Bài 1: Những chàng trai quê biển
(Baonghean) LTS: Vậy là đã 25 năm trôi qua, kể từ ngày xẩy ra sự kiện trên đảo Gạc Ma (14/3/1988), ngày 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam ngã xuống dưới họng súng của quân xâm lược Trung Quốc. Trong số họ, có 8 người con ưu tú của mảnh đất Nghệ An. Mỗi người một hoàn cảnh, họ có một điểm chung là tinh thần xả thân vì sự tồn vong của đất nước, sẵn sàng đánh đổi tuổi thanh xuân để khẳng định một chân lý vĩnh hằng: Trường Sa là máu thịt của Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm cuộc Hải chiến bảo vệ Trường Sa và 82 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo Nghệ An xin giới thiệu bài viết về tinh thần xả thân và hoàn cảnh gia đình của một số liệt sỹ quê hương Nghệ An hy sinh trong trận chiến Gạc Ma năm ấy...
Bài 1: Những chàng trai quê biển
Chúng tôi tìm về Nghi Yên và Nghi Tiến thuộc huyện Nghi Lộc, vào một ngày giữa tháng 3, khi ruộng lúa, vườn lạc đang xanh tươi mơn mởn. Cảnh yên bình, thanh đạm của vùng quê ven biển này hiện hữu qua từng cánh đồng, làng mạc, con đường và những mái ngói rêu phong. Nơi đây là quê hương của Đậu Xuân Tư và Hồ Văn Nuôi, hai chàng trai trẻ đã ngã xuống ngoài khơi xa để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.
Mẹ già mờ mắt thương con
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tình nghĩa do Tập đoàn Việt Xô Pê-tơ-rô trao tặng, ông Đậu Xuân Thuốt (91 tuổi) và bà Nguyễn Thị Nhơn (82 tuổi) - cha mẹ của Liệt sỹ Đậu Xuân Tư không ngăn nổi những giọt nước mắt lăn tròn trên khuôn mặt già nua. Sống với nhau đã trên 50 năm, ông bà sinh được 5 người con cả trai lẫn gái, nay chỉ còn lại người con trái út. Hai người là liệt sỹ (ngoài anh Tư còn có anh Đậu Xuân Chân hy sinh năm 1972 tại mặt trận phía Nam), còn hai người khác mất do ốm đau và tai nạn. Kể chuyện về anh Tư, bà Nhơn không dấu được nỗi ngậm ngùi: “Nó là đứa con thứ 4, vợ chồng tôi đặt luôn tên Tư. Lúc nó còn nhỏ, cuộc sống gia đình vất vả, nghèo khó lắm. Thương bố mẹ, thằng Tư xin nghỉ học sớm để đỡ đần công việc gia đình. Năm 1985, khi vừa tròn 20 tuổi, nó lên đường nhập ngũ, nghe đâu đơn vị nó đóng tận ngoài Hải Phòng”.
Ông Thuốt, bà Nhơn bên kỷ vật con trai (Liệt sỹ Đậu Xuân Tư).
Trong những lá thư gửi về thăm nhà, anh Đậu Xuân Tư cho biết mình được bổ sung vào Quân chủng Hải quân, thường xuyên huấn luyện và luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trong đơn vị, anh được cấp trên và đồng đôi yêu mến vì bản tính chân thành, cởi mở. Và anh đã cố gắng phấn đấu hết mình để sau 3 năm thực hiện nghĩa vụ sẽ được chuyển lên quân nhân chuyên nghiệp. Bức thư cuối cùng, anh Tư gửi ông Thuốt, bà Nhơn nhận được vào dịp đầu năm 1988, không phải do bưu tá chuyển về mà từ tay của một người ở xóm bên cạnh. Người ấy cho biết lúc sáng dong trâu ra đồng, qua Quốc lộ 1A nhặt được bức thư này liền đem đến cho ông bà. Do tuổi thơ nghèo khó, không được cắp sách đến trường nên vợ chồng ông Thuốt không biết chữ, phải nhờ một người hàng xóm đọc thư. Qua thư, người con trai Đậu Xuân Tư cho biết là anh sắp được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, có khả năng được phục vụ lâu dài trong quân ngũ. Lần này, do tình hình phức tạp nên đơn vị anh được lệnh cơ động vào khu vực phía Nam sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Thời gian gấp gáp, anh không thể thu xếp về thăm nhà, trên đường hành quân vào phía Nam, anh tranh thủ ghi mấy dòng và chờ xe đi qua địa bàn xã Nghi Yên để thả xuống, mong ai đó nhặt được sẽ chuyển đến tay bố mẹ mình. “Suốt 3 năm trong quân ngũ, thằng Tư không về thăm gia đình lần nào, chỉ gửi về mấy bức thư thăm hỏi”- bà Nhơn nói trong nước mắt.
