Hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường
(Baonghean) - Còn 10 ngày nữa mới đến Tết nhưng trên thị trường đã sôi động các mặt hàng phục vụ Tết. Một điều dễ nhận thấy là hầu hết hàng hóa năm nay đa số là hàng Việt Nam với nhiều chủng loại, đa dạng về mẫu mã và giá cả phù hợp với túi tiền người tiêu dùng.
90% là hàng Việt tại các siêu thị
Dạo quanh các siêu thị bán lẻ như Intimex Vinh, Maximax, BigC, thị trường hàng bánh kẹo, lương thực, thực phẩm tươi sống đã ngồn ngộn chất đầy trên các kệ hàng. Những hãng bánh kẹo thương hiệu Việt Nam nổi tiếng như Bibica, Kinh Đô, Tràng An... với những loại bánh kẹo hộp cao cấp đang được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn để làm quà biếu, tặng. Các giỏ quà biếu cũng được các siêu thị đóng gói với nhiều chủng loại, hình thức đa dạng, hợp túi tiền và thị hiếu người tiêu dùng.
Ngoài ra, rất nhiều người lựa chọn bánh kẹo Việt để dùng trong dịp Tết với các loại bánh xốp nhân kem, bánh xốp sôcôla, kẹo dẻo, kẹo cứng các loại với đa dạng mẫu mã, lại có hình thức bắt mắt với giá chỉ từ 8.000 - 40.000 đồng. Tại siêu thị Intemex, chị Nguyễn Thị Lan Thanh ở Nghi Phú – một người đi mua sắm cho hay: “Năm nay tôi chủ động sắm Tết sớm hơn mọi năm vì sợ những ngày giáp Tết cháy hàng trong siêu thị. Hàng bánh kẹo tôi chỉ lựa chọn hàng Việt Nam vì mẫu mã đa dạng và cũng rất bắt mắt, giá cả lại phải chăng, có khi chỉ bằng 1/3 giá hàng nhập ngoại cùng chủng loại ”.
Bên cạnh đó, những mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng được bày bán rất nhiều tại các siêu thị bán lẻ, như gạo có giá từ 17- 22 ngàn đồng/1,5kg, đậu 25 -30 ngàn đồng/kg, nếp 30 - 50 ngàn đồng/1,5kg, các loại nước mắm từ 25-60 ngàn đồng/chai, dầu ăn 80 - 85 ngàn đồng/1lít, nước tương có giá từ 25 – 35 ngàn đồng/chai. Đến các thực phẩm đóng gói như lạp xường có giá từ 55- 80 ngàn đồng/bịch, cá khô có giá từ 35- 45 ngàn đồng/ gói, thịt bò khô có giá từ 150 – 175 ngàn đồng/gói, mực khô tẩm có giá từ 120 - 130 ngàn đồng/gói được các nhà sản xuất trong nước tung ra trong dịp Tết với đa dạng chủng loại. Các loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá, hàng nhập ngoại cũng chỉ chiếm 10% thị phần tại các siêu thị.
Khách chọn mua hàng Việt tại siêu thị BigC
Ông Trần Quốc Hoàn - Giám đốc chi nhánh siêu thị Intimex cho hay: “Năm nay Siêu thị đã chủ động nhập vào 22 tỷ đồng tiền hàng để bán phục vụ Tết và có 20 tỷ đồng cho thị phần hàng Việt Nam. Dự kiến sức mua năm nay cũng tương đương như năm ngoái và hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa chuộng vì đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về VSATTP, có xuất xứ rõ ràng, đa chủng loại và đặc biệt là rất phù hợp với túi tiền người dân. Vì thế trong siêu thị chúng tôi thị phần hàng Việt chiếm tới 85-86%”.
Nằm trong chuỗi những chương trình khuyến mãi nối tiếp phục vụ cho Tết Quý Tỵ, hệ thống siêu thị Big C tiếp tục giới thiệu 2 chương trình khuyến mãi mới được đặc biệt thiết kế phục vụ những ngày cận Tết với hơn 800 mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, đồ gia dụng... có mức giảm giá từ 5-50% kèm nhiều ưu đãi và quà tặng hấp dẫn.
