Thy Ngọc, nhà văn của thiếu nhi

09/01/2013 17:36

(Baonghean.vn) - Nhiều bạn đọc yêu văn học thiếu nhi nước nhà, nay đã ở tuổi làm ông làm bà, rất có thể đã đọc và thích thú cuốn truyện Lớp học của anh Bồ Câu Trắng, của nhà văn Thy Ngọc xuất bản từ năm 1957. Cuốn sách vui nhộn, kể lại câu chuyện “xóa giặc dốt” ở trại Yên Bình. Câu chuyện của nhà văn dựa trên sự kiện có thật, là phong trào bình dân học vụ nhằm đẩy lùi nạn mù chữ nước ta hồi năm 1945.

Năm 1957, Nhà xuất bản Kim Đồng ra đời, trong số 8 ấn phẩm đầu tiên được Kim Đồng chọn in cho lễ ra mắt của mình, có Lớp học của anh Bồ Câu Trắng. Đến năm 2012, kỷ niệm 50 năm thành lập, Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản cuốn sách của Thy Ngọc cùng với một số cuốn khác nữa được đánh giá là những thành tựu suốt hơn nửa thế kỉ vừa qua của nhà xuất bản này. Thế là sau hơn nửa thế kỉ có mặt, câu chuyện của nhà văn vẫn còn được tuổi nhỏ hôm nay đón đọc, đồng hành cùng các em. Hạnh phúc nào băng! Xin kể thêm, năm 2005, Lớp học của anh Bồ Câu Trắng đã lọt vào mắt xanh những người làm phim truyền hình Việt Nam. Chỉ hơn 50 trang viết, truyện đã được đạo diễn và quay phim chuyển thể thành 8 tập phim hoạt hình, và năm 2006 phim đoạt giải Bạc phim hoạt hình.



Nhà văn Thy Ngọc

Thy Ngọc tham gia viết văn làm báo từ trước Cách mạng. Thời mặt trận Việt Minh, ở Hải Phòng ông viết cho báo Dân chủ. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông được bầu làm Bí thư Hội Văn hóa kháng chiến tỉnh Thái Bình. Rồi hòa bình lập lại, Thy Ngọc về Hà Nội giảng dạy môn Văn – Họa. Một cái mốc quan trọng đối với đời văn Thy Ngọc là năm 1957, ông chuyển sang làm cán bộ biên tập của Nhà xuất bản Kim Đồng, trở thành một trong số những sáng lập viên của Nhà xuất bản, một cộng tác viên hàng đầu của chính cơ quan mình, mãi cho tới khi nghỉ hưu năm 1987. Lúc này, Báo Khăn Quàng Đỏ còn mời ông cộng tác thường xuyển với báo...

Tập truyện Tuổi ngây thơ xuất bản năm 1943 được xem là tác phẩm đầu tay của nhà văn Thy Ngọc. Tiếp theo là Vỡ đê (truyện, 1943), Hai lần thoát xác (truyện, 1944), Cu Tý (truyện, 1954), Khúc ca thơ ấu (thơ, 1954), Lớp học của anh Bồ Câu Trắng (truyện, 1957), Tiếng hát chim non (thơ, 1962), Cô bé mê truyện (truyện, 1963), Chiếc nhãn vở intay (truyện, 1969), Tên lửa bút chì (thơ, 1972), Đôi cánh của Ngựa Trắng (truyện, 1976), Bài ca trong hẻm (truyện, 1986), Có một khoảng trời (truyện, 1991), Thơ tặng cháu (thơ, 1994), Trang viết tuổi thơ (tuyển tập, 1995)...Năm 2009, ở tuổi 84, Thy Ngọc còn cho xuất bản cuốn hồi ký Lời hứa với ngày mai. Dù viết truyện hay làm thơ, vẽ tranh minh họa hay làm bìa sách, từ cuốn sách đầu tay tới những trang viết cuối đời, Thy Ngọc trước sau vẫn trung thành với đề tài thiếu nhi, với nguồn cảm hứng trong trẻo, giàu nghĩ ngợi dành cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng. Có lần, ông nêu băn khoăn: “Hàng ngày tôi thường tự hỏi đâu là cuốn sách vừa ý nhất của mình? Viết sao cho đối tượng chính mà mình theo đuổi? Một tác phẩm cho thiếu nhi ở thế kỉ 21 phải như thế nào?”. Và rồi Thy Ngọc nhẩn nha tự trả lời: “Niềm vui của người sáng tác là tác phẩm. Người sáng tác chỉ thật sự vui khi tác phẩm của mình giúp ích được cho đời. Không tính tháng tính năm cho việc sáng tạo ra một tác phẩm, nếu như tác phẩm ấy sẽ sống đời đời. Tuy nhiên, đừng quên những tác phẩm xuất thần, sự có mặt tưởng chừng dễ dàng, chóng vánh lại âm ỉ trước đó từ lâu”. Nhiều kinh nghiệm viết văn làm thơ của ông còn giữ mãi giá trị thực tiễn đối với những người cầm bút hôm nay!


