Đào tạo ngoại ngữ - khâu đột phát phát triển nhân lực du lịch

04/03/2013 17:27

(Baonghean) - Hiện nay, hầu hết các trung tâm lữ hành quốc tế của Nghệ An luôn thiếu hướng dẫn viên (HDV) du lịch thông thạo về ngoại ngữ, do vậy, nhiều trung tâm buộc phải thuê HDV của đơn vị khác để đưa đón khách.

Nghệ An có 9 trung tâm lữ hành quốc tế, trong đó Trung tâm lữ hành Hữu Nghị được xem là đơn vị lữ hành quốc tế có nhiều HDV và có nhiều ngoại ngữ nhất (3 HDV tiếng Thái, 2 HDV tiếng Anh và 1 HDV tiếng Trung), còn các trung tâm lữ hành quốc tế khác cũng chỉ có từ 2-3 HDV, chủ yếu tiếng Thái và tiếng Anh. Số HDV biết tiếng Trung chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Căm-pu-chia… hiện còn chưa có. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có nhiều, nhưng trước hết là do thời gian qua, việc định hướng đào tạo nghề nói chung, đào tạo ngoại ngữ nói riêng thiếu tính thực tế, không gắn kết với nhu cầu xã hội.

Mặt khác, nhận thức của số đông, nhất là cả cán bộ quản lý vẫn xem nhẹ khâu đào tạo ngoại ngữ. Ông Nguyễn Hữu Bắc - Chi hội Lữ hành Nghệ An cho hay, so với các nước trong ASEAN như Lào, Thái Lan, Căm-pu-chia… thì trình độ ngoại ngữ của những người làm du lịch của ta so với họ đều yếu. Trong một hội nghị về du lịch 3 nước Đông Dương mới đây, khi bố trí trong một bàn tiệc 9 người cho cả 3 nước Việt Nam, Lào, Căm-pu-chia (mỗi nước 3 người), trong khi các bạn nói tiếng Việt rất giỏi thì ta không biết tiếng của bạn.

Có ý kiến cho rằng, do thị trường khách quốc tế của Nghệ An còn hạn chế nên khó đào tạo và giữ chân các HDV giỏi, nhưng đó chỉ là một phần. Theo ông Lê Văn Thành - lãnh đạo Chi hội Lữ hành Nghệ An cho biết, nguyên nhân của việc thiếu HDV và yếu về ngoại ngữ còn bởi tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, mang tính chụp giật nên, từ các đơn vị có năng lực khó giữ được HDV có trình độ lâu dài. Một khó khăn nữa của Nghệ An là còn thiếu cơ sở đào tạo ngoại ngữ, nhất là các tiếng trong khu vực như tiếng Thái, Hàn Quốc, Nhật, Trung, Căm-pu-chia…

Từ 2008, một dự án hợp tác đào tạo ngoại ngữ bao gồm tiếng Thái và tiếng Anh theo nhiều bậc từ sơ cấp đến ĐH chủ yếu đào tạo cho ngành du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế đặt tại Trường CĐ nghề KT-KT số I, hợp tác với Trường ĐH Udon Thani Rajabhat (Thái Lan), quy mô đào tạo tiếng Thái mỗi năm từ 300 - 500 học viên, tiếng Anh mỗi năm từ 200 - 400 học viên, phía ĐH Udon Thani cung cấp giảng viên, chương trình đào tạo và trang thiết bị đào tạo, phía Trường CĐ nghề số I cung cấp cơ sở nhà học, văn phòng, ký túc… cho giáo viên, học viên. Vậy nhưng đến nay, trung tâm ngoại ngữ đặt tại Trường CĐ nghề số I Nghệ An vẫn rất khó tuyển sinh, qua gần 2 năm hợp tác đào tạo mới mở được 2 lớp tiếng Thái, 2 lớp tiếng Anh, tổng cộng chưa đến 100 học viên.

Theo ông Nguyễn Xuân Vinh, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề số I (Tổng LĐLĐ) cho rằng, việc liên kết đào tạo nghề nói chung, đào tạo ngoại ngữ nói riêng với các DNDL trên địa bàn Nghệ An còn rất khó khăn bởi hầu hết DN đều quy mô nhỏ bé không có khả năng hỗ trợ nhân viên của mình nâng cao trình độ. Do vậy, để “kích cầu” trong đào tạo ngoại ngữ phục vụ du lịch, Hiệp hội du lịch cần phối hợp với ngành hữu quan có kế hoạch hỗ trợ trong việc đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ trước hết cho đội ngũ cán bộ quản lý trong ngành du lịch và tiếp đến các đối tượng trực tiếp phục vụ khách quốc tế như lễ tân, HDV… Nhằm mục tiêu đưa Nghệ An trở thành một trong những điểm đến du lịch khu vực Bắc Trung bộ vươn mạnh sang hành lang Đông Tây trong thời gian tới, thiết nghĩ việc đẩy mạnh đào tạo ngoại ngữ cho ngành du lịch là bước mang tính đột phá trong phát triển nhân lực hiện nay.


Mai Hồ Minh (Tạp chí Văn hóa)