Hướng đi của sân khấu chuyên nghiệp

05/03/2013 20:55

(Baonghean) - Những năm gần đây, cùng với sân khấu cả nước, sân khấu chuyên nghiệp Nghệ An cũng đang phải đối mặt với thực trạng khó khăn. Để duy trì, phát triển, thời gian qua, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đã biết phát huy thế mạnh loại hình nghệ thuật truyền thống, nhằm tạo ra con đường ngắn nhất đến với khán giả.

Thời gian qua, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An đã có được những thành công nhất định với việc khai thác, phát huy bản sắc dân tộc vùng, miền, đưa những câu hò, điệu múa đậm chất dân gian lên sân khấu, xây dựng nhiều chương trình ca múa nhạc mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ, chú trọng khai thác đề tài hiện đại thông qua loại hình kịch hát mới. Nghệ sỹ Ưu tú Minh Tâm – Đội Trưởng đội ca, cho biết: Trước đây một năm Đoàn chỉ phục vụ miền núi 70 buổi thì nay ngoài phục vụ các nhiệm vụ chính trị, tham gia hội diễn, hơn 50% các chương trình xây dựng chủ yếu phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa. Để đáp ứng nhu cầu của khán giả trong và ngoài tỉnh, Đoàn tập trung xây dựng các chương trình mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc như “Cô gái đốt lò vôi”, “Khắc Luống và múa Tùng Loọng”, “Hội Xăng Khan”, “Tiếng khèn mùa Xuân”… với chất liệu dân ca dân tộc Thái; “Bắt vợ”, “Lê lê lê tu lê”, “Bản làng mừng đón dâu mới” (dân tộc Mông)…. nhằm giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá nền văn hóa phong phú, đa dạng của các dân tộc Nghệ An tới công chúng, góp phần vào việc bảo tồn, lưu truyền bản sắc văn hóa nghệ thuật dân gian xứ Nghệ”.



Một cảnh trong Chương trình nghệ thuật do Nhà hát Dân ca Nghệ An biểu diễn tại Lễ khánh thành Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan.

Còn với Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ, ông Nguyễn Ngọc Ất - Giám đốc Trung tâm, cho biết: Thời gian qua, Trung tâm đã dàn dựng, thể nghiệm thành công hàng chục vở diễn có chất lượng. Các chương trình đàn, hát dân ca, các vở diễn đi tham dự liên hoan, hội diễn sân khấu toàn quốc, quốc tế, khu vực đều đoạt giải cao và để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả và bạn bè đồng nghiệp. Tiêu biểu như các vở: "Lời Người lời của nước non", "Một cây làm chẳng nên non", "Góc khuất đời người", "Người thi hành án tử" … Đặc biệt, phát huy bản sắc Dân ca xứ Nghệ, Trung tâm đã xây dựng được nhiều vở diễn về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt đỉnh cao, góp phần tuyên truyền tư tưởng, tình cảm của Người với nhân dân. Đặc biệt, vở diễn nổi tiếng "Danh nhân lớn lên từ câu hò ví dặm" (tác giả kịch bản Vũ Hải) đã tái hiện lại quá trình hình thành tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các lời ru, điệu hò ví, dặm của thân mẫu Hoàng Thị Loan… đã được công chúng trong và ngoài tỉnh yêu thích. Suốt 10 năm lưu diễn khắp mọi miền đất nước, không đêm nào vở diễn vắng khán giả. Hay vở diễn "Lời Người lời của nước non" (tác giả kịch bản Vũ Hải, đạo diễn NSƯT Hồng Lựu), tái hiện lại những mẩu chuyện hai lần Bác Hồ về thăm quê (1957 và 1961), những lời Người căn dặn đã được chuyển thể bằng những câu hát dân ca mượt mà, sâu lắng. Vở diễn nhiều lần phát trực tiếp trên VTV1, phát lại trên VTV3, VTV4 và được Trung tâm lưu diễn hầu khắp các tỉnh trên toàn quốc. Đặc biệt, vở diễn đã được Ban tổ chức Trung ương Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trao giải xuất sắc nhất trong đợt sơ kết 2 năm thực hiện cuộc vận động tại Thủ đô Hà Nội. Năm 2010, Trung tâm cho ra mắt khán giả vở diễn "Vang vọng lời Người" (tác giả Nguyễn An Ninh, đạo diễn NSƯT Hồng Lựu) là những lời dặn dò, dạy bảo của Bác đối với thế hệ trẻ, thế hệ thanh niên Hồ Chí Minh. Năm 2011 với vở diễn “Bác Hồ - Người là niềm tin tất thắng” (Tác giả kịch bản Vũ Hải) và năm 2012 là vở diễn “Lời Người sáng mãi lòng ta” (Tác giả kịch bản Nguyễn An Ninh) – cả hai vở diễn này đều đạt giải thưởng cao tại các hội diễn khu vực.

Ông Phạm Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở VHTT và DL, cho biết: Để tồn tại và phát triển, bản thân các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nghệ thuật phải nỗ lực tập trung nâng cao chất lượng vở diễn, các chương trình nghệ thuật; trong đó việc lựa chọn các loại hình nghệ thuật truyền thống đang được xem là một hướng đi đúng đắn hiện nay. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có những chính sách đãi ngộ thoả đáng để các nghệ sỹ yên tâm gắn bó với nghề. Việc tổ chức thường xuyên các liên hoan, hội diễn cũng là việc cần làm để các đạo diễn, nghệ sỹ, diễn viên có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, được làm nghề và sống trong không khí nghề nghiệp, giúp họ thêm phấn chấn, tích cực trong lao động sáng tạo nghệ thuật.


Bài, ảnh: Thanh Thủy