Tiết giảm chi phí trong sản xuất vụ xuân

16/01/2013 15:50

(Baonghean) - Nông dân khắp nơi đang xuống đồng bắc mạ làm đất chuẩn bị cho gieo cấy vụ xuân 2013 sắp tới. Do giá cả vật tư vật liệu đầu vào của sản xuất tăng mạnh nên nhiều hộ nông dân đã chịu khó để tiết giảm chi phí sản xuất nhằm có thêm thu nhập.

Trên cánh đồng đang rộn ràng vào vụ, chị Võ Thị Mai, xóm 1, xã Tràng Sơn, (Đô Lương) chia sẻ: “ Đợi đến mùa giáp hạt này tôi mới đi bán 3 tạ lúa (thu hoạch từ 1 sào) để lấy tiền phục vụ sản xuất vụ xuân được 1,8 triệu đồng. Nếu bán chính vụ chỉ được 1,6 triệu đồng, sau khi tính toán chi phí thì không có lãi. Vì 3 sào đất thu hoạch được 9 tạ lúa, nhưng công làm đất bằng máy 1 sào hết 250.000 đồng, 3 sào là hết 750 ngàn đồng, tiền giống lúa hết 520 ngàn đồng; phân lân hết 450 ngàn đồng, tiền ni lông 20 ngàn đồng/ sào, 3 sào hết 60.000 đồng; tiền đạm urê 1 sào hết 10 kg, 3 sào 30 kg giá 300 ngàn. Vậy là đã hết 2.080.000 đồng. Nếu thuê cấy còn phải trả nhiều hơn. Vì vậy, một vụ sản xuất chỉ còn lại chút ít. Để tiết kiệm chi phí, nhà tôi mấy năm nay chỉ làm đất bằng trâu. Diện tích ít nên cày, bừa thủ công hết, đỡ được hơn 700 ngàn đồng tiền thuê máy. Cả nhà tổ chức cấy chứ không thuê ai. Ni lông tôi cũng dùng 2-3 vụ mới vứt bỏ, vừa đảm bảo môi trường vừa tiết kiệm tiền mua. Vất vả nhưng bù lại còn lấy công làm lãi.



Nông dân Tràng Sơn - Đô Lương làm đất bắc mạ.

Chị Hồng Châu, chị Nguyễn Thị Dung ở xóm 1, Tràng Sơn - cũng sử dụng ni lông cũ để phủ mạ. Ni lông sau khi dùng xong một vụ được thu dọn lại và giũ sạch, phơi khô dùng để vụ sau. Bà Hoan xóm 8, Tràng Sơn cười vui: “Cũng nghe xóm thông báo có hỗ trợ ni lông nhưng ni lông còn dùng được tôi dùng tiếp, miễn không rách là được”.

Để giảm chi phí lại kịp thời vụ, nông dân Đô Lương còn tận dụng sức kéo từ trâu bò cày ải đất, nhà nào không có điều kiện thì bừa bằng trâu bò, còn nữa dành để khâu làm đất cấy dùng máy cho nhuyễn, cho kịp thời vụ. Chính vì thế trên khắp các xứ đồng, trâu bò cùng người ra đồng hối hả. Những người nông dân trong thời buổi kinh tế khó khăn càng thắt lưng buộc bụng, vác lại cái cày đã gác lên xép, không quản mưa rét ra đồng nhỏ cổ bón phân. Bên cạnh đó, phân chuồng được coi là giải pháp giảm chi phí lại hiệu quả cao.

Không chỉ nông dân Đô Lương biết giảm chi phí trong sản xuất vụ xuân mà ở các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Tân Kỳ… bà con cũng đang hối hả dắt trâu ra đồng, gánh phân ra ruộng. Ở xóm 19, 20 xã Nghi Văn (Nghi Lộc), mọi người cùng nhau cấy theo từng tổ, nay nhà này mai nhà khác, vừa nhanh vừa đỡ vất vả. Còn ở Nghĩa Phúc (Tân Kỳ), nhiều nông dân cũng tranh thủ cày, bừa bằng trâu bò. Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc cho hay: “Giá dầu lên cao, công cày máy cũng tăng, vì vậy không phải ai cũng có điều kiện thuê máy làm đất. Giá phân bón cũng tăng, giá giống cũng tăng, phần lớn nông dân Nghĩa Phúc trực tiếp làm ruộng để giảm công thuê mướn”. Còn theo ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ thì làm đúng qui trình cũng là một giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất. Đúng qui trình ở đây có nghĩa là bón phân đúng cách, bón đủ, không bón thừa, gieo cấy đúng qui trình, thời vụ để tiết kiệm mạ, đồng thời bảo vệ mạ khỏi chết rét, chuột phá hoại. Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đúng cách, quan tâm thực sự thì hiệu quả sẽ cao, cũng là cách không lãng phí công, của đổ vào đồng ruộng.

Vụ xuân 2013: toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 86.000 ha lúa các loại, năng suất trên 65 tấn/ha. Các giống lúa đang được Sở Nông nghiệp khuyến khích sử dụng là: Khải phong số 1, Nhị ưu 986, Qui ưu 12, AC5, VTNA 1…. Đây là những giống lúa lai có năng suất cao lại bán khá chạy trên thị trường. Nông dân trong tỉnh đã đồng loạt xuống đồng làm đất, bắc mạ chuẩn bị cho vụ sản xuất chủ lực trong năm. Mặc dù đã tiết kiệm nhưng giá phân bón và giống lúa cao vẫn là những trở ngại trong đầu tư thâm canh ở nhiều địa phương.


Châu Lan