Nhiều địa phương không đạt năng suất như dự kiến

24/05/2013 10:40

(Baonghean) - Dưới cái nóng nung người, ở khắp các địa phương trên toàn tỉnh, bà con nông dân vẫn đang tập trung ra đồng, khẩn trương thu hoạch lúa xuân để kịp thời sản xuất hè thu. Tuy nhiên, năm nay do nhiều yếu tố, năng suất lúa vụ xuân đã không đạt như dự kiến và thấp hơn so với năm 2012.

Vừa hối hả chất những bó lúa nặng lên xe giữa trời nắng trưa oi ả, chị Nguyễn Thị Hà (xóm 3, xã Nghi Vạn - Nghi Lộc) vừa tranh thủ kể: Gia đình chị có 5 sào lúa, cấy đủ thứ giống, từ AC5, Q5, nếp…, trong đó có 3 sào là ruộng bậc thang phải gieo thẳng. Dù đầu vụ, thời tiết khá thuận lợi, nguồn nước cũng không thiếu, nhưng cuối cùng năng suất lại kém, những ruộng cấy giống lúa AC5 chỉ được khoảng 2 tạ/sào, giống lúa Q5 cho năng suất khá hơn - 2,5 tạ/sào nhưng giá lại rẻ, thường chỉ 560 - 570 nghìn đồng/tạ. Theo chị, năng suất lúa không cao vì lúa đẻ nhánh kém, bông thưa và ngắn. Hiện tại, cả gia đình chị đang tập trung ra đồng gặt lúa xuân để dăm hôm nữa, có nước về sẽ làm đất gieo lúa hè thu. Đi dọc ra một đoạn, bên ruộng lúa vừa được gặt xong, chị Nguyễn Thị Lan (xóm 3, xã Nghi Diên) cũng chán nản cho biết: Gia đình làm hơn một mẫu lúa xuân, toàn bộ đều là giống mới GS9 nhưng trên ruộng, tuy hạt lúa không bị lép nhưng bông vừa nhỏ vừa ngắn, ít hạt nên nếu mọi năm năng suất đạt trên 3 tạ/sào thì năm nay chỉ được trên 2 tạ/sào.



Bà con xã Lăng Thành (Yên Thành) thu hoạch lúa vụ đông xuân 2012-2013.
Ảnh: Hồ Các

Theo đánh giá, năng suất lúa vụ xuân 2013 trên địa bàn toàn tỉnh không được như mọi năm. Ông Từ Trọng Kim (Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT) cho biết: Đầu vụ, sản xuất khá thuận lợi về cả nguồn nước và thời tiết, bởi vậy diện tích gieo cấy đã lên tới 89.021 ha, vượt trên 3.000 ha so với kế hoạch đề ra. Trong cơ cấu, các địa phương cơ bản đều chấp hành đúng chỉ đạo của tỉnh, đưa vào nhiều giống lúa chất lượng cao, năng suất khá như GS9, AC5, BTE1, ZZ004... Tuy nhiên, ở nhiều nơi, bà con đã không nghiêm túc chấp hành khuyến cáo của ngành Nông nghiệp về thời vụ gieo cấy.

Nếu trong chỉ đạo, những giống lúa dài ngày sẽ được ra mạ trước và ngược lại, để có thể đảm bảo tất cả các trà lúa trổ đồng loạt từ khoảng 25/4, nhằm phù hợp với quy luật an toàn của sản xuất vụ xuân. Thế nhưng một số địa phương đã gieo cấy sớm, lúa trổ vào dịp từ 10 - 15/4, trong thời kỳ cây lúa làm đòng và trổ gặp phải mưa lốc đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Theo ông Kim, nếu không bị thiệt hại do thiên tai, dự kiến năng suất lúa vẫn sẽ đạt khoảng 65 tạ/ha, xấp xỉ với vụ xuân 2012. Thế nhưng, do ảnh hưởng của các yếu tố bất lợi của thời tiết như lốc tố, mưa lớn, nhiệt độ thấp, cường độ ánh sáng yếu.. nên đã có khoảng 7.000 ha bị giảm năng suất từ 30% trở lên, trong đó có 3.000 ha sử dụng giống lúa BC15.

Theo báo cáo chung của Sở NN&PTNT, vụ xuân năm nay năng suất bình quân dự kiến chỉ đạt khoảng 63,6 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 565.947,5 tấn. Trong đó 51.180 ha lúa lai dự kiến cho năng suất khoảng 66,3 tạ/ha và 38.224,9 ha lúa thuần dự kiến đạt khoảng 59,4 tạ/ha. Tại vùng trọng điểm lúa Diễn - Yên - Quỳnh, nếu vụ xuân năm ngoái năng suất bình quân của trên 35 nghìn ha lúa lên tới trên 70 tạ/ha thì năm nay đã giảm một cách đáng kể, ngoài Yên Thành ước đạt 71,5 tạ/ha, còn lại Diễn Châu dự kiến chỉ đạt 66,3 tạ/ha, thậm chí Quỳnh Lưu 60 tạ/ha.

Tuy nhiên, bên cạnh sự sụt giảm năng suất bình quân chung toàn tỉnh cũng như ở một số địa phương, thậm chí ở các vùng trọng điểm lúa, thì trong bức tranh chung, vẫn nổi lên một số điển hình đáng khen ngợi. Là một huyện trung du miền núi, Thanh Chương không có được điều kiện thuận lợi như một số địa phương khác trong tỉnh, thế nhưng sản xuất vụ xuân năm nay lại đạt được những kết quả đáng mừng, được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu về năng suất lúa vụ xuân của tỉnh. Bắt đầu thu hoạch từ 10/5, hiện đang là thời điểm cuối vụ và theo kế hoạch sẽ hoàn thành trước ngày 25/5 để kịp thời bắt tay vào sản xuất hè thu.

Ông Phan Đình Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện phấn khởi cho biết: Năng suất vụ xuân năm nay dự kiến sẽ xấp xỉ, thậm chí cao hơn vụ xuân 2012 vốn được coi là vụ sản xuất được mùa lớn, khoảng trên 67 tạ/ha. Có được thành quả trên, trước hết là nhờ huyện đã đưa vào nhiều giống lúa năng suất cao, chất lượng gạo tốt và đã được khẳng định là có khả năng thích nghi, chống chịu với những loại sâu bệnh mà Thanh Chương hay bị như GS9, Nhị ưu 986…

Lường trước khả năng thời tiết ấm, cây lúa sẽ phát triển nhanh nên trong chỉ đạo, huyện bám rất sát lịch thời vụ của tỉnh, không cấy sớm và chỉ có một nửa diện tích được cấy trước Tết Nguyên đán, nhờ đó khi lúa trổ không gặp gió mùa và nhiệt độ thấp, đồng thời huyện cũng đưa ra các biện pháp kỹ thuật thích hợp như bón lót, bón thúc sớm và mạnh để giúp lúa đẻ nhánh mạnh, số dảnh nhiều. Công tác phòng trừ sâu bệnh được chú trọng, cảnh báo kịp thời để có hướng xử lý hiệu quả. Đặc biệt, ngoài một số rất ít hộ còn gieo thẳng lúa, diện tích lúa xuân ở Thanh Chương đều được bắc mạ để cấy. Nhờ đó, trong khi một số địa phương vừa qua đã bị thiệt hại nặng nề do tố lốc, thì Thanh Chương không hề có diện tích bị ảnh hưởng nhờ cây lúa vững chứ không yếu như lúa gieo thẳng, dù trên địa bàn vẫn xảy ra tố lốc.


Bài, ảnh: Phú Hương