Mấy tháng sau, gia đình ông Thuốt như nghe tiếng sét đánh ngang tai khi hay tin anh Đậu Xuân Tư đã hy sinh ở quần đảo Trường Sa, trong một cuộc đối đầu với quân xâm lược Trung Quốc. Ông Thuốt trở nên đờ đẫn, rồi ốm thập tử nhất sinh. Còn bà Nhơn - người dứt ruột đẻ ra anh Tư khóc tưởng chừng cạn nước mắt. Nỗi đau này quá lớn, quá sức chịu đựng của một người mẹ, bởi trước đó một người con của bà đã hy sinh, hai người khác cũng đã chết vì tai nạn và đau ốm. Tưởng chừng quỵ ngã, nhưng rồi thương chồng đang đau ốm, con trai út là Đậu Xuân Chương đang nhỏ dại, bà Nhơn phải gượng lên. Hơn nữa, bà ý thức được, anh Chân và anh Tư đã hy sinh vì độc lập tự do và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nên phải gắng sống. Nỗi đau của người mẹ mất con dồn nén và đọng thành những giọt nước mắt theo từng năm tháng, và do khóc nhiều nên đôi mắt bà Nhơn đã lòa dần. Đến nay, sau 25 năm khóc thương con, đôi mắt người mẹ đã không còn nhận diện được nguồn ánh sáng.
Về cuối đời, nỗi đau của ông Thuốt, bà Nhơn phần nào được an ủi và vơi đi chút ít khi vào năm 2009, gia đình nhận được biên bản giám định hài cốt liệt sỹ. Trong đó có đoạn: “Ngày 10/8/2008, Quân chủng Hải quân phát hiện một xác tàu vận tải quân sự bị đắm ở khu vực quần đảo Trường Sa chìm ở độ sâu 21m, cách phía Nam đảo Cô lin của ta 3,72 hải lý và cách phía Tây đảo Gạc Ma do Trung Quốc chiếm giữ trái phép 1 hải lý. Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhận định xác tàu vận tải quân sự bị đắm nói trên là tàu HQ-604 của Lữ đoàn 125 Hải quân đã bị chìm trong cuộc chiến đấu với Hải quân Trung Quốc ngày 14/3/1988. Trong tổng số 56 liệt sỹ hy sinh trên tàu HQ-604 khi tàu bị chìm chưa kịp thoát ra ngoài nên hài cốt còn lại trong tàu...”. Và biên bản giám định kết luận: “Từ kết quả giám định hình thái và giám định gen, chúng tôi đi tới kết luận: Các mẫu xương mang ký hiệu S3, TL2 là hài cốt của liệt sỹ Đậu Xuân Tư”.
Và người cha ngỡ... hóa đá
Rời xã Nghi Yên, chúng tôi men theo dãy núi ven biển, qua khu du lịch sinh thái Bãi Lữ đến xóm 10, xã Nghi Tiến, quê hương của Liệt sỹ Hồ Văn Nuôi. Sống một mình trong ngôi nhà tình nghĩa, dù đã bước qua độ tuổi 80, bà Lưu Thị Linh (mẹ liệt sỹ Hồ Văn Nuôi) vẫn tự lo liệu được cuộc sống của mình. Bà có 7 người con, anh Nuôi là con thứ 5 trong gia đình. Những người còn lại hầu hết đều lấy chồng, lấy vợ và lập nghiệp ở phương xa. Anh Hồ Văn Hoan (con út) sống gần bà. So với vợ chồng ông Đậu Xuân Thuốt và bà Nguyễn Thị Nhơn, cuộc sống của bà Linh có phần đỡ vất vả, nhọc nhằn hơn. Nhưng từ trong đáy sâu của đôi mắt, nỗi đau 25 năm qua dường như không bao giờ vơi cạn.
Bà Lưu Thị Linh (mẹ Liệt sỹ Hồ Văn Nuôi).
