Duyên nợ ca trù
(Baonghean) - Làng Diễn Yên (Kẻ Lứ) vốn nằm ở phía Bắc huyện Diễn Châu, từ hàng trăm năm nay đã được biết đến như là mảnh đất của ca trù xứ Nghệ. Trải qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, từ thời vàng son cho đến khi ca trù chỉ như là “một cổ vật”, “cần được bảo tồn khẩn cấp” thì nơi đây vẫn còn sót lại giọng hát đào nương. Chính vì thế, khi cô Mai Thị Hạnh (SN 1962) và chú Nguyễn Văn Thành (SN 1955) - Câu lạc bộ ca trù Diễn Châu, được giới thiệu là một đôi vợ chồng nghệ nhân ca trù, vợ ca nương, chồng đàn đáy đang sống ở đây, chúng tôi cứ nghĩ rằng đó là lớp hậu thế của bậc tiền nhân xưa.
Nhưng hóa ra không phải vậy, đào nương Mai Thị Hạnh quê gốc ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, còn kép đàn Nguyễn Văn Thành thì lại ở ngoài Quỳnh Lưu. Tình cờ gặp nhau, nên vợ nên chồng khi cùng công tác ở ga Yên Lý. Cưới nhau về rồi mới biết “tài” nhau, vợ là cây văn nghệ hát dân ca đi biểu diễn khắp nơi trong ngành Đường sắt, chồng là tay đàn organ. “Hồi ấy toàn đi hát dân ca, hát nhạc đỏ chứ chả bao giờ nghĩ có ngày mình đi hát ca trù. Thậm chí còn không thích. Nhưng rồi trong một lần được xem hát ca trù trực tiếp, thì bỗng nhiên thích tiếng phách. Thích quá mà học hát ca trù. Đến khi hát được rồi thì mê, không bỏ được và về nhà… rủ chồng theo”, đào nương Hạnh vui vẻ kể lại cơ duyên đến với ca trù.
Vợ chồng nghệ nhân Mai Thị Hạnh và Nguyễn Văn Thành.
Nói đơn giản thế, nhưng học được ca trù cũng là một chặng đường dài. Có nhiều người hát hay đấy, giọng ca trong lắm, tha thiết lắm, nhưng vẫn đành “bất lực” trước ca trù. Bởi người đào nương không chỉ hát, mà tay còn phải phách cho đúng nhịp, khớp với đàn, với trống, thì hát mới vào. Đam mê, yêu thích ca hát từ nhỏ, cũng gọi là có chút năng khiếu trời cho, cô Hạnh “hát đủ loại nhạc” nhưng mãi tới khi tuổi đã xấp xỉ 40, cô mới ngập ngừng thử sức với ca trù. Thấy ca trù cứ rặt những “ư hự” lúc đầu cô cũng… ngán. Nhưng bởi tiếng phách mê hoặc, cứ văng vẳng bên tai, cô quyết tâm học phách, chỉ học cho biết đánh phách thôi, chứ không học hát. Thế rồi, tay phách thì miệng lẩm nhẩm hát theo, nên chẳng biết tự bao giờ, cái hồn ca trù ngấm vào máu thịt. Năm 2004, cô Hạnh tham gia vào CLB ca trù Diễn Châu - nơi tập hợp những người yêu thích ca trù trong huyện, được cùng hát, cùng tập luyện với những ca nương khác, hoặc những người cao tuổi, gia đình có truyền thống ca trù lâu đời, kỹ thuật hát ngày một trau dồi thêm.
Bắt đầu là hát xẩm, hát ru, cô vẫn nhớ bài đầu tiên mình biết hát trọn vẹn là bài hát xẩm huê tình “Đôi dòng”. Sau đó khó hơn là hát nói, hát cửa đình, hát 36 giọng... khi dồn khi rải một cách thuần thục. Đối với cô, đến với ca trù lúc này lại như một sự đúng lúc, khi người phụ nữ đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, bao nhiêu đổi thay của chính mình, tâm hồn trở nên đằm thắm hơn, lắng đọng hơn. Và, cô đã cảm nhận bằng cả tâm hồn từ trong ca trù những giá trị sâu sắc. Đó không chỉ là một loại nhạc nữa, mà là lịch sử, là truyền thống, là lời lẽ ông cha. Lúc người ta cất lên giọng hát, bằng cả tình yêu, bằng sự nhập tâm thì đó là lúc “có muốn bỏ cũng không thể nào từ bỏ nổi”.
