Từ Đảo Mắt nghĩ về Đất Tổ

21/04/2013 17:23

(Baonghean.vn) - Vượt sóng đến vào đảo Mắt trong ngày Giỗ Tổ (10/3 Âm lịch), nhìn lớp lớp triều dâng cuộn trào lại nhớ đến biển người từ muôn phương đang thành kính hành hương về núi Ngũ Lĩnh – nơi có đến thờ các Vua Hùng. Những chiến sỹ Đảo Mắt hôm nay vẫn luôn ngóng về, đã và đang làm nhiều việc tốt, việc hay để bảo vệ, dựng xây đất nước, báo đáp công ơn của tổ tiên.

Tự bao đời nay, Đảo Mắt và Đảo Ngư đã như bức tường thành che chắn phong ba bão táp cho mảnh đất xứ Nghệ. Cũng như nhiều ngọn núi con sông, bến bờ gò bãi khác, hai hòn đảo này đã gắn liền với truyền tích chống ngoại xâm. Với Đảo Mắt là câu chuyện "Nàng Tố Nương mỏi mắt trông chồng", truyền thuyết kể rằng - Tố Nương quê ở vùng An Lạc, Sơn Tây. Chồng Nàng quê ở Hàm Hoan (Nghệ An), vợ chồng đều là tướng lĩnh của Hai Bà Trưng. Khi cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, vợ chồng lưu lạc mất tin nhau. Tố Nương đã dong buồm về Hàm Hoan tìm chồng, gần đến nơi, không may thuyền bị phong ba đánh dạt vào đảo Quỳnh Nhai. Đến đây, nàng không còn sức lực và phương tiện để vào đất liền được nữa, đành phải ở lại trên đảo, ngày đêm nhìn vào quê chồng. Đảo Mắt có tên từ thủa đó và là vị trí tiền tiêu quan trọng để bảo vệ sự bình yên cho đất liền….

Chuyện xưa là thế và nhiều năm sau nữa, nơi đây, quân và dân Nghệ đã bao lần đánh đuổi giặc Tàu Ô, chiến đấu và chiến thắng với phong kiến phương bắc và đế quốc Mỹ.



Các chiến sỹ Đảo Mắt chăm sóc Đài tưởng niệm

Đến với Đảo Mắt, ngắm nhìn đá sinh sôi, xanh tươi nhờ bàn tay người, bất chợt lại nhớ về truyền thuyết sinh thành của dân tộc: Trăm quả trứng nở trăm con, năm mươi xuống biển năm mươi lên non. Người theo mẹ lên non lập nước, thành vua truyền đời cho thế hệ; người xuống biển đánh thuồng luồng, thủy quái, mở tầm nhìn ra biển rộng để đánh bắt, khai thác giao thương. Con rồng cháu tiên, những thế hệ nối tiếp nhau luôn tự hào, truyền đời giữa gìn truyền thống. Và chắc chắn rằng những phẩm chất anh hùng của tổ tiên xưa đã hun đúc nên ý chí, tình thần dũng cảm và lòng yêu nước nồng nàn của những người canh giữ biển trời từng tấc đất chủ quyền của tổ quốc hôm nay.

Trong những người đến với Đảo Mắt, để tham gia chương trình giao lưu “Tuổi trẻ với biển đảo quê hương”, có những bạn trẻ đoàn viên thanh niên mới lần đầu đến và cũng có những cựu chiến binh người đã từng sống, chiến đấu vì sự trường tồn của đảo. Tất cả họ đều thể hiện một ý chí vươn khơi và hướng về biển đảo quê hương. Đến với Đảo Mắt, đã được biết cuộc sống, rèn luyện, chiến đấu của các chiến sỹ và nghe Thiếu tá Đinh Xuân Lâm – Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo ôn lại 50 năm lịch sử hào hùng của hòn đảo nhỏ kiên cường. ai ai cũng lâng lâng xúc cảm tự hào.



Bản đồ Tổ quốc ở Đảo Mắt

Với truyền thống anh hùng, Đảo Mắt đã thực sự là nơi giáo dục, khơi dậy niềm tin tưởng của thế hệ trẻ, tiếp bước cha anh ra sức xây dựng đảo, quê hương ngày càng phát triển. Trung sĩ Lê Quang Kiên lấy làm tự hào khi được đang viết tiếp truyền thống đó. Ông nội của Kiên đã có mặt trong Đại Đoàn quân Tiên phong năm xưa từng cùng Bác Hồ ghé thăm Đền Hùng và được nghe Người căn dặn “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Là người lĩnh giữ đảo hôm nay, bản thân Kiên càng thấm thía hơn điều đó. Kiên cho hay: Trong dịp lễ giổ Tổ này, đảo tăng cường hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quân sự - quốc phòng của lực lượng vũ trang; cũng như thực hiện nghiêm túc chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện rèn luyện kỷ luật.

