Họa sỹ Nguyễn Thọ Tường

31/03/2013 16:45

(Baonghean.vn) - Tôi gặp Nguyễn Thọ Tường tại một quán café nhỏ. Bắt đầu bằng sự tình cờ, giữa Hà Nội, nghe nằng nặng chất giọng người xứ Nghệ. Tôi bất ngờ, vì ngồi trước mặt tôi, người đàn ông giản dị đang khuấy chậm rãi chiếc thìa nhỏ trong ly café chính là một họa sỹ “hiện đại” của ngày hôm nay, được nhiều người biết tiếng.

Câu chuyện giữa chúng tôi nhanh chóng trở nên cởi mở khi biết tôi cũng thuộc về “xứ sở gió Lào”. Anh là người Hà Tĩnh, nhưng trong trái tim anh, vẫn gọi thầm xứ Nghệ. Anh nói, có thể thấy rõ “chất Nghệ” ấy trong những bức mà anh vẽ…Tôi đã may mắn được anh giới thiệu cho xem những bức vẽ của anh trong lúc anh kể những câu chuyện nhỏ về mình…

Sinh năm 1957, anh đã từng tham gia quân ngũ trước khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1987. Anh sáng tác không nhiều, không dễ. Những bức vẽ của anh được giới hội họa đánh giá cao. Anh đã từng được giải thưởng đồ họa quốc tế tại Nhật Bản năm 1994, tham gia nhiều triển lãm quốc tế ( triển lãm “Nhìn từ hai phía” Việt Nam- Hoa Kỳ, triển lãm nhóm tại Paris, Dinan, Dijon- Pháp, triển lãm cá nhân tại Toulouse- Pháp) cùng rất nhiều các giải thưởng, triển lãm quốc gia.



Họa sỹ Nguyễn Thọ Tường (Chân dung tự họa, 1997)

Những thể nghiệm hội họa của anh, đúng như họa sỹ Quang Việt (NXB Mỹ thuật) nhận xét, trên thực tế, khó có thể thấy ở bất kỳ ai. Tuy nhiên, với bản lĩnh của con người xứ Nghệ: yêu cái thực, ghét cái hão huyền, lại cộng thêm một tư chất và phương thức cảm xúc riêng biệt trước cuộc sống, anh đã tạo được niềm tin nơi người xem: niềm tin vào “thiên nhiên thứ hai” của nghệ thuật.

Một số trong những bức tranh của anh đã được anh tập hợp, in sách, đề cái tên đơn giản: Nguyễn Thọ Tường. Trên cái bìa sách ấy, khuôn mặt anh hiện lên trong nét vẽ vòng cung đầy ngộ nghịch. Là khuôn mặt thực, giữa những khuôn mặt ảo khác được khắc họa ấn tượng.

Tôi đã xem rất kỹ những bức vẽ mà như anh nói, gói ghém biết bao nhiêu cảm xúc đời người: “ Tôi muốn bày tỏ niềm vui buồn của cuộc sống trong mối liên hệ hòa hữu, thuần khiết, tự nhiên bằng hình ảnh không phải cái cụ thể trực diện mà cái tồn tại trong tôi được ý thức thông qua xúc cảm hội họa với sự riêng rẽ, thống nhất, nhiều góc nhìn, cách thể hiện khác nhau. Cốt yếu là tôi đã vẽ nên chúng, trước hết là vì tôi, sau nữa là cho những ai thích chúng và cuối cùng là cho chính chúng”.

Tôi chỉ là kẻ “ngoại đạo” khi xem tranh và bình phẩm. Và anh kiên nhẫn, lặng lẽ chứng kiến, giữ những xúc cảm cho riêng mình. Trong tranh Nguyễn Thọ Tường, toàn bộ con người, thời gian, không gian chúng ta đang sống hôm nay đã hiện lên bằng góc nhìn của anh: chân thực, sống động và rất nhiều yêu thương. Từ “Những người cùng phố”, đến “Hồ Gươm sau cơn mưa”, “Quán Thiền Quang”, “Xiếc”, “Bà cháu”, “Em bé bán đèn ông sao”, “ Cháu đến thăm bà”, “Người bơm xe”, “Mưa miền Trung”…đều đẹp đẽ, thuần khiết đến nao lòng. Dường như bức vẽ ấy, trong một khoảnh khắc, đang kể chuyện cuộc đời, kể chuyện số phận của con người, kể chuyện quê hương… Và tất nhiên, trong số tranh anh vẽ, có những bức nhắc nhớ chiến tranh: Mắt chiến tranh, Ánh sáng lòng đất mẹ, Khúc ca chiến hào…; có những bức gây cảm giác như người nghệ sỹ đã có phút giây bất lực để bùng phát bao dồn nén, khát khao trong những mảng màu, những nét cọ mải miết, nóng bỏng.



Tác phẩm: Những người cùng phố, sơn dầu 1999



Thiếu nữ mặc váy dài, sơn dầu 2003.

Anh nói anh chọn “biểu hiện” và “trừu tượng” để làm nên những bức tranh của mình bởi anh không chỉ muốn nhìn con người và sự vật đơn thuần là chính nó, là cái mà bất cứ ai cũng thấy, mà anh muốn nhìn sâu hơn thế nữa…Chính vì thế, trong những bức vẽ ấy, có thể thấy cả một thế giới cảm xúc, sự kết nối giữa các trường không gian- thời gian. Và con người với khát vọng vượt thoát khỏi chính mình, khỏi bao nhiêu ràng buộc cuộc đời thực để hòa vào vĩnh cửu.

Chúng tôi chia tay, khi chiều đang xuống thật chậm. Trên tay tôi là cuốn sách “Nguyễn Thọ Tường” mà anh vừa ký tặng. Trong ánh mắt của người họa sỹ, tôi tin rằng, ngọn lửa khát vọng vẫn mãi cháy sáng…


Bài, ảnh: T.V