Thiếu điện cho sản xuất công nghiệp

06/05/2013 18:48

(Baonghean) - Phát triển Khu công nghiệp - Cụm công nghiệp tại Nghĩa Đàn rất khó khăn do hạ tầng còn nhiều bất cập, nhất là nguồn điện sản xuất không đảm bảo cho các nhà máy đã hoạt động ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), Cụm Công nghiệp trên địa bàn theo quy hoạch.

Huyện Nghĩa Đàn hiện có 2 KCN, cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch, triển khai xây dựng, thu hút đầu tư: KCN Nghĩa Đàn đóng tại xã Nghĩa Hội có diện tích 250 ha, hiện đang GPMB để xây dựng Nhà máy ván sợi MDF của Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm do Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam quản lý, và Cụm Công nghiệp Nghĩa Long (tại xã Nghĩa Long) do huyện quản lý.

Cụm công nghiệp Nghĩa Long có diện tích quy hoạch 25 ha với vị trí địa lý thuận lợi giao thông (ven đường Hồ Chí Minh) nên mặc dù cơ sở hạ tầng theo quy hoạch phê duyệt mới chỉ có 2 hạng mục được đầu tư xây dựng sơ bộ: đường vào và hệ thống sơ bộ khu xử lý thoát nước thải với tổng số chi phí đầu tư mới chỉ có 6,5 tỷ đồng/93 tỷ đồng theo phê duyệt, nhưng hiện nay đã có 2 doanh nghiệp đầu tư đi vào sản xuất: Công ty Phượng Nguyên sản xuất cán chổi sơn, gỗ ép và Công ty CP Khoáng sản Toàn Cầu chế biến đá siêu mịn xuất khẩu.

Đối với Công ty CP Khoáng sản Toàn Cầu xây dựng nhà máy chế biến đá siêu mịn xuất khẩu trên diện tích hơn 3 ha, công ty đã đầu tư 2 dây chuyền chế biến 54.000 tấn/năm, giải quyết việc làm cho gần 70 lao động địa phương. Việc đầu tư dự án của Công ty CP Khoáng sản Toàn Cầu rất nhanh, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm kể từ khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, công ty đã hoàn thiện mặt bằng, lắp đặt máy móc và đi vào sản xuất đồng thời 2 dây chuyền tạo khí thế mới cho doanh nghiệp cũng như cụm công nghiệp.

Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp này từ khi đi vào sản xuất tại KCN Nghĩa Long là hệ thống điện không đảm bảo cho sản xuất. Do chưa có đường điện sản xuất riêng phục vụ cho cụm công nghiệp nên Công ty CP Khoáng sản Toàn Cầu cũng như các doanh nghiệp khác trong và ngoài KCN phải đấu nối chung với đường điện 10KV của xã, nên vào những giờ cao điểm thường xẩy ra hiện tượng tụt áp. Ông Lê Quốc Khánh - Giám đốc công ty cho biết: Kế hoạch HĐQT đã thông qua sẽ tiếp tục thuê đất trong cụm công nghiệp đầu tư tại đây 2 dây chuyền sản xuất hạt nhựa và bao bì với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng và sẽ tạo việc làm cho khoảng 500 lao động, tuy nhiên thực trạng hệ thống điện như thế này đang cản trở việc chậm tiến độ đầu tư của tổng công ty. Cũng theo báo cáo của Công ty CP Khoáng sản Toàn Cầu, hiện nay lượng điện tiêu thụ của nhà máy tương đối lớn khoảng 1.300 - 1.400KW/h, do vậy, giải pháp nhà máy đang áp dụng thực hiện đó là phải bố trí sản xuất theo ca, tránh giờ cao điểm.



Đóng gói sản phẩm tại Công ty CP Khoáng sản Toàn Cầu.
Ảnh: Sỹ Minh

Việc điện sản xuất không đảm bảo không những gây khó khăn cho các doanh nghiệp phía trong Cụm công nghiệp Nghĩa Long, mà còn kể cả doanh nghiệp phía ngoài. Nhà máy chế biến tinh bột sắn Sơn Long công suất 60 tấn sản phẩm tinh bột/ngày, mỗi năm chế biến 7 tháng, có chi phí điện năng tiêu thụ lớn, mỗi tháng trên 500 triệu đồng. Để ổn định nguồn điện sản xuất, Nhà máy Sơn Long đã sử dụng đồng thời 2 trạm biến áp: 250 KVA và 400 KVA, song do đầu vào là đường dây 10KV nên thường xuyên tụt áp vào lúc cao điểm và ảnh hưởng đến tuổi thọ các thiết bị tiêu thụ điện. Nhà máy cũng đã chia ca sản xuất, tranh thủ sản xuất vào lúc thấp điểm…

Tình trạng điện sản xuất không đảm bảo gây khó khăn trong sản xuất của doanh nghiệp đó là tình trạng chung của các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn như Nhà máy cán tôn, Nhà máy gạch tuynel Nghĩa Lộc… Nguyên nhân là do KCN cũng như các cơ sở sản xuất chưa có hệ thống nguồn điện riêng buộc phải sử dụng nguồn 10 KV chung với điện sinh hoạt của xã, việc tăng phụ tải, khi xây dựng hệ thống điện này chưa quy hoạch điện cho các cơ sở sản xuất, đặc biệt là nguồn điện cho cụm công nghiệp, do vậy sự bất cập là điều hiển nhiên. Việc không đảm bảo nguồn điện cho sản xuất không những ảnh hưởng trực tiếp cho các cơ sở đang sản xuất tại tại KCN Nghĩa Long và vùng phụ cận còn mất cơ hội của các nhà đầu tư khi khảo sát đầu tư vào cụm công nghiệp.

Trước tình trạng điện sản xuất không đảm bảo cho phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn, UBND huyện Nghĩa Đàn đã có tờ trình gửi UBND tỉnh và Điện lực Nghệ An đề nghị xây dựng tuyến điện riêng vào cụm công nghiệp Nghĩa Long. Theo báo cáo của Phòng Công Thương Nghĩa Đàn: EVN đã có khảo sát tuyến và phương án được xác định đó là kéo đường dây 35KV từ Nghĩa Khánh sang. Tuy nhiên, từ khảo sát tuyến và các bước tiếp theo tiến độ rất chậm, hầu như chưa có động thái gì hơn. Việc chậm tiến độ đầu tư đường dây điện 35KV vào cụm công nghiệp Nghĩa Long đồng nghĩa với việc một loạt các doanh nghiệp trong và ngoài cụm công nghiệp đang đối mặt với thực trạng thiếu điện sản xuất, ảnh hưởng đến những điều kiện thiết yếu trong thu hút đầu tư vào địa bàn. Do vậy, xây dựng hệ thống điện riêng phục vụ sản xuất tại Cụm công nghiệp Nghĩa Long là rất cần thiết để Nghĩa Đàn đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư.


Hồng Sơn