Cố ngăn những giọt nước mắt, bà Linh kể: “Thằng Nuôi sinh năm 1967, vừa nghỉ học được mấy lâu để đi biển, giúp đỡ bố mẹ nuôi em ăn học thì có giấy gọi lên đường nhập ngũ. Năm đó, nó đúng 18 tuổi. Dù nó thế nào thì trong mắt tôi vẫn luôn là một đứa trẻ. Thời gian trong quân ngũ, thằng Nuôi có về phép một lần để giúp bố mẹ sửa lại mái ngói, trồng thêm cây sau vườn. Hết phép, nó từ biệt gia đình để trở lại đơn vị, không ngờ lần đó nó ra đi mãi mãi...”. Và cũng như 63 ông bố, bà mẹ khác có con hy sinh trong trận Hải chiến Trường Sa (ngày 14/3/1988), vợ chồng ông Hồ Văn Thịnh và bà Lưu Thị Linh không thể tin nổi khi cầm trên tay tờ giấy báo tử. Nỗi nhớ thương con đã khiến ông Thịnh gần như mất trí. Đang làm cán bộ địa phương, ông nghỉ việc và cứ lang thang dọc bờ biển. Ai gặp và chuyện, ông chỉ có đúng một câu trả lời: “Đi tìm thằng Nuôi”. Trở về, người bố ấy đã lục tung khắp nhà để tìm những kỷ vật của con trai mình, nào áo quần, sách vở, thư từ chất thành một đống và đốt sạch. Theo ông thì “đốt để gọi thằng Nuôi về”.
Vào những buổi chiều biển động, gió thổi ầm ào, muôn nghìn con sóng tung lên như giận dữ, ông Thịnh lại chạy ra bờ biển gào tên con: “Nuôi ơi! Về đi con, biển động rồi!”. Tiếng gọi ấy bị sóng gió át đi, ông lại leo lên vách núi, ngồi trên mỏm đá dõi về phía khơi xa. Có lúc, người dân Nghi Tiến ngỡ rằng người bố ấy đã hóa đá. Một ngày, ông Thịnh nói với vợ và các con: “Thằng Nuôi đang ở xa, tôi phải đi tìm nó”. Cứ tưởng bình thường như mọi ngày nên bà Linh và các con không ngăn cản. Nào ngờ, tối không thấy ông về, mấy ngày sau vẫn vậy. Cả gia đình nháo nhác đi tìm khắp nơi nhưng bặt vô âm tín. Một thời gian sau mới tìm thấy ông đang đi lang thang ở Qùy Châu, một mực không chịu về nhà, vì “Chưa tìm được thằng Nuôi”. Nỗi đau mất con và nắng gió cuộc đời đã làm tấm thân ông trở nên tiều tụy, sức tàn lực kiệt và ngã gục . Ông Thịnh mất ở Qùy Châu năm 1992, sau 4 năm lang thang khắp nơi mọi chốn để tìm người con đã hóa thân nơi biển cả bao la.
Trước tình cảnh ấy, bà Linh xác định phải kìm nén nỗi đau để tiếp tục sống và gánh vác việc gia đình. Hàng ngày, bà âm thầm với công việc ruộng đồng, mặc cho nắng cháy mùa Hạ, gió rét mùa Đông. Những lúc nỗi thương con như cồn cào trong gan ruột, bà lại một mình lặng lẽ đi dọc theo bãi biển, nơi anh Nuôi thường theo mẹ giã giặt giũ thời ấu thơ, nơi bà thường ra đón anh sau mỗi chuyến đi biển trở về. Những lúc khắp người đau nhức, đầu óc quay cuồng tưởng như sẽ gục ngã, bà vẫn gắng gượng để sống, sống để đợi chờ một điều gì đó. Điều đó bà không nhận diện được, vì nó rất đỗi mông lung và mơ hồ. Và rồi, một ngày vào năm 2009, bà nhận được biên bản giám định hài cốt liệt sỹ kết luận: “Mẫu xương mang ký hiệu S11 là hài cốt của liệt sỹ Hồ Văn Nuôi”. Sau đó, hài cốt anh Nuôi được đưa về an táng tại nghĩa tang quê nhà. Lúc này, bà Linh mới nhận thấy được rằng đây chính là điều bao năm nay bà gắng sống để chờ đợi. “Thằng Nuôi hy sinh để bảo vệ biển trời đất nước, người mẹ nào chẳng đau đớn khi mất con, nhưng tôi vẫn rất tự hào vì đã sinh ra nó”- bà Linh chia sẻ.
Theo chân bà Linh đi dọc bờ biển, biển mùa này lặng sóng, chúng tôi vẫn cảm nhận được từng con sóng trong lòng bà Linh, bà Nhơn, ông Thuốt và cả con sóng trong lòng mình. Chợt đau đáu nhớ tới câu thơ của Nguyễn Việt Chiến: “Trong hồn người có ngọn sóng nào không?”.
Công Kiên