Nỗi ân hận muộn màng

11/03/2013 17:34

(Baonghean) - “Bị cáo là nông dân, không có nghiệp vụ khai thác mỏ, không có năng lực quản lí nên dẫn đến sập mỏ khiến 18 người chết, 7 người bị thương. Nay bị cáo tha thiết xin tòa giảm án để có cơ hội được trả nghĩa những người đã gặp nạn” - đứng trước vành móng ngựa, chủ mỏ Phan Công Chín nói lời thống thiết…

Sáng 1/4/2011, như thường lệ, những phu đá xã Nam Thành (Yên Thành) mang rổ sắt, bịt kín mặt, trùm găng tay lên công trường mỏ đá Lèn Cờ để làm việc. Khi hàng chục công nhân đang mải miết xúc đá trong tiếng máy đinh tai nhức óc thì nghe tiếng ầm khủng khiếp, một khối núi đá Lèn Cờ đổ sập xuống. Mấy phút sau, những tiếng thét xé lòng vang lên, 18 người bị đá vùi lấp, 7 người may mắn sống sót... Suốt một thời gian dài, không khí tang tóc, buồn thảm bao trùm lên đất trời Lèn Cờ…

Sau nhiều lần tạm hoãn xét xử, trả hồ sơ điều tra lại, ngày 5/3, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đưa vụ án sập mỏ đá Lèn Cờ ra xét xử công khai. Hàng chục người dân xã Nam Thành vào Thành phố Vinh tham dự phiên tòa. Đến tòa với tư cách là bị cáo duy nhất, Phan Công Chín (49 tuổi) - Giám đốc Công ty TNHH Chín Mến, chủ mỏ đá Lèn Cờ, mặc bộ vest màu xám khá lịch lãm bước lên vành móng ngựa.



Bị cáo Phan Công Chín tại phiên tòa.

Theo cáo trạng của vị đại diện Viện Kiểm sát Nghệ An, Mỏ đá Lèn Cờ do Công ty TNHH Chín Mến làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy phép khai thác ngày 23/4/2007 với diện tích khai thác 2,09 ha, thời hạn 3 năm. Sau khi hết thời hạn khai thác, Công ty TNHH Chín Mến đã có tờ trình xin gia hạn việc khai thác mỏ đá Lèn Cờ. Trong công văn do ông Phan Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành ký gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND tỉnh Nghệ An đề nghị gia hạn cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Chín Mến có nội dung: “Qua kiểm tra thực tế, hơn hai năm công ty đã được thực hiện khai thác tài nguyên đúng theo báo cáo khả thi thiết kế mỏ được phân định. Các quy định của Luật Khoáng sản và các luật khác có liên quan. Thực hiện đúng báo cáo định kỳ theo quy định hiện hành. Thực hiện việc mở mỏ và phục hồi môi trường, đất đai theo quy định của pháp luật”. Ngày 19/8/2010, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định gia hạn giấy phép khai thác mỏ đá Lèn Cờ cho Công ty TNHH Chín Mến.

Được cấp phép, Chín đã chia khu mỏ thành 15 phần để giao khoán cho 15 tổ công nhân thuộc công ty tự tổ chức khai thác. Các tổ tự mua sắm máy móc, thiết bị, thuê công nhân, khoan lỗ nổ mìn, chế bến, bán đá. Trước khi các tổ đem sản phẩm đi tiêu thụ thì Công ty TNHH Chín Mến cử hai thành viên là ông Chín và bà Hoàng Thị Mến luân phiên thu tiền 50.000 đồng/m3.

