Đâu là điểm nhấn?
(Baonghean) - So với một số năm trước đây, văn học Việt Nam 2012 dường như chưa ghi nhận một tác phẩm hoặc tác giả nào thực sự có giá trị đến mức khiến dư luận chú ý, hoặc gây chút ít tranh cãi để không khí chung có thể “nóng” lên một chút; và vì thế, nhìn chung, về sáng tác, vẫn ở mức độ "bình bình". Điều đáng nói là dường như văn đàn vắng tiếng (to) của các nhà văn đã thành danh, hoặc đã được ghi nhận ít nhiều, và cũng không thấy xuất hiện gương mặt mới nào sáng giá. Đành rằng chất lượng của tác phẩm hay tác giả, đội ngũ sáng tạo cần một quá trình chuẩn bị âm thầm, nhưng không lẽ cứ bất lực trước việc người đọc mỏi mắt với cái phông chung phẳng, dẹt?
Như vậy, chỉ còn một cách để điểm mặt đời sống văn học là nhìn vào các sự kiện. Xảy ra sớm nhất và nhận được nhiều xưng tụng nhất có lẽ là Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất, diễn ra từ 2 – 6/2/2012, với sự có mặt của 80 nhà thơ đến từ 27 quốc gia, cộng vào đó 50 nhà thơ của nước chủ nhà với một chủ đề mang rất rõ màu sắc chính trị, thời sự có phần nhạy cảm là vì hòa bình, thịnh vượng, hợp tác, hữu nghị châu Á - Thái Bình Dương…
Sự kiện thứ hai đáng chú ý của văn học năm 2012, là giải thưởng và những ì xèo quanh Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 và 2011 (trao vào đầu năm 2012). Có 9 giải thưởng đã được trao cho 9 tác phẩm: Trò chơi hủy diệt cảm xúc - tiểu thuyết (Y Ban); Thành phố đi vắng - tập truyện ngắn (Nguyễn Thị Thu Huệ); Trường ca chân đất - trường ca (Thanh Thảo); tiểu thuyết lịch sử - một khuynh hướng quan trọng của văn học Việt Nam lâu nay vẫn duy trì được sức hấp dẫn với Một thế kỷ bị mất (Nguyễn Ngọc Cảnh Nam). Giải thơ được trao cho 4 tác phẩm: Bầu trời không mái che (Mai Văn Phấn); Sóng và khoảng lặng (Từ Quốc Hoài); Ngày linh hương nở sáng (Đinh Thị Như Thúy); Hoan ca (Đỗ Doãn Phương). Đây là tín hiệu vui nho nhỏ cho thơ Việt bởi đã khá nhiều năm thể loại này vắng tên trong danh sách giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn. Điều cần chú ý nữa là giải thưởng về phê bình văn học lại được trao cho cây bút phê bình "nghiệp dư" Văn Chinh với Đa cực và điểm đến. Đây là dấu hiệu không bình thường của một nền văn học, nhưng có thể là bình thường với văn học Việt Nam, bởi các cây bút phê bình (lẽ ra) phải chuyên nghiệp đã mất dạng khá lâu trong sự xuống cấp của văn hóa đọc, sự thống ngự của thói phê bình chộp giật, của hiện tượng phê bình giả lấn át phê bình thật. Chung quanh giải thưởng này cũng đã có một vài ì xèo, lời qua tiếng lại giữa một vài nhà văn được xếp giải với những người phát ngôn nhân danh Hội. Những lăn tăn này tưởng nhỏ, nhưng xét đến cùng vẫn phản ánh một sự thật nào đó của nền văn học, của Hội Nhà văn và của cơ chế giải thưởng.
