Tháp Poklong Garai – một công trình dân tộc Chăm giữa lòng thủ đô

11/02/2013 23:10

Được đánh giá là ''điểm nhấn'' trong Tổng thể khu các làng dân tộc III (Khu vực tái hiện làng của những dân tộc thuộc vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ), Tháp Chăm tại làng Văn hóa Đồng Mô là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong dịp Tết nguyên đán.

Mảnh đất miền Trung trải dài từ Hương Trà, Thừa Thiên - Huế vào tận Tân Biên của tỉnh Tây Ninh đầy nắng và gió như một sự thách thức đối với những công trình Tháp Chăm. Ấy vậy mà trải qua hơn 12 thế kỉ, hơn 20 công trình Tháp Chăm vẫn hiên ngang sừng sững trên đất Việt như một sự minh chứng cho sức sống bất diệt của những kiến trúc này.

Có lẽ cùng vì điều đó và quan trọng hơn cả là giá trị kết tinh văn hóa, nghệ thuật của người Chăm thể hiện qua mỗi tòa Tháp, ngày 23/11, tại làng Văn hóa Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội) vinh dự giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế hình ảnh Tháp Chăm được xây dựng mô phỏng theo Tháp Chăm Poklong Garai (Ninh Thuận). Đây được coi là một công trình hiện đại tầm cỡ mang giá trị lịch sử và văn hóa cao.



Theo đánh giá của giới chuyên môn trong số hơn 20 Tháp Chăm thì Tháp Poklong Garai không phải là tháp có kiến trúc đẹp nhất khi đứng bên cạnh các công trình của Khu thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) hay Tháp bà Ponagar (Khánh Hòa). Tuy nhiên mô hình Tháp Chăm ở làng Văn hóa Đồng Mô cuối cùng đã chọn là Tháp Poklong Garai. Làm rõ hơn về điều này, trí thức Chăm - Sử Văn Ngọc đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm (Ninh Thuận) giải thích : ''Chọn xây dựng Tháp Chăm ở làng Văn hóa Đồng Mô phỏng theo Tháp Poklong Garai vì: Tháp Poklong Garai thờ vua Shinhavarmen III trị vì 54 năm từ năm 1151 đến 1205. Vị vua này đã có nhiều công lao to lớn đối với dân tộc Chăm ở vùng đất phía Nam trong việc khai khẩn, nhất là trên lĩnh vực thuỷ lợi như đập Nha Trinh, đập Sông Cấm ở phía Tây Phan Rang.

Quần thể Tháp Chăm dựa theo nguyên mẫu là quần thể Tháp Po Klong, được xây dựng theo tỉ lệ 1:1, quần thể mới này bao gồm: Tháp chính - Tháp Kalan cao hơn 20m, Tháp cổng - Tháp Gopura cao hơn 8m và Tháp hỏa - Tháp Kosaghra cao hơn 9 m.

Công ty Cổ phần Tu bổ di tích Trung ương đã phối hợp cùng nhiều cơ quan khác đã phải dành ra hơn 2 năm để nghiên cứu công nghệ xây dựng sau đó mới bắt tay chính thức vào thực thi. Kiến trúc sư Đoàn Bá Cử - Giám đốc Công ty Cổ phần Tu bổ di tích Trung ương cũng là người trực tiếp tham gia vào quá trình nghiên cứu vật liệu cho biết: ''Đây không phải là một công trình phục hồi mà là công trình xây dựng hoàn toàn mới bởi chúng tôi phải tìm ra được công nghệ xây dựng Tháp Chăm để vừa đảm bảo yếu tố kĩ thuật của thời đại mới và lại không làm mất đi nét cổ xưa vốn có như Tháp Poklong Garai nguyên mẫu''.

Nhiều tài liệu cho biết từ sau thế kỉ XIV, người Chăm không còn xây Tháp Chăm nữa và trong tổng số hơn 20 Tháp Chăm còn tồn tại không phải đều có cùng một công thức xây dựng vì thế xác định điểm ''mấu chốt'' quan trọng để xây dựng Tháp Chăm tại Làng Văn hóa là việc không hề dễ dàng. Là người bỏ nhiều công sức nghiên cứu kiến trúc của người Chăm, ông Đoàn Bá Cử cho biết: ''Để đảm bảo yếu tố kĩ thuật của thời đại mới, phía bên trong Tháp chúng tôi xây bằng gạch mác cao là gạch của thời hiện đại; còn toàn bộ phía ngoài và bề mặt xây bằng gạch Chăm. Nhưng gạch Chăm vốn không có cường độ chịu lực cao mà công trình đòi hỏi phải tồn tại trong nhiều năm nên đây cũng là bài toán khó. Và để tìm ra được lời giải chúng tôi đã nghiên cứu trong vòng 2 năm mới làm được điều này''.

Yếu tố gạch xây dựng đã khó khăn, đến công nghệ mài chập và chất kết dính được sử dụng ra sao cũng khiến những người trực tiếp làm phải ''đau đầu''. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định chất kết dính người Chăm dùng để gắn các viên gạch với nhau là tinh dầu rái, tuy nhiên không có tỉ lệ cụ thể nào cho hợp lí. Trong quá trình làm đã có sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia Ba Lan, Ấn Độ, Pháp, Italia, tuy nhiên tất cả đều phải được thực hiện bằng phương pháp thực nghiệm.

Sau gần 5 năm xây dựng, công trình Tháp Chăm đã hoàn thành. Hàng năm tại đây sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa của người Chăm, đó cũng là dịp để đồng bào Chăm nói riêng và bà con 54 dân tộc anh em nói chung được ''quây quần'' bên nhau trong tình đồng bào thân ái.


Theo (dantri.com.vn) - HL