Tạo sự minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai

16/04/2013 15:36

(Baonghean) - Hiện nay việc góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Chính phủ triển khai trên toàn quốc, PV Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Trọng Hải -Trưởng văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự về vấn đề này.

PV:Xin ông cho biết những nét cơ bản của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi 2013?

Luật sư Nguyễn Trọng Hải: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm 14 chương và 206 điều, so với Luật Đất đai hiện hành, dự thảo có rất nhiều điểm mới: quy định rõ ràng, cụ thể hơn về quyền, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, thống nhất quản lý nhà nước đối với đất đai và các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp theo hướng mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; quy định riêng về chế độ sử dụng đất trồng lúa; tăng cường vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường, hạn chế các trường hợp được Nhà nước giao đất, cơ bản chuyển sang áp dụng hình thức thuê đất; thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất; thực hiện định giá đất theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước;

Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất; quy định khi xây dựng, mở rộng các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị cần phải quy hoạch và tổ chức thu hồi cả phần diện tích đất bên cạnh công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận; mở rộng các đối tượng thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê; quy định khung pháp lý về thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai, quyền tiếp cận thông tin đất đai; tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư… nhằm tạo sự minh bạch trong quản lý, sử dụng đất, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và góp phần làm giảm các khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai. Thiết lập sự bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.



Người dân ở xã Nghi Phú (TP Vinh) khiếu nại về việc đền bù đất đai.

P.V: Xung quanh nội dung sửa đổi Hiến pháp về Chế độ sở hữu đất đai, nhiều ý kiến kiến nghị nên quy định đất đai thuộc sở hữu tư nhân hoặc đa sở hữu. Ý kiến của ông về vấn đề này?

LS Nguyễn Trọng Hải: Lựa chọn chế độ sở hữu đất đai phải xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước. Sở hữu toàn dân hay đa sở hữu đều mang tính tương đối. Không có hình thức sở hữu nào ưu tuyệt đối. Ngay ở các nước chọn hình thức đa sở hữu, trong đó có sở hữu tư nhân thì vẫn có vai trò của Nhà nước quản lý, điều tiết. Những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay không nên quy cho gốc vấn đề là hình thức chế độ sở hữu nào. Tuy nhiên, khái niệm “sở hữu toàn dân” cần phải được làm rõ hơn. Quy định như hiện nay còn nặng về tính chính trị. Trong khoa học pháp lý, cần được làm rõ, cụ thể, phải phân biệt rõ quyền sở hữu giữa Nhà nước và người dân ra sao.

P.V: Với tư cách là một luật sư, ông đánh giá thế nào về những bất cập trong quản lý và sử dụng đất đai hiện nay?

LS Nguyễn Trọng Hải: Như tôi đã đề cập ở trên, cái gốc của những bất cập trong quản lý, sử dụng đất hiện nay không phải do hình thức sở hữu. Những bức xúc của người dân là việc giải phóng mặt bằng, đền bù giá thành thấp, tham nhũng trong quản lý đất đai. Cái chính ở đây không phải vấn đề sở hữu mà là quy định về quyền của người chủ sở hữu đất được giao sở hữu đất như một quyền tài sản. Pháp luật phải xử lý được những bất cập, hạn chế của pháp luật hiện nay trong hàng loạt vấn đề nóng như thu hồi đất, đền bù, GPMB, giá đất, chính sách tài chính về đất đai... cũng như làm rõ cơ chế quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai. Nếu làm tốt, tất cả những điều chỉnh đó sẽ giải quyết được tồn tại, bất cập hiện nay.

P.V: Những kiến nghị của ông về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi?

LS Nguyễn Trọng Hải: Về vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Luật Đất đai 2003 quy định thực hiện giải phóng mặt bằng thông qua phương thức thu hồi đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã dẫn đến nhiều bất cập và tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định. Vì vậy, thực hiện cùng một chính sách thì mới đảm bảo ổn định tình hình và đảm bảo được nguyên tắc định giá đất hạn chế các vấn đề tiêu cực, không công bằng do thỏa thuận.

Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật, Dự thảo Luật mới quy định thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai, cần bổ sung trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật khác (Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường...).

Về thẩm quyền thu hồi đất nên quy định thẩm quyền thu hồi đất đơn giản như Luật Đất đai 1993, đã được sửa đổi bổ sung năm 1998 và năm 2001: Cơ quan có thẩm quyền giao đất nào thì có thẩm quyền thu hồi đất đó, vừa thuận tiện, vừa đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Về giá đất bồi thường, cần quy định rõ về giá đất để tính bồi thường là giá đất xác định theo mục đích sử dụng đất được UBND cấp tỉnh quy định (trong bảng giá đất) hay giá đất được UBND tỉnh quyết định (xác định lại theo giá thị trường) tại thời điểm thu hồi. Nếu là giá đất được UBND cấp tỉnh quy định thì tương ứng với xây dựng Bảng giá đất theo phương án 1, nếu là giá đất được UBND cấp tỉnh quyết định thì tương ứng với việc xây dựng bảng giá đất theo phương án 2 như trong Điều 109.


Đức Chuyên (Thực hiện)