Chọn lọc và đưa giống lúa VTNA2 vào sản xuất

16/01/2013 15:36

(Baonghean) - Trăn trở trước thực tế người nông dân quá phụ thuộc vào thị trường lúa lai Trung Quốc, ông Trương Văn Hiền - Giám đốc Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An và các cộng sự đã nghiên cứu cho ra đời giống lúa thuần chất lượng cao VTNA2. Đây là giống lúa đã được Bộ NN&PTNT đặc cách công nhận chính thức sau 4 năm chọn lọc, hiện đang được bà con nông dân nhiệt tình đón nhận.

Là giống có nguồn gốc nhập nội từ Trung Quốc, giống VTNA2 được chính thức công nhận sau 4 năm với 8 vụ chọn lọc và đã được Sở NN&PTNT Nghệ An bổ sung vào cơ cấu giống lúa cho cả 2 vụ trong năm.

Ông Trương Văn Hiền cho biết: “Không chỉ ở Nghệ An mà tại hầu hết các địa phương trong cả nước, giống lúa ngắn ngày đang gieo trồng trong sản xuất còn ít về số lượng và chủng loại. Chúng ta đang rất thiếu các giống lúa thuần năng suất cao, chất lượng tốt, thời gian sinh trưởng ngắn để đưa vào cơ cấu giống trong cả 3 vụ xuân muộn, hè thu và thu mùa, thay thế dần các giống lúa thuần như Khang dân, Q5 gieo cấy quá lâu, đã bị thoái hóa, không còn phù hợp với sản xuất và nhu cầu thị trường hiện tại.

Bởi vậy, có được những giống lúa thuần phù hợp với tiêu chí sản xuất hàng hoá, đặc biệt là phù hợp với khí hậu đặc thù của miền Trung, là một yêu cầu lớn trong sản xuất lương thực và cũng là mong muốn của chúng tôi”. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng này, ông Hiền và những người cộng sự đã gặp không ít khó khăn. Từ nguồn giống ban đầu, giống đã được đưa ra khảo nghiệm không chỉ ở Nghệ An mà ở nhiều địa phương khác trong cả nước, đại diện cho 3 vùng sinh thái khác nhau là vùng trung du, miền núi và đồng bằng. Ông Hoàng Đức Ân, hiện là Phó phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên, một trong những người đã “sát cánh” cùng VTNA2 ngay từ những ngày đầu, chia sẻ: Từ 32 giống trong bộ giống được nhập về ban đầu, sau 3 năm khảo nghiệm cơ bản với rất nhiều khó khăn, lắm lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc, nhóm nghiên cứu đã chọn ra được 5 giống sau cùng để đưa ra khảo nghiệm trên diện rộng ở các vùng sinh thái khác nhau tại Nghi Lộc, Đô Lương, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Yên Thành, Diễn Châu… ròng rã từ năm 2008, 2009, 2010. Điều rất may mắn, đó là khi đưa ra diện rộng, VTNA2 không bị phân ly như nhiều giống lúa khác mà có tính ổn định rất cao. Từ thành công đó, năm 2011 giống lúa chất lượng cao này bắt đầu chính thức được đưa vào sản xuất trên diện rộng.

Đánh giá về giống lúa VTNA2, ông Từ Trọng Kim - Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT) cho biết: Đây là giống lúa ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng 115 -120 ngày trong vụ xuân và 95 - 100 ngày trong vụ hè thu, tương đương giống Khang dân 18, thích hợp trong cơ cấu xuân muộn - hè thu. Ngoài ra, giống có kiểu hình đẹp, cây gọn cứng, lá đứng, màu xanh, kích thước lá trung bình, chiều cao cây tương đối thấp nên chống đổ, ngã tốt. Đặc biệt, giống có thời gian sinh trưởng ngắn, đây là một lợi thế quan trọng để đưa vào cơ cấu giống trong vụ hè thu, nhằm thu hoạch trước ngày 10/9 tránh được lụt sớm vùng Bắc Trung bộ, đồng thời, có thể gieo cấy muộn, tránh được rét đậm, rét hại đầu vụ làm chết mạ, thường gặp vào những ngày cuối tháng 12 đến tháng 1 hàng năm. Qua khảo nghiệm và thực tế sản xuất, ở vụ xuân giống cho năng suất bình quân 65 - 70 tạ/ha, ở các vùng thâm canh cao có thể đạt trên 70 tạ/ha, vụ hè thu đạt bình quân 56 - 63 tạ/ha.

