Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật đất đai (sửa đổi)
(Baonghean.vn) - Sáng nay 24/4, Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp Bộ Tài nguyên – Môi trường tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật đất đai (sửa đổi) ở 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Đinh Viết Hồng – phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phạm Văn Tấn – phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Tài nguyên – Môi trường báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia đóng góp vào dự thảo sửa đổi Luật đất đai của các tầng lớp nhân dân và giải trình một số vấn đề quan tâm. Tiếp đó đại biểu của các tỉnh, thành phố đã tham gia góp ý vào dự thảo luật bày tỏ mong muốn sớm ban hành Luật đất đai (sửa đổi) nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn đặt ra.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là không cần bắt buộc các địa phương có ý kiến của Chính phủ khi thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, bởi thực tế các địa phương đều đã có quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt, trong đó bao gồm cả diện tích đất lúa. Vì vậy chỉ nêu quy định khi có nhu cầu chuyển đổi mục đích đất lúa nằm ngoài quy hoạch sử dụng đất mới xin ý kiến của Chính phủ, nhằm tạo sự chủ động cho các địa phương.
Có đại biểu cho rằng không nên bỏ quy hoạch sử dụng đất cấp xã mà nên giữ nguyên như Luật đất đai năm 2003 đã quy định. Cần quy định phân cấp cụ thể cho cơ quan, tổ chức nào chịu trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện tái định cư. Đối với các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến đất đai nên quy định cho Chính phủ quy định đảm bảo phù hợp với từng giai đoạn, thích hợp với thực tiễn đặt ra mà không nên quy định trong Luật.
Các vấn đề liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác tái định cư đối với các dự án, công trình kinh tế - xã hội; đất đai là sở hữu của toàn dân và quyền của Nhà nước là quản lý quy hoạch về đất đai. Quy định rõ trường hợp nào Nhà nước quy định và trường hợp nào các doanh nghiệp tự thỏa thuận giá đền bù giải phóng mặt bằng khi thực hiện trưng dụng sử dụng đất của người dân. Quy đinh điều kiện các tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Về phía tỉnh Nghệ An cũng đã thể hiện trách nhiệm tham gia góp ý vào dự thảo xung quanh quy định việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất ở. Đó là Luật nên điều chỉnh linh hoạt, thu hồi bao nhiêu thì người dân được bồi thường bấy nhiêu, kể cả khi không bắt buộc di dời chỗ ở. Việc bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các gia đình có đất ở trước ngày 18/12/1980 cần điều chỉnh, nếu hộ nào có giấy tờ đầy đủ và trên giấy tờ đó có ghi cụ thể diện tích thì khi bị thu hồi sẽ được tính đúng bằng số đất đó; nếu không có giấy tờ thì sẽ được hưởng không quá 5 lần diện tích đất ở quy định ở địa phương.
Tin, ảnh: Minh Chi