Cần thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ
(Baonghean) - Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em trong cán bộ, hội viên. Hoạt động của hội đã tạo chuyển biến mạnh về nhận thức cũng như hành vi trong các tầng lớp phụ nữ, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này.
Theo đoàn công tác của Hội LHPN huyện Con Cuông vào xã Đôn Phục, địa bàn được xem là khó khăn của huyện Con Cuông và cũng là xã được các cấp hội quan tâm trong vấn đề tuyên truyền phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, chúng tôi gặp lại em Ngân Thị Ứng, một trong những trường hợp bị lừa bán sang Trung Quốc và được giải cứu trở về Việt Nam theo đường Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5/2012. So với ngày mới trở về, nay tinh thần của em đã ổn định. Ứng phấn khởi cho biết: Nhờ được kịp thời giải cứu mà em còn được về với gia đình, đó là điều hạnh phúc nhất. Hiện tại em ở nhà để giúp đỡ gia đình một thời gian, sau đó sẽ đăng ký học nghề để mong kiếm được việc làm ổn định”.
Bà Kha Thị Tím, Chủ tịch Hội LHPN huyện Con Cuông cho biết: Với đặc thù là địa bàn miền núi, trình độ dân trí còn thấp, việc làm thiếu ổn định, chị em tại các xã vùng sâu, vùng xa dễ trở thành đối tượng nhắm đến của những kẻ buôn bán người, vì vậy công tác tuyên truyền phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em được Hội Phụ nữ huyện thường xuyên chú trọng quan tâm. Mỗi năm ít nhất huyện tổ chức tuyên truyền từ 1-2 buổi/xã. Riêng địa bàn xã Đôn Phục, trong năm 2012 hội đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống mua bán người tại 7/7 thôn, bản, đồng thời thành lập 3 Câu lạc bộ "Lá chắn" với 2.578 thành viên tham gia.
Lớp may công nghiệp tại Trường Trung cấp nghề Yên Thành.
(Ảnh có tính minh họa)
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Ngay sau khi có kế hoạch hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em của Ban Chỉ đạo tỉnh và T.Ư Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm và chỉ đạo triển khai xuống các cấp hội, đồng thời chọn điểm chỉ đạo mô hình tuyên truyền phòng chống mua bán người ở một số huyện Con Cuông, Đô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Thông qua chương trình nhằm tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết 09/CP, Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, mua bán phụ nữ và trẻ em cho hội viên, phụ nữ để chị em đề cao ý thức cảnh giác đối với các loại tội phạm và chủ động phòng ngừa, tố giác tội phạm. Hội đã phối hợp với Ban Chính sách luật pháp T.Ư hội tổ chức thành công Hội thảo “Trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống mua, bán người”. Xây dựng các CLB, tủ sách, tổ chức các hội thi và tập huấn kỹ năng sống cho chị em hội viên...
Từ 2010 đến nay, hội đã tổ chức được 11 lớp tập huấn báo cáo viên theo định kỳ cho 64 lượt báo cáo viên của 20 huyện, thành, thị và các đơn vị lực lượng vũ trang; 105 báo cáo viên xã, phường, thị trấn. Thông qua các lớp tập huấn, đã tập trung đề cập tới các phương thức, thủ đoạn lừa gạt phụ nữ, trẻ em của bọn tội phạm. Trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, Hội đặc biệt chú trọng tới nhóm phụ nữ, trẻ em tại các huyện biên giới như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Con Cuông… là vùng địa hình phức tạp, nhận thức của hội viên còn thấp, giúp chị em hiểu để biết cách phòng ngừa, nâng cao cảnh giác đối với các hành vi có dấu hiệu lừa gạt, dụ dỗ, từ đó cung cấp kịp thời các nguồn tin giúp cơ quan chức năng nhận diện, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này. Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 8 mô hình truyền thông trong cộng đồng về phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em. Thông qua các hoạt động CLB, các cấp hội đã tổ chức 30 cuộc truyền thông tại cộng đồng cho gần 3300 lượt người dân và hội viên phụ nữ tham gia.
Đối với các địa phương có nạn nhân bị buôn bán trở về, hội kịp thời tổ chức gặp gỡ, động viên, chia sẻ với nạn nhân, đồng thời giúp đỡ về vật chất để chị em ổn định lại cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng. Trường hợp 3 nạn nhân Ven Thị Huyền (xã Mai Sơn, Tương Dương), Chích Thị Oanh (xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn), Ngân Thị Ứng (xã Đôn Phục, Cong Cuông) bị lừa bán sang Trung Quốc đã được giải cứu trở về Việt Nam vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5/2012, Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã kịp thời gặp gỡ các cháu để động viên và hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo điều tra của cơ quan chức năng, từ cuối năm 2011 và năm 2012, toàn tỉnh có hơn 50 phụ nữ và trẻ em gái ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông bị một số đối tượng lừa gạt bán sang Trung Quốc và trong nước. Con số đó cho thấy tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh đang có diễn biến phức tạp. Hầu hết các đối tượng phạm tội thường là người quen biết, cùng quê với nạn nhân, nên hiểu biết rất rõ hoàn cảnh, tâm lý của nạn nhân. Các đối tượng thường là những chân rết của những đường dây mua bán người, vì hám lợi chúng sẵn sàng rủ rê lôi kéo người quen của mình và đem bán. Thủ đoạn mà chúng đưa ra đối với các nạn nhân là một công việc lý tưởng, với mức thu nhập cao, khiến người dân hy vọng sẽ đổi đời mà nghe theo lời dụ dỗ của chúng.
Vì vậy, để công tác phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em thực sự hiệu quả, các cấp hội cần có những nỗ lực cao hơn nữa. Bên cạnh đẩy mạnh, đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ tuyên truyền cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong công tác đấu tranh phòng chống, cần kết hợp với các chương trình hỗ trợ vốn, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho hội viên vùng khó khăn, trong đó ưu tiên hỗ trợ nạn nhân trở về bằng cách hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn trang bị kiến thức KHKT về chăn nuôi sản xuất, đồng thời vận động những hội viên có điều kiện giúp đỡ bằng hình thức cho vay không tính lãi về vốn, giống cây, giống con, phân bón… để chị em có việc làm, vươn lên ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: Đặng Nguyễn