Đoàn 6 Nghệ An trong đoàn 773

16/04/2013 16:44

(Baonghean) - Từ yêu cầu và từ thực tế của chiến trường Tây Nguyên, cách đây 40 năm, đoàn 773 - một loại hình tổ chức mới của quân đội ta: Quân – dân kết hợp trong một đơn vị quân đội, được thành lập.

Đoàn 773 do đồng chí Trần Kiên, Ủy viên Thường vụ Đảng bộ Liên khu 5 làm tư lệnh. Lực lượng của 773 gồm một số tiểu đoàn quân đội chính quy và các lực lượng dân sự, gồm cán bộ các ngành Dân – Chính – Đảng, cán bộ kỹ thuật, cán bộ kinh tế, công nhân… Đoàn 773 gồm 3 chức năng: Bảo vệ vùng giải phóng, xây dựng chính quyền vùng giải phóng, tiếp quản và tổ chức sản xuất (cả nông, công nghiệp) đảm bảo hậu cần tại chỗ, tạo điều kiện để các lực lượng quân đội ở tuyến trước rảnh tay tập trung sức mạnh tấn công tiếp tục đánh địch để mở rộng vùng giải phóng trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Cuối năm 1974, theo lệnh của Hội đồng chi viện chiến trường do đồng chí Phạm Văn Đồng làm chủ tịch, một số tỉnh ở miền Bắc trong đó có Nghệ An đã thành lập các đoàn theo mô hình 773. Đoàn 6 Nghệ An ra đời với 1.600 thanh niên nam, nữ được gọi theo chế độ nghĩa vụ quân sự và 200 cán bộ Dân – Chính – Đảng, cán bộ kỹ thuật, cán bộ kinh tế, công nhân các ngành… được điều động theo chế độ biệt phái vào quân đội. Đoàn 6 Nghệ An cùng các đoàn của các tỉnh khác được lệnh vào Tây Nguyên vào các tháng 4, 5, 6 của năm 1975 bổ sung lực lượng lớn cho Đoàn 773.

Sau khi tiếp nhận lực lượng lớn từ miền Bắc vào, Đoàn 773 phiên chế lực lượng với trên 20 trung đoàn đóng quân trên địa bàn các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Thuận Hải. Đoàn 6 Nghệ An chính thức mang phiên hiệu Trung đoàn 754 (E 754).

Địa bàn E. 754 được giao đóng quân là vùng đất cực Đông thuộc huyên Khánh Dương – sau này lấy lại tên cũ Ma đrắc, của tỉnh Đắk Lắk. Về mặt quân sự, đây là vị trí trọng yếu chốt phía Tây của đèo Phượng Hoàng trên Quốc lộ 21 nối Ninh Hòa (Khánh Hòa) với Buôn Mê Thuật (Đắk Lắk), chốt đường sông Hinh – Tuy Hòa và đường Mađrắc về Lâm Đồng. Về kinh tế, đây là vùng đất xác xơ, nghèo kiệt nhất của Đắk Lắk nên được coi là vùng đất “khó gặm”. Cả một vùng mênh mông vùng đồi này tiếp đồi kia chỉ có cỏ tranh và lau lách. Về mùa khô, những đồi tranh chẳng khác gì những cái đầu bạc thếch, già cỗi và xơ xác.



Bộ đội ta làm chủ các mục tiêu ở Thị xã Buôn Ma Thuật ngày 11/3/1975. - Ảnh tư liệu

Chân ướt chân ráo đặt chân nơi đóng quân, ngay lập tức vừa bắt tay xây dựng nơi ăn, chỗ ở vừa tổ chức lực lượng cùng lực lượng quân sự huyện truy quét tàn quân Fulro đang hoạt động ở vùng giáp ranh 3 tỉnh: Đắk Lắk, Phú Yên, Lâm Đồng. Các tiểu đội chiến đấu của Trung đoàn đã có các trận đánh với hiệu suất chiến đấu cao, được trên tặng thưởng Huân chương Chiến công.