Trong quá trình khai thác khoáng sản, Công ty TNHH Chín Mến không thực hiện đúng thiết kế mỏ được thẩm định, phê duyệt. Công ty sử dụng giám đốc mỏ và người chỉ huy nổ mìn không đúng tiêu chuẩn quy định của Luật Khoáng sản, thậm chí từ tháng 9/2008 đến ngày mỏ đá bị sập, không có giám đốc điều hành. Việc khai thác chưa đảm bảo an toàn lao động, chưa thực hiện biện pháp giảm thiểu môi trường. Tính đến ngày 1/4/2011, công ty còn nợ các loại thuế và tiền quý quỹ môi trường hơn 119 triệu đồng. Theo phản ánh của một số cơ quan chức năng, việc khai thác khoáng sản tại mỏ đá Lèn Cờ diễn ra cả trong và ngoài khu vực được cấp phép. Trong các yếu tố trên thì việc công ty cố tình sai phạm, tự ý khai thác ngoài khu vực được thẩm định, cấp phép là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vụ sập mỏ.

Ngay khi vụ án xảy ra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Công Chín về tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên. Đến tháng 8/2011, Cơ quan Công an tỉnh Nghệ An khởi tố bị can đối với Hoàng Thanh Long, Phó Trưởng Phòng TN&MT huyện Yên Thành về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đến tháng 12/2012, ông Nguyễn Công Hải - Phó phòng Công thương huyện Yên Thành cũng bị khởi tố bị can về cùng tội danh. Sau một quá trình điều tra, cơ quan chức năng cho rằng hành vi của ông Long và ông Hải chưa đến mức phải truy tố trách nhiệm hình sự nên đã có quyết định đình chỉ điều tra.



Cán bộ Sở Tài nguyên Môi trường huyện Yên Thành và xã Nam Thành được triệu tập đến phiên tòa.

Vụ án còn liên quan đến các ông: Phan Thế Trung (Chủ tịch UBND xã Nam Thành), Lê Quang Huy, Trần Văn Toản, Nguyễn Duy Nhật (cán bộ Sở TN&MT tỉnh Nghệ An). Những người này có dấu hiệu sai phạm trong công tác thanh tra, kiểm tra việc khai thác của Công ty TNHH Chín Mến và tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Chín Mến. Để làm rõ hành vi của những người này, cơ quan điều tra đã trưng cầu ý kiến của Cục Địa chất khoáng sản - Bộ Tài nguyên Môi trường. Theo kết luận của Cục Địa chất khoáng sản, về cơ bản, hồ sơ cấp phép và gia hạn khai thác mỏ đá Lèn Cờ là đúng quy định nên không có cơ sở để truy tố hình sự các cán bộ trên. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu cơ quan quản lý có biện pháp xử lý hành chính nghiêm túc những người này.

Tại phiên tòa ngày 5/3, bị cáo Phan Công Chín cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vụ sập mỏ là do cá nhân mình không có năng lực, trình độ khai thác mỏ, năng lực quản lí kém và xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Bị cáo Chín bị truy tố theo Khoản 2, Điều 172 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 2 đến 10 năm tù giam.



Đại diện các gia đình nạn nhân trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ xin giảm án cho ông Chín.

Có mặt tại phiên tòa, đại diện gia đình các nạn nhân cố gắng lắng nghe từng lời chất vấn của hội đồng xét xử và lời khai của bị cáo. Khi vị chủ tọa phiên tòa cho phép phát biểu, đại diện gia đình 18 nạn nhân bị chết và 7 người bị thương lần lượt đứng lên xin giảm nhẹ tội cho bị cáo Chín. Lí do mà họ đưa ra: Vụ sập mỏ đá nằm ngoài chủ ý của ông Chín, bên cạnh nguyên nhân chủ quan thì còn do thiên tai và đen đủi; khi vụ sập mỏ xảy ra, ông Chín đã nỗ lực khắc phục hậu quả với gia đình các nạn nhân,… Đại diện chính quyền địa phương cũng đứng lên xin giảm tội cho bị cáo.

Ông Phan Thế Trung, Chủ tịch UBND xã Nam Thành cho biết, vụ sập mỏ đá có hậu quả rất nghiêm trọng, nhưng suốt thời gian dài trước đó mỏ đá Lèn Cờ đã tạo ra việc làm thường xuyên cho 200 người dân với tổng thu nhập từ 9 đến 10 tỷ đồng/năm. Từ ngày xảy ra vụ sập mỏ, người dân không có việc làm, kinh tế địa phương có ảnh hưởng. Một số người dân trong xã đã đề nghị mở lại mỏ đá để bà con có việc làm. “Vì vậy nguyện vọng chung của người dân xã Nam Thành là mong ông Chín được giảm nhẹ tội”, ông Trung khẳng định. Đại diện các gia đình bị hại cũng khẳng định không đề nghị Công ty TNHH Chín Mến phải bồi thường gì thêm.

