Nô nức trấy Hội làng Vạc
(Baonghean.vn) - Trong 3 ngày từ 18-20/3, tại xã Nghĩa Hòa, Thị xã Thái Hòa đã diễn ra lễ hội Làng Vạc lần thứ 14. Đông đảo nhân dân thị xã Thái Hòa và du khách thập phương đã về tham gia lễ hội.
Lễ hội Làng Vạc được bắt đầu tổ chức từ năm 1999 khi di chỉ Làng Vạc được công nhận và cấp bằng di chỉ khảo cổ học cấp Quốc gia. Đến nay, lễ hội đã qua 13 lần tổ chức, ngày càng thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương tham gia. Di tích lịch sử khảo cổ Làng Vạc được phát hiện năm 1970, qua 5 lần khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện 374 ngôi mộ cổ còn lưu giữ 1.228 hiện vật có giá trị thể hiện nhiều chức năng của cư dân văn hóa Đông Sơn.
Hội diễn văn nghệ quần chúng.
Hội thi cồng chiêng.
Lễ tế.
Lễ hội Làng Vạc bắt đầu với lễ rước Vạc đồng và Trống đồng từ sân tổ chức lễ hội về đền thờ Làng Vạc. Theo nghi lễ cổ truyền của dân tộc, Ban tổ chức lễ hội đã tiến hành lễ tế dâng hương tại điện thờ, tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng và công ơn giữ nước của các bậc tiền nhân người Việt cổ, cầu mong mưa thuận gió hòa, tiến bộ, phát triển cho vùng đất Phủ Quỳ nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.
Lễ hội Làng Vạc năm nay diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 18/3- 20/3) với nhiều nội dung phong phú: Phần lễ được tổ chức bài bản theo nghi lễ truyền thống của dân tộc hướng về tâm linh, trang nghiêm, tôn kính với lễ yết cáo, lễ tế, lễ rước vạc và trống đồng, lễ dâng hương tại điện thờ. Phần hội năm nay tổ chức tái hiện nhiều hoạt động văn hóa dân gian, quần chúng, như các trò chơi đấy gậy, kéo co, cờ thẻ. Các hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao: Thi đấu bóng chuyền nam, nữ, cắm trại, người đẹp làng Vạc, văn nghệ quần chúng, đấu vật,…Ngay sau lễ khai mạc, Ban tổ chức lễ hội đã đồng loạt tổ chức các hoạt động, đông đảo các tổ chức đoàn thể và nhân dân hồ hởi tham gia.
Đốt lửa trại.
Các đại biểu dâng hương.
Thi đẩy gậy
Đấu vật.
Thi kéo co.
Đu tiên.
Thi đấu bóng chuyền.
Lễ hội là điểm hội tụ văn hóa tâm linh, là dịp để người dân tỏ lòng thành kính hướng về cội nguồn, tạo môi trường và điều kiện phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của bà con gần xa. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người có công khai sơn mở cõi. Đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc trên đất Phủ Quỳ hội tụ, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, khai tâm công đức hướng về cội nguồn, giáo dục ý thức bảo vệ giữ gìn di tích, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử truyền thống, từ đó xây dựng niềm tin, lòng tự hào về quê hương đất nước./.
Sỹ Minh