Sản xuất rau xanh theo quy trình VietGap ở Quỳnh Minh
(Baonghean) - Trước năm 2000, xã Quỳnh Minh đã chuyển đổi hơn 100 ha trồng lúa sang trồng rau màu hàng hóa. Nếu trồng các loại cây lương thực khác thu nhập bình quân mỗi năm chỉ đạt 9-10 triệu đồng/ha, khi chuyển sang trồng rau các loại đã cho thu nhập tăng gấp 5 lần, thậm chí có lúc gấp 7- 8 lần.
Ngoài loại rau canh tác truyền thống, khoảng mươi năm lại đây, bà con trồng bổ sung thêm nhiều loại khác như cà rốt, mồng tơi, rau thơm... Thị trường rau Quỳnh Minh đã được mở rộng ra ngoài tỉnh như Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Huế... Nông dân Quỳnh Minh tích cực tiếp thu những kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; điều này là một trong những cơ sở để Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung bộ chọn triển khai thí điểm mô hình sản xuất rau theo quy trình VietGAP.
Vụ đông 2012, dự án trồng rau an toàn theo quy trình VietGAP đã được thực hiện tại xã. Với tổng diện tích 15 ha trồng cây hành hoa, cải bắp, rau ăn lá. Có 90 hộ dân tham gia dự án. Ngoài phần hỗ trợ 100% cây giống, 30 - 50% vật tư phân bón tùy từng mô hình, các hộ dân còn được trang bị kiến thức về quy trình kỹ thuật canh tác, quản lý dịch hại tổng hợp theo từng giai đoạn, mùa vụ; xử lý sau thu hoạch, ghi chép nhật ký đồng ruộng… Sau 2 tháng thực hiện, kết quả đều cho thấy, năng suất và chất lượng của 3 loại rau đã tăng cao rõ rệt vì không bị ảnh hưởng bởi thời tiết và giảm được tình trạng sâu bệnh... Đặc biệt, chăm sóc rau theo quy trình VietGAP giúp người dân giảm được 20% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Thời gian cách ly sau khi bón phân, phun thuốc từ 10 - 15 ngày mới thu hoạch, nên chất lượng rau đảm bảo...
Sản xuất rau cải an toàn theo quy trình VietGAP tại xã Quỳnh Minh.
Với lão nông Hồ Văn Ân (ở xóm 2 - Quỳnh Minh), việc ai đó cầm tay chỉ việc dạy cho cách trồng rau tưởng chừng là thừa. Bởi quanh năm “bán mặt” trên 3 sào đất màu, với ông đã có đầy kinh nghiệm để trồng được vụ bắp cải, hành hoa cho năng suất. Song, khái niệm và quy trình trồng rau an toàn thì vẫn đang là khoảng trống trong kho kinh nghiệm của ông. Bởi vậy, khi được xã chọn tham gia mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Ân vừa khấp khởi mừng, vừa lạ lẫm. Do mới tiếp cận, nên hầu hết bà con còn lúng túng, nhất là việc ghi chép tỷ mỷ các biểu mẫu. Nhưng khi được hướng dẫn, thực hành ngay trên đồng rau thì công việc thuận lợi và dễ dàng hơn. “Qua kiến thức được học hỏi, chúng tôi thấy không thể trồng rau hàng hóa đạt chất lượng cao theo kiểu truyền thống, làm theo kinh nghiệm, mà phải ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Bên cạnh các quy định về giống, đất trồng, sản xuất rau an toàn phải theo một quy trình nhất định, có sự quản lý chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu minh bạch hóa các khâu từ trồng, chăm sóc, đến thu hoạch… ", ông Hồ Văn Ân chia sẻ.
Anh Hồ Diên Châu (ở xóm 1) là người có kinh nghiệm hơn 10 năm sản xuất rau hàng hóa. Với 3 sào đất màu, hàng ngày anh cung cấp từ 400 - 500kg rau các loại cho các chợ trong và ngoài huyện, tỉnh nên được xã chọn tham gia mô hình sản xuất hành lá an toàn theo hướng VietGAP. Anh Châu cho biết: "Vụ này gia đình tôi vẫn tiếp tục trồng hành hoa áp dụng quy trình VietGAP. Khi cây hành tới kỳ sinh trưởng mạnh, chúng tôi dùng phân vi sinh thay thế phân NPK và Urê; với 1 kg/sào, bón 2 lần là đủ. Theo tính toán, áp dụng quy trình VietGAP chi phí sản xuất giảm, nhưng khi canh tác chúng tôi phải bỏ ra nhiều công hơn (thời gian chăm sóc tăng từ 3 - 5 ngày công/sào so với cách sản xuất truyền thống). Hiện tại, với sức tiêu thụ gần 5 tạ rau/ngày, sau khi trừ chi phí, lãi thu về của gia đình tôi được gần 10 triệu đồng/tháng”. Điều mà anh băn khoăn là sự bấp bênh vẫn thường trực, vì rau an toàn vẫn chỉ bán ở các chợ truyền thống, chưa "chen chân" được vào trong các siêu thị nên đầu ra vẫn còn khó khăn.
Ông Hồ Diên Vỹ, Chủ nhiệm HTX Nông Diêm - xã Quỳnh Minh, cho biết: "Dự án trồng rau an toàn theo quy trình VietGap kết thúc từ vụ đông 2012, nhưng sang vụ xuân 2013, người dân đã có ý thức và chú trọng nhiều hơn đến việc sản xuất rau sạch. Nhiều hộ dân tuy không trực tiếp tham gia dự án nhưng vẫn chú ý giảm dần việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, đầu ra và thương hiệu cho rau sạch vẫn đang là “bài toán khó” cần được giải quyết, vì hiện nay chưa có sự phân biệt “minh bạch”, rau sạch vẫn đang bị đánh đồng với rau sản xuất theo kiểu truyền thống, giá bán ra cũng chẳng khác gì nhau".
Mong muốn lớn nhất của bà con Quỳnh Minh là có đối tác tiêu thụ sản phẩm lâu dài để yên tâm đầu tư sản xuất. Trong tương lai cần phải hình thành tổ hợp tác sản xuất để giúp người dân linh hoạt hơn trong cách nghĩ, cách làm, dễ dàng tiếp cận, hỗ trợ nhau trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Ngọc Anh