Ông Trung cho biết, đến thời điểm này đã có hàng trăm cá nhân, tổ chức hảo tâm gửi tiền về giúp đỡ các gia đình bị nạn. Tổng số tiền mà chính quyền xã nắm được là 6,5 tỷ đồng, gia đình ít nhất được hỗ trợ hơn 200 triệu đồng, gia đình nhiều nhất được hỗ trợ hơn 500 triệu đồng. “Qua dư luận, báo chí chúng tôi biết rằng mức ủng hộ của vụ sập mỏ đá Lèn Cờ này chỉ đứng sau vụ sập cầu Cần Thơ và lớn hơn rất nhiều lần những vụ thiên tai, thảm họa khác trên địa bàn Nghệ An. Đây thực sự là niềm động viên, chia sẻ giúp các gia đình vượt qua được nỗi đau mất mát, các cháu bé mồ côi của xã có cơ hội tiếp tục được đến trường” - ông Trung khẳng định.

Phần “nóng” nhất của phiên xét xử là khi chủ tọa Hoàng Văn Phúc truy trách nhiệm của các cán bộ liên quan. Khi thấy ông Nguyễn Công Hải và ông Hoàng Thanh Long từ chối trách nhiệm và không trả lời rõ các câu hỏi của hội đồng xét xử, thẩm phán Phúc lớn tiếng khẳng định: “Vụ sập mỏ đá xảy ra, ngoài trách nhiệm chính của ông Chín thì các cá nhân, cán bộ cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh cũng có trách nhiệm của mình trong đó. Nếu các anh kiểm tra tốt, kiểm tra đúng và xử lí kịp thời thì đã không có chuyện 18 người bị chết vì sập mỏ”. Cách đây hơn 1 năm, trong vụ xét xử lần thứ nhất, thẩm phán chủ tọa phiên tòa Hoàng Văn Phúc cũng đề nghị những người có trách nhiệm liên quan đến vụ việc cần thấy được trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm công chức và trách nhiệm của người cán bộ trong vụ sập mỏ đá.

Được nói lời sau cùng, chủ mỏ Phan Công Chín thành thật rằng, mình là một nông dân, không có nghiệp vụ về khai mỏ nhưng vì miếng cơm, manh áo nên đã thành lập công ty để đứng ra xin khai thác mỏ Lèn Cờ. “Vụ sập mỏ xảy ra khiến 18 người chết là một tai nạn, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo đã nỗ lực khắc phục và chia sẻ với bà con nhân dân. Nay bị cáo tha thiết được tòa giảm án và xin hưởng án treo để có thời gian trả nghĩa với những người đã chết” - Chín nói lời sau cùng.

Chủ tọa Hoàng Văn Phúc nhận định, hành vi của ông Chín là đặc biệt nghiêm trọng, nhưng bên cạnh yếu tố chủ quan thì còn phải xét thêm các yếu tố khách quan là thời tiết mưa nhiều khiến đất đá sụp xuống, dẫn đến việc mỏ bị sập. Bên cạnh đó, những người trực tiếp khai thác đá và các tổ trưởng ở các bến đá cũng là người có lỗi. Kết thúc phiên tòa, Phan Công Chín bị tuyên phạt 2 năm tù giam, thấp hơn mức đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát (30 đến 36 tháng tù giam). Nhưng có, nhiều người dân đến xem phiên tòa lại phân vân không hiểu vì sao một vụ án nghiêm trọng như vậy mà chỉ có mình chủ mỏ bị truy tố, một số khác tặc lưỡi rằng: “18 người chết mà chỉ chịu có 2 năm tù thôi sao”?!


Nguyên Khoa