Những lần cô Hạnh đi sinh hoạt, biểu diễn với CLB, chú Nguyễn Văn Thành đều đưa đón cô đi. Thấy vợ ngày một đam mê với thể loại âm nhạc truyền thống này, chú cũng “ảnh hưởng” theo. Bản thân cũng có chút tài năng với các nhạc cụ, từ trước đó vẫn ôm đàn organ đi đánh ở đám cưới kiếm thêm thu nhập cho gia đình, nay chú Thành thử tập thêm đàn đáy. Lúc đầu cũng chưa dám nói với ai, chỉ vợ chồng trong nhà biết với nhau, cả hai cùng lên mạng, đọc tài liệu, nghe người ta đàn như thế nào, rồi bắt chước học theo. Vậy mà lại đàn hay. Dường như cũng là cái duyên trời sinh cho một cặp vợ chồng, khi vợ bén duyên với ca trù, thì chồng lại học được đàn đáy, để cùng nhau “phụ xướng phu tùy”. Cho đến bây giờ, Nguyễn Văn Thành đã trở thành kép đàn chơi chắc tay của CLB ca trù Diễn Châu.
Ca trù vốn kén người nghe, khó để mà tìm được khán giả, nên mỗi lần có dịp biểu diễn, các nghệ nhân của CLB đều cố gắng để lại ấn tượng, lay động cảm xúc của họ, dù tiền bồi dưỡng có lúc không đủ tiền xăng xe đi lại. Đối với những ca nương, đàn kép như vợ chồng cô Mai Thị Hạnh – Nguyễn Văn Thành cũng thế, không tiếc thời gian, công sức cho ca trù. Ngày còn chưa về hưu, trong những lần biểu diễn văn nghệ ở cơ quan, cặp vợ chồng này lại cài thêm một tiết mục ca trù vào. Cô Mai Thị Hạnh khoe: “Có lần, giao lưu ngành Đường sắt từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, tôi cũng tham gia một bài ca trù, để cho họ biết ca trù của xứ Nghệ, hôm đó, ai cũng khen hay và đặc biệt”. Còn bây giờ, mỗi dịp Xuân về, cô chú lại đi hát mừng thọ các cụ, hát trong các dịp tế họ trong làng. Cô Hạnh còn chia sẻ ý định truyền nghề cho con dâu khi thấy trong lễ cưới, bố mẹ cô dâu cũng lên hát một bài ca trù và “gia đình bên ấy có khoảng 5, 6 người hát được ca trù, nên biết đâu con bé lại học thành, tôi lại đào tạo được thêm 1 ca nương cho CLB”.
Đào nương Mai Thị Hạnh biểu diễn bài “Đại thạch” trong Liên hoan ca trù toàn quốc 2011 (ảnh nhân vật cung cấp).
Trong lần tham gia Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2011 tại Hà Nội, cô Mai Thị Hạnh đã nhận giải nhất với tiết mục múa hát “Đại thạch”. Còn trong dịp tập huấn tháng 10/2012 tại Nhạc viện Hà Nội, đàn kép Nguyễn Văn Thành cũng được chọn đi, chỉ trong 10 ngày ngắn ngủi đã học đánh được luôn 3 bài 36 giọng, một điều mà ít ai làm được vì rất khó, rất dài, chuyển điệu nhanh. Những lần ấy, một phần là tự hào riêng cho bản thân, nhưng cũng là tạo tiếng vang, chỗ đứng nhất định cho ca trù xứ Nghệ, gìn giữ phát huy giá trị văn hóa đặc sắc cho quê hương.
“Chúng tôi đi hát, đi biểu diễn là vì đam mê. Nhiều khi bỏ công việc để đi chứ không phải coi như cái nghề để kiếm tiền. Các anh chị em trong CLB ai cũng tâm huyết cả, nhất là thầy Nguyên sáng lập ra CLB ngày xưa, rồi bác Thưởng bây giờ, am hiểu và lo lắng cho ca trù lắm… Ca trù là một di sản của ông cha để lại, vì thế, chúng tôi đi hát, còn mong muốn được gìn giữ văn hóa truyền thống ca trù của Diễn Châu”, đàn kép Nguyễn Văn Thành tâm sự.
Rời mảnh đất ca trù Kẻ Lứ xưa, nay đã tấp nập người qua lại, những ngôi nhà mới xây che khuất mái đình Cháy. Trong tâm trí vẫn đầy ắp hình ảnh cô đào nương mắt đong đưa, miệng mỉm cười, tay gõ xuống bàn làm nhịp phách say sưa hát, bên cạnh đó là người chồng tay so dây đàn đáy, “biểu diễn” cho chúng tôi nghe luôn điệu 36 giọng vừa mới học được về. Tin rằng, mảnh đất này không chỉ sản sinh, mà còn có thể đón nhận, khơi dậy và nuôi dưỡng những tấm lòng đến với ca trù, giữ gìn, nâng niu trân trọng vốn quý di sản cha ông đã để lại. Ca trù, vẫn còn đó sức sống đặc biệt bền bỉ với thời gian…
Lê Nga - Nguyễn Tuế