Trong Tuyển tập truyện viết cho thiếu nhi từ sau Cách mạng tháng Tám, do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, tái bản lần thứ 4 năm 2003, mục đích nhằm giúp các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở có thêm tài liệu tham khảo để học tốt hơn môn Văn và môn Tiếng Việt, tác giả Thy Ngọc được chọn 2 truyện ngắn: “Đôi cánh của Ngựa Trắng” và “Mùa xuân là của chúng ta”. Truyện nào cũng hấp dẫn, ý tưởng sâu sắc, tính giáo dục rất cao, lại phù hợp với tâm sinh lí tuổi thơ. Chú Ngựa Trắng một lần không vâng lời mẹ nên đã gặp nạn. Chưa từng đi xa, thiếu từng trải nhưng lại may có Đại Bàng giúp. Ngựa Trắng mơ ước có được đôi cánh, bèn đi tìm cánh cho nhanh. Hành trình đầy hiểm nguy. Nhờ có bạn tốt là Đại Bàng không bỏ bạn dọc đường khi gặp nạn, cuối cùng Đại Bàng đã tặng cho chú ngựa con món quà đầy bất ngờ: đôi cánh! Mà đó chính là bộ vó của chú ta. Thế đấy, trên đời ai cũng có một “đôi cánh” tượng trưng cho sức mạnh, nghị lực, tài năng của mình. Muốn tìm được nó thì phải có ước mơ, có ý chí, học tập và rèn luyện kiên trì...

Còn truyện “Mùa xuân là của chúng ta” là lời nhắn nhủ của nhà văn vơi tuổi thơ bài học về lòng nhân ái, tình đoàn kết. Trí thông minh, sự đồng lòng của các con vật hiền lành đã làm nên chiến thắng, khiến những kẻ ác độc phải một phen nhớ đời...

Thật dễ hiểu, trong số nhiều giải thưởng, tặng thưởng văn học trao cho nhà văn Thy Ngọc, năm 1987, ông được Bộ Giáo dục tặng bằng khen vì đã có nhiều sáng tác tốt phục vụ sự nghiệp giáo dục thiếu nhi. Cùng với nhiều tên tuổi quen biết khác như Tô Hoài, Đoàn Giỏi, Võ Hồng, Kim Lân, Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Vũ Tú Nam, Phong Thu, Nguyễn Đức Hiền, Lê Vân, Hà Ân, Nguyễn Thi, Xuân Quỳnh, Duy Khán, Trần Hoài Dương, Thanh Tịnh, Lê Phương Liên... nhà văn Thy Ngọc là một gương mặt sáng giá trong thế giới văn hóa đọc của tuổi thơ nước nhà nhiều thập kỉ qua.

Sinh năm 1925, quê ở Cửa Ông, tỉnh Quảng Ninh, nhà văn Thy Ngọc qua đời ngày 23 tháng 12 năm 2012 tại Hà Nội. 87 năm tuổi đời thì ông đã có đến 70 năm tuổi nghề, thuộc lớp nhà văn có may mắn có mối quan hệ, thân quen với cả các cây đại thụ như Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng... thời trẻ. Ngay sau khi nhà văn Thy Ngọc mất, anh Nguyễn Huy Thắng, hiện công tác tại Nhà xuất bản Kim Đồng, là con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, có viết: “Thy Ngọc thuộc số ít các nhà văn tiền chiến sống và viết bền bỉ nhất, cho tới lúc đi xa”. Một đánh giá đầy trân trọng như thế, thiết tưởng không phải người cầm bút nào cũng nhận được!


Kim Hùng