Bài 1: Hàng giả, hàng nhái tràn lan
(Baonghean) Với kỹ thuật làm giả ngày càng tinh vi, hàng giả, hàng nhái hoặc vi phạm sở hữu trí tuệ xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều và được công khai bày bán. Vấn nạn này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, nhà sản xuất chân chính mà còn là rào cản đối với các doanh nghiệp trong việc nỗ lực tìm kiếm thị trường, phát triển và giữ gìn thương hiệu.
Chị Nguyễn Thị Hồng ở xóm 4, xã Nam Anh (Nam Đàn) vẫn chưa hết thất vọng khi kể cho chúng tôi câu chuyện chị trở thành nạn nhân của hàng giả, hàng nhái. Chị Hồng có con trai thi đỗ vào Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Để động viên thành tích học tập của con, chị đã mua thưởng cho con một máy vi tính xách tay để tiện cho việc học tập. Hai mẹ con xuống Thành phố Vinh để mua máy, khi được nhân viên tư vấn con trai chị đã chọn hãng Dell vì theo người bán hàng dòng máy này vừa nhỏ, gọn lại bền. Không đắn đo, chị Hồng quyết định chọn mua với giá 8,6 triệu đồng. Nhưng con trai chị nhập học chưa đầy 2 tháng đã thấy gọi điện về thông báo máy tính đã gặp trục trặc. Đầu tiên là tình trạng thường xuyên bị tắt nguồn khi đang sử dụng, tiếp đến là pin rất nhanh hết.
"Tôi đưa hóa đơn lên cửa hàng hỏi để được bảo hành, cô nhân viên tỉnh bơ nói phải chờ đợi có đợt bảo hành mới và khách hàng phải chịu 50% chi phí. Chưa hết bực với thông tin vô trách nhiệm của cửa hàng thì con lại thông báo chiếc máy này chỉ là hàng nhái của hãng Dell. Dành dụm cả năm trời mới mua được cho con chiếc máy, lại mua đúng hàng rởm, giờ chẳng biết kêu ai"... - chị Hồng bức xúc!
Sau một thời gian tạm lắng, nay băng vệ sinh giả tái xuất thị trường với mức độ giả dạng tinh vi hơn. Chúng giống hệt hàng chính hãng từ tên thương hiệu, đến hình dáng, màu sắc... Đem 2 lốc băng vệ sinh nhái nhãn hiệu để làm chứng, chị Nguyễn Thu Hà (trú tại xóm Hòa Tiến, xã Hưng Lộc - TP Vinh) cho hay: "Tôi là người cũng khá cẩn thận, đã tìm mua băng vệ sinh ở siêu thị mini trên đường Phùng Chí Kiên thay vì ở các quầy tạp hóa bán lẻ. Tôi đã nhìn rất kỹ trước khi trả tiền, thấy đúng là Kotex-Style với giá 11.000 đồng/ gói. Thậm chí, tôi còn hỏi lại nhân viên hàng có đảm bảo không? Thấy họ nói có người của hãng chuyên đưa hàng tới nhập nên tôi cũng yên tâm. Nhưng khi về nhà, bóc gói băng vệ sinh thì thấy trên mỗi miếng băng vệ sinh ghi chữ Kalex thay vì chữ Kotex tôi vẫn thường thấy".
Nếu chỉ nhìn qua bề ngoài thì chị Hà cũng như nhiều người tiêu dùng khác khó nhận biết được đây là hàng giả. Ngoài mặt bao bì vẫn đề chữ “Kotex - Style”, kèm theo hình ảnh một cô gái đeo tràng hạt và tóc búi cao. Phía dưới cùng có đề nhãn mác tên công ty sản xuất TNHH Kimberly-Clark, địa chỉ tại quận Phú Nhuận - TP. Hồ Chí Minh. Khi nhìn thật kỹ và so sánh với hàng chính hãng thì mới nhận thấy có nhiều sự khác biệt; trước hết là về đường nét trên vỏ bao bì không được sắc nét, các lớp màu không khớp nhau, bị lem ra ngoài; phần dưới ghi địa chỉ nhem nhuốc, nhòe mờ, khó đọc được chữ viết, phần để cắt vỏ nhăn nhúm, nhìn rất xấu. Điều nhận biết rõ ràng nhất là sản phẩm này không có mùi thơm giống như hàng chính hãng, khi ngửi có mùi nhựa tái chế, khá khó chịu.
Cũng như nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, sữa không rõ nguồn gốc, kém chất lượng và thậm chí có cả sữa giả cũng đang xuất hiện khá phổ biến trên thị trường. Vào hầu hết các cửa hàng, người tiêu dùng (NTD) có thể dễ dàng hỏi mua được các hộp sữa bột "xách tay". Do tâm lý sính ngoại, nhìn những dòng chữ bằng tiếng nước ngoài mặc dù không đọc hiểu được, cũng không biết thành phần các chất trong sản phẩm như thế nào, nhưng nhiều người vẫn tin rằng đó là hàng "xịn". Đánh vào tâm lý đó, nhiều cơ sở chuyên làm hàng nhái trong và ngoài nước đã sản xuất các loại hàng "rởm" dán mác các nhãn hiệu nổi tiếng để tung ra thị trường đánh lừa NTD dưới chiêu bài "hàng xách tay" nhằm trục lợi.
