Nguồn cung dồi dào, sức tiêu thụ chậm
(Baonghean) - Thông thường cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu thụ hàng hoá tăng mạnh. Để đảm bảo nguồn hàng cung ứng trong dịp Tết, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4974/QĐ-UBND-TM về việc dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Theo đó, các doanh nghiệp tự vay vốn ngân hàng để mua và dự trữ những mặt hàng được giao, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay ngân hàng.
6 doanh nghiệp được giao mua dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 gồm: Công ty CP Đầu tư hợp tác kinh tế Việt Lào, Công ty CP Hữu Nghị, Chi nhánh Công ty CP Intimex tại Nghệ An, Công ty CP nông sản XNK tổng hợp, Công ty TNHH Sơn Hải, Công ty TNHH TMTH Minh Phương; với các mặt hàng dự trữ gồm: 500 tấn gạo tẻ, 100 tấn gạo nếp, 260.000 lít dầu ăn, tổng giá trị gần 16,5 tỷ đồng; nhằm đảm bảo ổn định thị trường, không để xẩy ra tình trạng tăng giá đột biến.
Bà Hồ Thị Hà – Giám đốc Trung tâm Kinh doanh tổng hợp Việt Lào, cho biết: Công ty chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng phục vụ thị trường Tết gồm 120 tấn gạo, 60.000 lít dầu ăn, 300 tấn đường, 10.000 thùng bia và 1.000 thùng rượu. Các doanh nghiệp đã sẵn sàng cung ứng đầy đủ những mặt hàng thiết yếu, chỉ lo người dân thiếu tiền mua sắm chứ không lo thiếu hàng hay sốt giá. Năm nay kinh tế khó khăn, nên đến thời điểm này sức mua của thị trường vẫn rất kém, mức tiêu thụ hàng hoá giảm 50% so với cùng kỳ các năm trước.
Thị trường giáp Tết sức tiêu thụ chưa tăng.
Đối với các siêu thị, trung tâm thương mại lớn và các chợ, nguồn cung lương thực, thực phẩm, các loại rau củ quả đảm bảo đầy đủ cho người dân trên địa bàn. Tại 2 siêu thị bán lẻ lớn của tỉnh, nguồn cung đảm bảo, hàng hoá phong phú, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ của khách hàng. Siêu thị Intimex đã dự trữ 150 tấn gạo tẻ trị giá 1,5 tỷ đồng, 50.000 lít dầu ăn trị giá 1,9 tỷ đồng và 100 tấn đường kính trị giá 1,6 tỷ đồng. Siêu thị BigC cũng đã dự trữ 230 tấn gạo tẻ trị giá 2,3 tỷ đồng, 75.000 lít dầu ăn trị giá hơn 2,8 tỷ đồng, 160 tấn đường kính trị giá gần 2,6 tỷ đồng. Theo số liệu của Sở Công Thương, tổng hợp các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn lượng hàng hoá dự trữ tương đương khoảng 100 tỷ đồng.
Tại chợ Vinh, trung tâm thương mại lớn chuyên cung cấp hàng hoá cho các chợ lẻ trong tỉnh, đến thời điểm này đã chuẩn bị đầy đủ tất cả các loại hàng hoá phục vụ Tết. Ông Nguyễn Bình Minh - Phó Ban quản lý chợ Vinh, cho biết: Với trên 3.000 hộ kinh doanh, vừa buôn bán sỉ, lẻ, hàng ngày cung cấp một lượng hàng hoá lớn cho các chợ huyện, phường, xã từ mặt hàng rau củ quả, lương thực, thực phẩm, hàng khô đến quần áo may mặc sẵn. Tuy lượng hàng hoá nhiều nhưng năm nay sức tiêu thụ giảm khoảng 30% so với cùng thời điểm các năm trước. Những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho Tết như hàng la ghim, cá, mực khô, bánh kẹo, rượu, nước giải khát, các loại hạt bầu, bí, lương thực, thực phẩm… được tiểu thương tập kết sẵn sàng đáp ứng đầy đủ về chủng loại cũng như khối lượng.
Bà Hà Thị Hạnh, người chuyên kinh doanh hàng bánh kẹo ở chợ Vinh, chia sẻ: “Năm nay buôn bán khó khăn quá, hàng hoá ế ẩm, khó tiêu thụ. Nhiều hôm ngồi cả ngày không có người mua. Đã cập kề tháng Chạp rồi mà thị trường vẫn đìu hiu. Do thị trường tiêu thụ kém nên chúng tôi cũng không dám lấy nhiều hàng sợ không bán được, ra Giêng lại càng ế”.
Chị Mai Thị Duyên kinh doanh hàng cá, mực khô, thịt bò khô, chè, các loại hạt… bộc bạch: Hơn 20 năm buôn bán ở chợ Vinh, chưa khi nào thấy thị trường ế ẩm như năm nay. Cùng thời điểm này các năm trước, bình quân mỗi ngày đã bán được từ 50 - 100 kg hàng, nay ngồi cả ngày may chỉ bán được khoảng 5 kg các loại hàng, có hôm còn không bán được kg nào. Cá, mực khô tồn từ đầu năm đến nay, có bọc đã mốc hỏng không bán được. Tiền vốn bỏ ra kinh doanh gần 100 triệu đồng, thị trường khó khăn thế này, chúng tôi rất nóng ruột. Hy vọng những ngày cận Tết sức mua sẽ được cải thiện.
Thông thường, tháng cận Tết sức mua sẽ tăng mạnh, nhưng tình hình năm nay không theo quy luật này. Do vậy doanh nghiệp, các ki ốt bán lẻ cũng phải cân nhắc cẩn trọng, nắm sát diễn biến thị trường để chuẩn bị lượng hàng phù hợp để tránh tình trạng hàng hoá bị tồn đọng kéo dài sau Tết. Theo quan sát của phóng viên, thị trường phục vụ Tết năm nay nguồn hàng lương thực, thực phẩm, các loại bánh kẹo, bia rượu… không thiếu, nhưng khó có khả năng sức mua tăng mạnh, mà nhiều khả năng người dân chỉ tập trung mua sắm những mặt hàng thiết yếu. Nhiều đại lý cũng chỉ chuẩn bị lượng hàng Tết vừa phải theo hướng thận trọng.
Nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, có biện pháp kiểm soát hoạt động phân phối, thu mua hàng hoá, tăng cường kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật về giá, chất lượng sản phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn, Sở Công Thương đã có Công văn số 945/SCT-QLTM ngày 23/10/2012 về việc ổn định thị trường và thực hiện quy định về giá, trong đó giao UBND các huyện, Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm hạn chế hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo ổn định thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Quỳnh Lan