Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của lãnh đạo lên 5 năm

31/01/2013 19:23

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động có trình độ chuyên môn cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt lên 5 năm so với quy định hiện nay.

Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội Trần Thị Thúy Nga cho biết cơ quan này đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chỉ tăng cho nữ, vì hiện nay tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 55, kém 5 năm so với lao động nam. Về lộ trình, Vụ Bảo hiểm xã hội đề nghị 2 phương án, một là tăng ngay thêm 5 năm làm việc, hai là tăng theo lộ trình. Thời điểm áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu bắt đầu từ 1/1/2014.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu cho một số người lao động được quy định trong Bộ luật lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp giữa năm 2012. Biện pháp này nhằm giảm áp lực cho quỹ bảo hiểm xã hội và phù hợp với xu thế tuổi thọ người dân gia tăng.

Chuyên gia của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) từng nhận định quỹ bảo hiểm xã hội của Việt Nam sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2020 và hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2029. Nguyên nhân là chế độ hưu trí còn nhiều bất cập, thể hiện ở tuổi về hưu sớm và một bộ phận lao động được phép về hưu trước tuổi quy định. Để tránh tình trạng này, ILO khuyến nghị cần tăng dần tuổi nghỉ hưu và sửa đổi cách tính lương hưu để giảm tỷ lệ chi trả.

Điều 187, Bộ Luật Lao động được Quốc hội thông qua ngày 16/8/2012, có hiệu lực từ 1/5/2013 quy định người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định trên. Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.


(Theo Vnexpress) - QN