Cùng với kết quả trình diễn tại Nghệ An, giống VTNA2 cũng được đưa ra khảo nghiệm trên diện rộng ở nhiều địa phương trong cả nước như Bình Định, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Phú Thọ... Tại đây, giống VTNA2 được đánh giá tốt, năng suất cao hơn các giống lúa thuần đang gieo trồng ở địa phương khoảng 8,2- 12,8%, khả năng thích ứng rộng, gieo cấy được trên nhiều chất đất, mùa vụ khác nhau, chống chịu sâu bệnh, chống đổ rất tốt và lần lượt được các tỉnh này đưa vào bộ giống cơ cấu, diện tích gieo trồng liên tục tăng qua các năm. Ngay sau khi được Bộ NN&PTNT công nhận đặc cách, giống lúa này đã được gieo trồng rộng rãi và phổ biến ở nhiều tỉnh, từ Bắc miền Trung cho đến các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là Nghệ An và Hà Tĩnh. Tại Nghệ An, năm 2011, toàn tỉnh gieo cấy hơn 900 ha giống lúa VTNA2, tập trung tại các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Đô Lương, Thanh Chương. Trong đó vụ xuân gieo cấy 400 ha, năng suất bình quân đạt 66 tạ/ha, đặc biệt một số xã của Diễn Châu và Hưng Nguyên đạt 68 -71 tạ/ha. Vụ hè thu gieo cấy hơn 500 ha, năng suất bình quân chung 60 - 64 tạ/ha so với bình quân chung của tỉnh là 52 tạ/ha. Một số nơi như Hưng Phú (Hưng Nguyên) gieo cấy 80 ha, đạt bình quân 66,3 tạ/ha, cao hơn Khang dân 18 tới 8,3 tạ/ha, xã Diễn Phú, Diễn Hoa, Diễn Quảng (Diễn Châu) đạt 65,6 tạ/ha...

Ngoài ra, VTNA2 được đánh giá là giống lúa có chất lượng gạo ngon, giá giống rẻ, tiết kiệm đầu vào. Từ đó, vụ xuân và hè thu 2012, nhiều địa phương tiếp tục đưa giống lúa VTNA2 vào mở rộng sản xuất và đã đạt những kết quả khả quan. Ở vụ xuân, dù diễn ra trong điều kiện thời tiết hết sức khó khăn nhưng giống lúa VTNA2 vẫn được đánh giá là sinh trưởng phát triển tốt, sạch sâu bệnh, năng suất bình quân đạt khá cao, từ 62- 64 tạ/ha, một số điểm thâm canh cao đạt tới 68 - 72 tạ/ha. Với chất lượng cơm ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, giống lúa vtNA2 đã và đang được nhiều địa phương đưa vào sản xuất trên quy mô lớn với mục tiêu sản xuất lúa gạo hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên đơn vị diện tích. Vụ hè thu 2012, với lượng giống đã cung ứng riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An hơn 200 tấn và lượng giống nông dân nhân ra từ dự án giống xác nhận, toàn tỉnh đã gieo cấy hơn 9.500 ha giống lúa NA2 tập trung ở các huyện Diễn Châu, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Đô Lương, Nghi Lộc, Nam Đàn, Quỳnh Lưu và một số huyện miền núi. Địa phương láng giềng Hà Tĩnh cũng đã chủ trương thí điểm sản xuất trên quy mô khá lớn giống lúa này tại 15 xã ngay từ vụ xuân 2012 nhằm thay thế các giống lúa thuần đã sản xuất lâu đời chất lượng cơm gạo thấp, đặc biệt là giống IR1820 VÀ KD18.

Như vậy, bằng việc chọn lọc thành công giống lúa thuần chất lượng VTNA2, chúng ta đã có thêm một loại giống cây trồng mới năng suất cao, chất lượng tốt, giúp người dân có được nguồn giống chủ động với giá thành thấp hơn nhiều so với nguồn giống được nhập ngoại, trong khi năng suất và chất lượng không hề thua kém.


Phú Hương