Cách phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa xuân

04/03/2013 18:37

(Baonghean) - Hiện tại, bệnh đạo ôn đã xuất hiện trên lúa ở một số xã vùng hạ huyện Nghi Lộc, Thành phố Vinh và Hưng Nguyên.

Trước những thực trạng nói trên, tất cả các cơ sở sản xuất cần kịp thời chủ động có biện pháp tích cực để phòng trừ ngay khi sâu bệnh mới phát sinh trên diện tích hẹp, vừa dễ dàng phòng trừ, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất lại vừa đạt được hiệu quả cao. Muốn vậy, chúng ta cần thực hiện tốt mấy biện pháp sau đây:

- Thường xuyên thăm đồng, lội ruộng để kiểm tra và phát hiện sớm các ổ sâu bệnh có trên cây lúa khi mới phát sinh để khoanh vùng phun thuốc tiêu diệt ngay bằng các loại thuốc đặc hiệu được mua ở các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV do ngành BVTV cung ứng để phòng trừ đề phòng mua phải thuốc dởm, thuốc kém chất lượng phun không có hiệu quả.

- Các loại thuốc phun trừ các loại sâu bệnh chủ yếu hiện nay của vụ xuân nên dùng:
+ Với bệnh đạo ôn, dùng thuốc: Beam 75WP, KaBeam 75WP, Katama 20 SC, Pilia 525SE và Pujion 40WP.

+ Với rầy nâu và rầy lưng trắng, dùng thuốc: Basa 50 EC, Alika 247 SC, Penalty gold 50 EC, Victory 585 EC.

+ Với sâu đục thân lúa và sâu cuốn lá lúa, dùng thuốc: Dupont Prevathon 5 SC, Virtako 40 WG, Regent 800 WG, Rambo 800 WG và Tango 800 WG.

Liều lượng và phương pháp phun trừ thực hiện theo chỉ dẫn ghi ở ngoài bao bì, nhãn mác của gói thuốc.

Biện pháp sử dụng thuốc hoá học là biện pháp cuối cùng khi đã có sâu bệnh xuất hiện. Bình thường, cần thực hiện tốt biện pháp canh tác, nhất là việc sử dụng phân bón và phương pháp bón phân sao cho vừa đạt được năng suất cây trồng cao, vừa không tạo ra cơ hội cho sâu bệnh phát triển, nhất là bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn trên cây lúa.

Hiện nay, cây lúa đã và đang vào giai đoạn bón phân thúc đẻ. Đây là thời điểm bón phân thúc đậm để cây lúa phát triển nhanh, đẻ khoẻ, quyết định năng suất lúa cao hay thấp là lần bón phân này. Nhiều nông dân bón phân đang coi trọng sử phân đạm quá nhiều mà xem nhẹ các loại phân khác, nhất là kali.

Nếu chỉ bón đạm không bón kết hợp phân kali lúc này thì lúa phát triển mạnh về thân, lá, cây lúa yếu, kết hợp sương mù nhiều, ẩm độ không khí cao thì khó tránh khỏi bệnh đạo ôn trên lá, gây cháy lá lúa. Vì vậy, bón thúc lúa đẻ lúc này nên bón kết hợp 3 kg đạm urê + 1 kg kali và tốt nhất nên dùng loại phân NPK 15-5-20 bón thúc cho lúa là yên tâm nhất. Riêng trên vùng đất cát pha, thịt nhẹ thì nên chia nhỏ phân ra bón làm 2 lần, mỗi lần cách nhau 7-8 ngày để phòng lúa tốt “lốp lá” tạo ra một lượng đạm dư thừa trên lá quá nhiều là cơ hội cho bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá phá hoại.

Phương pháp bón phân có hiệu quả nhất lúc này là rút nước cạn 3-5 phân, bón thúc phân xong kết hợp làm cỏ sục bùn vùi phân xuống đất cho cây hút dần và tạo điều kiện thông thoáng không khí cho bộ rễ phát triển tốt. Nếu làm được như vậy cây lúa sẽ tốt, lại rất ít bị các loại sâu bệnh phá hoại và sẽ đạt được năng suất cao.


Doãn Trí Tuệ