúp pháp lý tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng thời cần tăng cường số lượng trợ giúp viên pháp lý để tạo điều kiện cho đối tượng dễ dàng tiếp cận, thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý. Kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho thành viên ban chủ nhiệm các câu lạc bộ phải được cập nhật đồng thời giúp thành viên các câu lạc bộ có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn cơ sở và nâng cao kỹ năng quản lý, điều hành hoạt động, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ. Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế tài chính thuận lợi, bố trí kinh phí ngay từ đầu năm để Quỹ trợ giúp pháp lý phân bổ kinh phí cho địa phương chủ động thực hiện...
Bài, ảnh: Đặng Nguyễn