Hướng tầm thành phố biển văn minh, hiện đại

29/04/2013 15:51

(Baonghean) - Trước khi trở thành một đô thị du lịch trẻ trung, đầy sức sống, Cửa Lò là một làng chài nhỏ và nghèo như muôn vàn xóm làng heo hút bên bờ biển Đông, được bồi đắp bởi phù sa sông Cấm phía Bắc qua biết bao nhiêu năm tháng, để rồi nối liền với phù sa sông Lam ở phía Nam đem lại sự trù phú cho mảnh đất ven biển nhưng có một lịch sử đáng tự hào... Khai trương mùa du lịch biển 2013, cũng là thời điểm toàn Đảng, toàn dân Thị xã Cửa Lò đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích xuất sắc hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập Thị xã (29/8/1994 - 29/8/2014).

Trải qua 20 năm thành lập, Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang thị xã luôn nỗ lực đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nên đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Kinh tế phát triển nhanh và bền vững; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19-20%, trong đó dịch vụ du lịch phát triển nhanh và đúng hướng, đóng vai trò là ngành kinh tế chủ đạo. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tăng và ổn định, nhiều công trình trọng điểm đã bắt đầu phát huy hiệu quả, đặc biệt là các công trình đầu tư phục vụ du lịch, thương mại, công nghiệp và đào tạo nhân lực... Nguồn thu ngân sách tăng bình quân 22,5%/năm. Hệ thống chính trị ngày càng được hoàn thiện vững mạnh, an sinh xã hội có nhiều tiến bộ. Văn hóa, xã hội khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, môi trường sinh thái được cải thiện, cải cách hành chính và môi trường đầu tư thuận lợi.

Tuy nhiên, để Cửa Lò phát triển, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, Đảng bộ, chính quyền thị xã cần phải thực thi các giải pháp phù hợp nhằm phát triển kinh tế - xã hội vững chắc. Trong đó, cần có sự kết hợp giữa hai yếu tố quan trọng: Thứ nhất là hội nhập mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế chung, khai thác các cơ hội phát triển từ bên ngoài, củng cố nội lực, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Thứ hai, phải xác lập những lợi thế so sánh động, bằng cách chiếm lĩnh những ngành công nghệ mới, tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn và đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, mà ở đó ngành dịch vụ du lịch là mũi nhọn. Cùng với việc mở rộng không gian, khâu đột phá, bứt phá quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Cửa Lò thời gian tới sẽ là phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, kết nối với hệ thống kết cấu hạ tầng các huyện, thị, đặc biệt là TP.Vinh. Hiện nay, hệ thống giao thông nối Cửa Lò với các huyện và tỉnh lân cận khá hoàn chỉnh và đang được tiếp tục đầu tư (đường sắt, Quốc lộ 1A, QL46, Đại lộ Vinh - Cửa Lò, Cảng Cửa Lò, Sân bay Vinh...) nhằm nhanh chóng giúp Cửa Lò có đủ điều kiện nâng cấp thành đô thị loại II, từ đó tạo cho Cửa Lò một môi trường đầu tư mới hấp dẫn, an toàn và hiệu quả.



Thị xã Cửa Lò trước giờ khai hội Ảnh: Sỹ Minh

Vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về cũng được các cấp, các ngành chú trọng. Với định hướng phát triển chủ đạo ngành du lịch dịch vụ như hiện nay (chiếm tỷ trọng 60 - 65% trong cơ cấu phát triển kinh tế), việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn lực (quản lý điều hành cũng như phục vụ) dịch vụ du lịch là rất cần thiết. Hiện Cửa Lò đang có nhiều lợi thế để thực hiện khâu đột phá này khi cận kề TP.Vinh, một trung tâm đào tạo lớn ở Bắc Trung bộ và đang được quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của Bắc Trung bộ. Mặt khác, Cửa Lò đã có một hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, liên thông từ trung cấp đến sau đại học và trong thời gian tới sẽ là nơi tập trung các trường đại học, cao đẳng dạy nghề, các viện nghiên cứu tầm cỡ vùng và khu vực. Tiếp tục hình thành các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, các phân khu chức năng làm nền tảng cho phát triển các ngành dịch vụ (khu, cụm công nghiệp ở Nghi Thu; trung tâm nghiên cứu khoa học ở Nghi Hải; khu các trường đại học và cao đẳng, khu thương mại du lịch cao cấp tại Nghi Hương, Nghi Thu; khu nghỉ dưỡng, du lịch tại Thu Thủy, các khu vui chơi, giải trí cao cấp ở đảo Ngư, đảo Lan Châu, khu vực Cửa Hội...). Tiếp tục xây dựng con người, xây dựng nhiều nhà hàng, cơ quan, trường học, ngõ phố văn minh tạo thành những điểm nhấn đối với từng lĩnh vực dịch vụ.

Khắc phục từng bước tình trạng mùa vụ của du lịch, Cửa Lò cũng đã tập trung đầu tư để hình thành hệ thống các sản phẩm du lịch chủ lực, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách du lịch. Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, tập trung nỗ lực gắn kết các nội dung cải cách hành chính với việc cải thiện môi trường đầu tư, trong đó thực hiện tốt "cơ chế một cửa" đối với nhà đầu tư. Công bố quy hoạch công khai, tổ chức đấu thầu xây dựng các công trình đảm bảo đúng quy định, kết hợp hài hòa giữa quyền lợi của người dân và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và nhà đầu tư; đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ một số cơ chế để thu hút đầu tư trên các lĩnh vực cho Thị xã Cửa Lò.

Với quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết toàn dân, vận dụng hiệu quả sự giúp đỡ từ Trung ương, tỉnh và bè bạn, thị xã Cửa Lò đang quyết tâm phát huy tốt tiềm năng để phát triển lên một tầm cao mới, phấn đấu trở thành thành phố biển văn minh, hiện đại.


Lê Minh Thông - Chủ tịch UBND Thị xã Cửa Lò