Theo báo cáo của Sở Công Thương về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, đối với các mặt hàng thiết yếu để đảm bảo nguồn cung, Siêu thị Intimex dự trữ 150 tấn gạo tẻ trị giá 1.500 triệu đồng, 50.000 lít dầu ăn trị giá 1.900 triệu đồng, 100 tấn đường kính trị giá 1.600 triệu đồng, Siêu thị Big C dự trữ 230 tấn gạo tẻ trị giá 2.300 triệu đồng, 75.000 lít dầu ăn trị giá 2.850 triệu đồng, 160 tấn đường kính trị giá 2.560 triệu đồng. Tổng hợp các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn lượng hàng hoá dự trữ tương đương khoảng 100 tỷ đồng. Tất cả các mặt hàng này đều là hàng Việt Nam.
Để kích cầu người dân hướng tới hàng Việt Nam, năm qua Sở Công Thương đã có văn bản khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh tăng cường hoạt động khuyến mại đối với các sản phẩm hàng hóa được sản xuất trong nước, từ đầu năm 2012 đến nay có 3.121 chương trình thuộc diện phải thông báo (bao gồm cả chương trình được chấp thuận của Cục Xúc tiến thương mại) trị giá giải thưởng tương đương 15.605.000.000 đồng và 23 chương trình khuyến mại mang tính may rủi có tổng giá trị giải thưởng lên tới 3.561.238.892 đồng được tổ chức trên địa bàn tỉnh. Các chương trình khuyến mại đã góp phần giúp người dân mua hàng được giá rẻ hơn, tiết kiệm và đảm bảo được bình ổn trên thị trường.
Vẫn còn nhiều hàng nhái, hàng dởm tại các chợ truyền thống...
Năm nay, tại các chợ truyền thống đã vắng hẳn các loại mứt Tết. Theo một số tiểu thương tại chợ Vinh thì các loại mứt này đa số được nhập từ Móng Cái có xuất xứ từ Trung Quốc không có các chỉ số về ngày sản xuất và hạn sử dụng. Các loại mứt được sản xuất tại Việt Nam nhưng do bị đưa lên công luận vì những nghi án “mứt bẩn” nên năm ngoái đã có nhiều tiểu thương lỗ nặng, vì đa phần người dân dè dặt với các loại sản phẩm này. Tại chợ Vinh là chợ đầu mối chuyên “đổ” sỉ cho các chợ huyện nên dịp áp Tết là dịp các mặt hàng giả, hàng nhái có dịp tung hoành. Các mặt hàng có độ dởm cao nhất là các loại bánh kẹo cân được đóng thành từng bọc lớn, có giá từ 5.000 - 25.000 đồng/kg, giá rẻ và cũng có đa chủng loại từ sôcôla, sữa, bạc hà, bắp... các mặt hàng này đa số nhập cho các chợ huyện. Một tiểu thương chợ Vinh cho biết: “Dân thành phố họ không ăn kẹo cân đâu mà chợ huyện họ nhập về để bán cho dân là chính. Đa số các loại bánh kẹo này được sản xuất thủ công tại Thành phố Vinh ta, vẫn biết chất lượng không đảm bảo nhưng vì có cầu thì phải có cung, biết làm sao được”.
Một mặt hàng nữa mà dân tình rất khó phân biệt được thật, giả, đó là hàng khô. Riêng mặt hàng này đa phần người dân lại thích mua ở các chợ truyền thống. Các mặt hàng như măng khô, miến dong, mộc nhĩ, các loại bánh đa nem, gia vị đều có giá rất mềm so với siêu thị. Thế nhưng hầu như không có khách hàng nào quan tâm tới nguồn gốc xuất xứ của những mặt hàng này. Một chị tiểu thương lâu năm tại chợ Vinh cho biết: “Các loại gia vị như nghệ bột, ớt bột, hạt điều xay đều có trộn phẩm màu và một số phụ gia khác. Riêng măng khô, miến dong, miến gạo thì có dăm, bảy kiểu phù phép cho đẹp màu và bảo quản được lâu, nói chung là nên thận trọng”.
Những ngày này, tại chợ Vinh, chợ ga, chợ Quán Lau đã thấy người dân rục rịch đi sắm Tết. Các quầy bánh kẹo và hàng khô có lượng tiêu thụ lớn hơn hẳn. Trung bình một ngày mỗi tiểu thương bánh kẹo thu vào từ 30 - 40 triệu đồng tiền hàng, hàng khô thu từ 15 - 20 triệu đồng. Đây là 2 mặt hàng mà người dân sắm sớm tránh tình trạng gần Tết “hàng ngon người ta mua hết” như lời một chị khách hàng đang lựa chọn bánh kẹo tại chợ Vinh.
Thanh Nga