E.754 là Trung đoàn duy nhất trong các trung đoàn đóng quân ở Đắc Lắc lập được chiến công truy quét Fulro. Một thời gian sau, khi chiến tranh biên giới Tây – Nam nổ ra, gần 200 sỹ quan, chiến sỹ ưu tú nhất của trung đoàn được bổ sung cho các đơn vị chiến đấu trên chiến trường Đông Bắc Campuchia (chiến trường do Quân khu 5 đảm nhiệm). Nhiều đồng chí đã hy sinh, nhiều đồng chí đã trưởng thành được phong quân hàm Úy – Tá của quân đội nhân dân Việt Nam (một số đồng chí được phong quân hàm Đại tá). Trung đoàn 754 được ghi nhận là lá cờ đầu của Đoàn 733, sau này là của Sư đoàn 333, trong nhiệm vụ chiến đấu để thực hiện chức năng bảo vệ vùng mới giải phóng.

Về nhiệm vụ xây dựng kinh tế, Trung đoàn tiếp quản khoảng 20 ha mía, đồng thời bắt tay vào khai hoang trồng lúa, trồng sắn, trồng dứa, rồi nhận thêm các nhiệm vụ chăn nuôi bò, lợn, làm gạch, nung vôi… Thời gian đầu, cả sư đoàn mày mò tìm cây trồng chính cho vùng đất mới khai hoang. Với bất cứ loại cây trồng nào, sư đoàn cũng giao cho Trung đoàn 754 làm thử, làm trước. Về sau, khi cả sư đoàn chuyển thành liên hiệp Nông – Công nghiệp trực thuộc Bộ Nông trường thời đó, sau là Bộ Nông nghiệp, thì 2 cây chủ lực được khẳng định là mía và cà phê, trong đó chủ yếu là cà phê chè. Vùng đất trung đoàn đóng quân khai phá cuối cùng thành 3 nông trường cà phê. Từ 3 nông trường làm hạt nhân thu hút đồng bào dân tộc tại chỗ và lao động các tỉnh ở miền Bắc vào để hình thành nên 3 xã của huyện Mađrắc.

Đội ngũ cán bộ của E.754, nhiều nhất là cán bộ dân sự, không chỉ hoàn thành các nhiệm vụ của trên giao, mà còn là nguồn cán bộ bổ sung cho một số đơn vị bạn và tăng cường cho các cơ quan của Sư đoàn 333. Có đồng chí lúc ở trung đoàn là trưởng ban cơ khí, sau này đã trở thàng Tổng giám đốc của liên hiệp khi sư đoàn chuyển sang liên hiệp Nông – Công nghiệp. Nhiều đồng chí trở thành cán bộ cốt cán của liên hiệp. Thực hiện lời dặn dò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trung đoàn chăm lo việc học tập văn hóa cho chiến sỹ, nhất là chiến sỹ nữ nên sau này, nhiều chiến sỹ của trung đoàn được gửi đi đào tạo các ngành chuyên môn để trở thành cán bộ của các huyện: Đắk Lắk, Buôn Mê Thuột, Nha Trang, Đà Lạt… và cả ở các cơ quan của Bộ Tư lệnh Quân khu V.

Vậy đó, “lính Nghệ” gái trai của Đoàn 6 Nghệ An của 754 và sau này là của 715 đã làm tròn lời hứa với Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, đã không phụ lòng tin cậy của cấp trên khi hành quân vào Tây Nguyên làm nhiệm vụ. Thế nên, bài hát của Trung đoàn 6 của 754 được mở đầu với lời ca “Ta là chiến sỹ Trung đoàn 754. Những con em của quê hương Xô viết nối tiếp chiến công của cha anh thuở trước, khí thế hào hùng đi xây đắp miền Nam…”.


Trương Công Anh