Trên cầu cảng Đảo Mắt nhìn về biển, đất liền chỉ thấy những đường cong của sóng, khói sương mờ ảo. Bác Nguyễn Văn Hứa (70 tuổi, ở phường Vinh Tân - thành phố Vinh, từng chiến đấu tại đảo từ năm 1965 – 1971) đã đọc cho chúng tôi nghe bài Văn tế giỗ tổ Hùng Vương – tổ tiên xưa, do Giáo sư Vũ Khiêu viết năm 2000. Bài tế này bác Hứa đã được nghe khi về Phú Thọ, dự lễ Giổ Tổ năm 2008. Lời Tế hào hùng, nói rằng: “Từ đỉnh cao muôn trượng cơ đồ / Cùng nhìn lại bốn mươi thế kỷ / Núi mây sừng sững công cha/ Sông nước dạt dào nghĩa mẹ… Chia con hai ngả lên đường / Chọn trưởng một ngôi kế vị/ Giang sơn một cõi: sao cho vạn đại trường tồn ?/ Rừng bể đôi nơi: cùng dựng bốn phương hùng vĩ ! / Hiên ngang thay ! Phù Đổng diệt thù ! / Dũng cảm thay ! Sơn tinh trị thuỷ ! / Đẹp thay Chử Đồng Tử, tình yêu như ngọc sáng gương trong/ Giỏi thay Mai An Tiêm, lao động như dời non lấp bể/Vẻ vang mười tám vương triều/Rực rỡ trăm đời thịnh trị".

Bác Hứa tâm tình: dòng máu ông cha đang chảy trong dòng máu con người hôm nay, để chúng ta mãi nhớ chúng ta là người Việt Nam, “máu đỏ, da vàng”, là “con Rồng, cháu Tiên”… Còn cựu chiến binh Trần Đức Mão, 62 tuổi, ở phường Hồng Sơn – thành phố Vinh, từng hy sinh một bàn tay trong cuộc chiến giữ đảo Mắt năm 1972 cho rằng: Nhìn về lịch sử chế ngự thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm của dân tộc với những gái anh hùng, trai dũng lược đã chung lưng, đấu cật như Bà Trưng, Bà triệu, Phùng Hưng, Lý Bí, Mai Thúc Loan, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Hồ Chí Minh …sẽ giúp chúng ta có thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn hôm nay. Lịch sử phát triển của đất nước ta gắn chặt với việc bảo vệ các vùng biển và hải đảo. Biển rất giàu tôm cá, dầu khí và băng cháy. Biển chúng ta mặn mòi máu, nước mắt cha ông.



Lễ chào cờ đầu tuần ở Đảo

Lịch sử như một dòng chảy liên tục; Nghĩ về đất tổ, hải đảo, nghĩ về cuộc sống hôm nay, nhiều bạn trẻ đã nhận thấy rõ hơn về trách nhiệm của mình. Bạn Nguyễn Thị Nhung, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An – đoàn viên thanh niên tham gia giao lưu “Tuổi trẻ với biển đảo quê hương” ở Đảo Mắt chia sẻ cảm nhận: Giỗ tổ Hùng Vương là hành trình tìm về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, với ý chí và khát vọng độc lập, tự do, tự chủ, tự cường, thể hiện chân lý: “Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn. Còn hành trình Đảo Mắt hôm nay là hướng tới tương lai; thiết thực thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 – đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền quốc gia trên biển.

Trung úy Lê Hải Triều Bình, cán bộ Đảo Mắt đã dẫn chúng tôi lên điểm cao nhất của đảo 218m. Anh cho hay: Từ điểm cao nay sẽ cho ta nhìn thấy những điều rất thú vị - nhìn về Phương Bắc, đã thấy những Bạch Đằng Giang vang vọng muôn đời; nhìn về phương Nam đã thấy những cánh buồm của chiến thuyền lên đường dẹp quân Chiêm Thành xiêm lấn; hướng vè mặt biển rộng là những bóng thuyền của ngư dân, hiên ngang thành mốc tiêu sống trên biển. Nhìn về phía tây là bãi biển Cửa Lò, cát mịn, nước trong xanh đang vào mùa du lịch, xa hơn là mùa vụ lúa, lạc sắp ngày thu hoạch…


Thành Chung