Rõ ràng việc sử dụng "hàng xách tay" tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cao, bởi không có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và không được cơ quan, tổ chức nào kiểm định chất lượng. Khi vụ "sữa dê rởm" Danlait mới vừa bị phanh phui không đủ độ đạm theo tiêu chuẩn là bài học cho NTD. Thực chất sản phẩm Danlait chỉ là thực phẩm bổ sung, nhưng khi về thị trường Việt Nam lại được quảng cáo là "sữa dê" nhập khẩu từ Pháp; giá bán của loại sản phẩm này theo chứng từ nhập khẩu của Công ty chỉ 3 euro/hộp (khoảng 81.000 đồng/hộp), nhưng giá bán lẻ trên thị trường đã lên đến 415.000 đồng/hộp. Rõ ràng những người sử dụng sản phẩm Danlait trong một thời gian dài không những bị móc túi một lượng tiền lớn mà còn ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng và quá trình phát triển của con nhỏ do loại sữa này không đủ độ đạm để đáp ứng nhu cầu phát triển...
Theo đánh giá của lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường, tình trạng hàng giả, hàng nhái đang lưu thông, buôn bán tràn lan trên thị trường gần như công khai từ thành thị đến nông thôn. Hàng giả xuất hiện ở hầu hết ở các ngành hàng, từ sản phẩm tiêu dùng thông thường cho đến các mặt hàng cao cấp. Vi phạm phổ biến hiện nay đối với 3 mặt hàng trọng điểm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước uống có cồn là thiếu hàm lượng các chất dinh dưỡng so với tiêu chuẩn công bố hoặc hàm lượng chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; pha trộn chất độn, phẩm màu… vào sản phẩm, sau đó phân phối trực tiếp đến các cửa hàng, đại lý bán lẻ với giá rẻ, không hóa đơn chứng từ; giả nhãn hiệu của thương hiệu có uy tín để lưu thông sản phẩm giả ra thị trường; lập lờ trong cách phát âm thông dùng, hoặc từ ngữ về hàm lượng dinh dưỡng để bán giá cao. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, với nhiều loại sản phẩm mới kém chất lượng lưu thông trên thị trường...
Điển hình, như ngày 9/1/2013 Đội QLTT số 3 phối hợp với đội CSGT Công an huyện Hưng Nguyên kiểm tra xe ô tô BKS 34L- 2096 do ông Cao Minh Hoàng là chủ hàng. Phát hiện trên xe có 216 chai rượu BLACK- 700ml- 40% Vol do nước nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp; 12 sản phẩm động vật là dê nguyên con đã giết mổ, trọng lượng 180kg không rõ nguồn gốc, không có thủ tục kiểm dịch; 299 gói hóa chất SUFER-CLO do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp; trị giá lô hàng ước tính 150 triệu đồng. Ngày 16/1/2013 Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất của bà Phạm Thị Tám, trú tại xã Diễn Kim (Diễn Châu). Qua kiểm tra khám xét, Đội đã tịch thu 4.000 vỏ bao băng vệ sinh các loại, 1530 gói băng vệ sinh Diana, Kotex giả.
Ngày 20/12/2012 Đội QLTT số 1 đã thu giữ 1.032 bóng đèn Compac Rạng Đông giả để tại cơ sở kinh doanh hàng điện dân dụng ở khối 1, Thị trấn Yên Thành, do ông Phan Doãn Thành làm chủ cửa hàng. Trước đó, ngày 17/9/2012, đội QLTT số 3 cũng đã kiểm tra xe khách BKS 81L - 3899 lưu thông theo hướng Bắc Nam qua địa phận xã Hưng Tây - Hưng Nguyên; qua kiểm tra Đội phát hiện lô hàng gồm 610 gói xà phòng OMO giả, 26.550 gói dầu gội đầu giả nhãn hiệu các loại, 1.600 gói băng vệ sinh các loại vi phạm nhãn hiệu hàng hóa; ước tính trị giá lô hàng khoảng 54 triệu đồng...
Hàng giả, hàng nhái do Chi cục QLTT Nghệ An thu giữ.
Năm 2012, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng đã kiểm tra và xử lý 125 vụ vi phạm do hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thu phạt 777 triệu đồng; xử lý vi phạm 1.579 vụ vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, phạt hành chính 1 tỷ 731 triệu đồng. Trong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan đến thực phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, Chi cục QLTT đã phát hiện và xử lý 24 vụ vi phạm VSATTP. Các mặt hàng vi phạm bao gồm: nước cam ép, thức ăn gia súc giả nhãn hiệu, trứng gia cầm, thịt và mỡ động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Sau khi phát hiện và bắt giữ các loại mặt hàng nói trên, lực lượng QLTT đã chuyển giao tới các cơ quan chức năng để tiếp tục giám định sai phạm và tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lượng hàng hóa vi phạm pháp lệnh VSATTP; tổng giá trị hàng hóa bị tịch thu, tiêu hủy là 476 triệu đồng... Đây là những cố gắng, nỗ lực vượt bậc của toàn lực lượng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra xử lý mới chỉ là phần nổi của tảng băng và công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái vẫn còn rất gian nan.
(Còn nữa)
Ngọc Anh