Thanh Chương: Bệnh thán thư xuất hiện trên cây chè

18/03/2013 18:40

(Baonghean) - Hơn 60 ha chè tại huyện Thanh Chương đang đối diện với nguy cơ giảm năng suất và chết dần do mắc phải bệnh thán thư. Trong thời gian tới, bệnh được dự báo là sẽ phát triển mạnh, nhưng hầu hết người trồng chè chưa có ý thức phòng trừ để đạt hiệu quả cao.

Trên nhiều diện tích trồng chè tại địa bàn huyện Thanh Chương, bệnh thán thư ngày càng phổ biến trên nhiều giống chè PH1, LDP1, LDP2. Theo số liệu tổng hợp từ trạm BVTV, diện tích nhiễm bệnh trên toàn huyện là hơn 60 ha. Trong đó, số diện tích nhiễm nhẹ là 45,7 ha; nhiễm trung bình là 10 ha và nhiễm nặng là 4,5 ha. Một số diện tích đã bị chết cục bộ, phải trồng dặm, tập trung tại các xã Thanh Mai, Thanh Hương, Thanh Thịnh, Thanh Thủy, Thanh Đức …



Chăm sóc chè ở Thanh Mai.

Bệnh thán thư xuất hiện từ năm 2009 và lan rộng hầu hết trên các vùng trồng chè của tỉnh. Bệnh do nấm gây ra và phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao và khi cây ra búp, lá non nhiều. Khi bị bệnh, trên lá chè tạo thành các đốm màu nâu, khô, hình hơi tròn, làm khô cháy lá và rụng, cây sinh trưởng kém.

Chị Nguyễn Thị Lý ở xóm 15, xã Thanh Mai cho biết: Cách đây khoảng một tháng, một số cây chè trong vườn lá bị cháy và rụng, gia đình vẫn nghĩ là bình thường nên cứ để như vậy. Nhưng rồi, nhiều cây chè khác cũng bị tình trạng tương tự, có cây chết đứng. Lo lắng, đi hỏi nhiều người dân xung quanh thì biết được cây chè đang mắc bệnh thán thư, đi mua thuốc về phun nhưng không thấy bệnh giảm đi. Nhà chị Lý có gần 1 ha chè thì trong đó đã có khoảng gần 1 sào chè có hiện tượng bị chết và đang có dấu hiệu lây lan.

Trong khi bệnh đang ngày càng lây lan ra diện rộng và ảnh hưởng đến năng suất chè, thì công tác phòng trừ vẫn còn rất nhiều hạn chế. Xã Thanh Mai hiện có khoảng 9,5 ha trên tổng diện tích 450 ha chè bị nhiễm bệnh thán thư. Trong đó, có 2 ha nhiễm nặng và gây chết nên người dân đã tiến hành trồng dặm lại. Người dân xã Thanh Mai vẫn chưa có một biện pháp nào để ngăn chặn diễn biến của bệnh. Ông Trần Quốc Việt, cán bộ khuyến nông xã cho biết: Bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Đây không phải là lần đầu bệnh thán thư xuất hiện trên cây chè trên địa bàn xã, nên người dân không còn lạ lẫm. Một số người đã tiến hành đi mua thuốc về nhưng do phun không đúng thuốc nên không hiệu quả.

Tại xã Thanh Thịnh, trong tổng diện tích 222,5 ha của toàn xã thì diện tích chè bị nhiễm bệnh là 6 ha. Nhiều hộ trồng chè vẫn chủ quan và bỏ mặc. Đặc tính của bệnh là không gây chết liền mà khiến cho cây chè chết từ từ đã dẫn đến tâm lý chủ quan đối với những hộ trồng chè.

Dự báo trong thời gian tới, thời tiết chuyển mùa có mưa rào, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển mạnh. Bên cạnh đó, cây chè đang chuẩn bị thu hoạch, người dân thường sử dụng máy hái chè nên sẽ tạo nhiều vết thương cơ giới trên cây khiến cho bệnh dễ phát sinh gây hại và lan ra diện rộng. Tình trạng cây chè nhiễm bệnh thán thư đã ở mức “báo động”. Vì thế, vào ngày 11/3, UBND huyện đã tổ chức một cuộc hội thảo để lắng nghe những ý kiến đóng góp và kiến nghị của các địa phương có diện tích chè bị nhiễm bệnh. Tại cuộc hội thảo, đại diện các xã đều chưa đưa ra một biện pháp nào hữu ích và đều mong ngành Nông nghiệp tổ chức các buổi tập huấn để tuyên truyền cho người dân về biện pháp phòng trừ bệnh.

Thán thư là bệnh rất nguy hiểm và khiến năng suất chè giảm mạnh, gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân. Trong thời gian tới, các hộ trồng chè cần thực hiện các biện pháp như tạo tán, tỉa cành, chăm bón đầy đủ và vệ sinh vườn cây để giúp cây sinh trưởng tốt, tăng sức chống chịu bệnh và góp phần hạn chế sự phát triển của bệnh. Bên cạnh đó, trạm BVTV sẽ tập huấn cho người dân sử dụng các loại thuốc như: Carbendar super 50SC, Cavil 50SC, Carban 50SC, chế phẩm phân bón qua lá như Growmore.


Phạm Bằng