Một trong những hoạt động quan trọng góp phần nhận chân những giá trị của văn học là các hội thảo. Năm nay cũng đã có một số hội thảo, tọa đàm được tổ chức, về người đã khuất và đang sống: Nguyễn Huy Tưởng, Hàn Mặc Tử, Thanh Châu, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Quang… trong đó có cuộc xong là xong, có cuộc vẫn còn những bàn tán hậu hội thảo, như trường hợp của Nguyễn Quang Thiều và nhất là Hoàng Quang Thuận, một đại gia mới bước vào làng thơ, và rất nhanh có tên trong danh sách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam - người được coi là thực hiện vụ "đạo thơ" hiếm hoi trong lịch sử với ồn ã về tập Thi vân Yên Tử, một tập thơ mà nhiều người coi là "đạt chuẩn mực của thơ thiền", lại được tác giả này viết như có ai đó nhập vào tâm hồn, trí não và cả cây bút. Tuy nhiên, nhiều người tinh ý đã nhận ra đây là một tập thơ… đạo. Mà trong số khổ chủ bị đạo ấy có Trần Nhân Tông, một ông vua, là “phật hoàng” sống ở thế kỷ XIII. Xin mở ngoặc thêm là kiểu hội thảo này sẽ vô tình tiếp tay cho nạn đạo văn lâu nay đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong đời sống văn học. Người ít thì đạo một vài câu, người nhiều thì nhiều câu, nhiều tác phẩm, đạo dài dài. Đáng nói là tham gia hội thảo về Hoàng Quang Thuận có một vài vị có tư cách chuyên gia, hoặc có danh tiếng trong làng văn.
Cũng trong năm 2012, có một giải thưởng được nhiều người ủng hộ, chia sẻ, là Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội. Giải được trao cho SBC là săn bắt chuột của Hồ Anh Thái (văn), Buổi câu hờ hững của Nguyễn Bình Phương (thơ); Dĩ vãng phía trước của Ngô Thảo (phê bình); Lolita của Dương Tường (dịch thuật); giải thành tựu cho nhà văn quá cố Phùng Quán - một tác giả thuộc phong trào Nhân văn giai phẩm trước đây.
Riêng ở Nghệ An, có thể thấy văn chương vẫn ậm ừ như mấy năm nay vốn thế. Điều này cũng phản ánh đúng tinh thần của hoạt động văn nghệ nói chung – một kiểu không khí ảm đạm trên nhiều phương diện. Hầu như không có một tác phẩm nào nổi bật, cũng không có hoạt động văn học nào đáng chú ý ngoài Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức ở trường quay của Đài Truyền hình Nghệ An có được sự vỗ tay hỗ trợ của các cháu học sinh, sinh viên hồi đầu Giêng. Ngoài việc Nguyễn Thế Quang, sau những thành công ban đầu với tiểu thuyết danh nhân Nguyễn Du (giải A, Hồ Xuân Hương vừa trao cuối năm ngoái – đúng ra phải trao năm 2010), đã công bố tiếp cuốn tiểu thuyết viết về Hoàng Thị Loan Khúc hát những dòng sông với nhiều tâm huyết, còn điều gì đáng chú ý có lẽ là câu chuyện tác giả Nguyễn Duy Năng, lâu nay được biết đến với tư cách là một người làm thơ lại vừa in một tập văn xuôi, và tác giả Trần Ngưỡng cho ra đời một tập "tuyền" lục bát. Về danh hiệu, có hai sự kiện đáng chú ý là Đặng Hồng Thiệp được giải thơ hay Tạp chí Nhà văn (Hội Nhà văn Việt Nam) và Vân Anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Cũng cần kể thêm là nhà văn cao tuổi Lê Quý Kỳ, nguyên trưởng ban lý luận - phê bình của Hội VHNT Nghệ An đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở TP. Vinh.
Một năm. Một bức tranh ít vui mà nhiều buồn, bộc lộ nhiều vấn đề của đời sống văn học. Chúng ta đành phải chờ đợi và hy vọng ở năm 2013 vậy?!
Lê Thanh Nga (Giảng viên Khoa Ngữ văn - ĐH Vinh)