Bài cuối: Xây dựng sản phẩm du lịch từ thu hút đầu tư

05/06/2013 10:00

>Bài 2: Nguồn nhân lực: Thiếu và yếu!

Ông Nguyễn Bá Hòe – Trưởng Ban quản lý Khu di tích Kim Liên cho biết: Khách đến Kim Liên chủ yếu đi theo tuyến Cửa Lò – Vinh – Nam Đàn. Vì ở Kim Liên các sản phẩm du lịch chưa đồng bộ, chưa có các dịch vụ kèm theo. Nếu Khu di tích lịch sử Kim Liên và quần thể di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh và người thân của Bác là trung tâm thì xoay quanh là những điểm đến, những giá trị phi vật thể giàu bản sắc, nhân văn. Đó là Khu di tích và đền thờ Vua Mai, Khu di tích lịch sử, Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong...

Bên cạnh đó, là các yếu tố có giá trị tinh thần, tâm linh sâu sắc, như : Lễ hội Làng Sen, Lễ hội Vua Mai, đặc biệt là các làn điệu dân ca, ví dặm với bản sắc không thể tìm thấy ở đâu khác. Tuy vậy, sự đơn điệu của các loại hình, sản phẩm du lịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy lợi thế vốn có của huyện Nam Đàn. Bà Nguyễn Thị Hương – Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch, cho biết: Từ năm 2005, trung tâm đã manh nha hình thành một số làng nghề ở Nam Đàn, phối hợp với một số sở ngành mời các nghệ nhân làng nghề Vạn Phúc – Hà Tây (Hà Nội hiện nay) về dạy và truyền nghề nhưng đã không thành.

Hiện nay dân ca ví dặm xứ Nghệ đã được đệ trình lên Tổ chức Khoa học, Giáo dục và văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) xem xét công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Xét trên phương diện du lịch, nếu xem loại hình văn hóa dân gian này là một sản phẩm thì đây là một sản phẩm du lịch chưa được phát huy. Bởi lẽ, ở Nghệ An nói chung và Nam Đàn nói riêng chưa đưa dân ca xứ Nghệ đến gần với du khách. Thực tế chúng ta đã xây dựng một số CLB hát phường vải, dân ca ví dặm ở Nam Đàn song chỉ dừng lại ở tiêu chí bảo tồn là chủ yếu, chưa được nhìn nhận là một sản phẩm du lịch như Quan họ ở Bắc Ninh, hát chèo Thái Bình, ca trù Hà Nội hay gần hơn là hò Huế trên sông Hương.

Những năm gần đây, Cửa Lò đang là điểm đến thuyết phục thị trường khách phía Bắc. Năm 2012, tổng lượng khách đến với Cửa Lò đạt trên 1,9 triệu lượt người, trong đó khách lưu trú ước đạt trên 1,2 triệu lượt người. Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều người, du lịch Cửa Lò đã có thể gặt hái được nhiều hơn thế nếu chú trọng hơn đến việc cung cấp các sản phẩm du lịch có chiều sâu và chất lượng. Lâu nay, khách đến Cửa Lò đều theo một quy trình như được lập trình sẵn: nhận phòng, đi tắm biển, ăn hải sản rồi... về. Dù cơ sở vật chất, hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách, nhưng hiện Cửa Lò chưa có dịch vụ đặc thù nào để giữ chân khách lưu lại dài ngày hơn.

Trên thực tế, đã có những ý tưởng cho việc hình thành và ra đời những khu giải trí cao cấp ở Cửa Lò, song chưa thể thực hiện được. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, điều kiện hạ tầng chưa hoàn chỉnh nên chưa có doanh nghiệp nào dám mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ này. Ông Trần Văn Huệ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hữu nghị Nghệ An nói rằng, doanh nghiệp đã có ý tưởng và khảo sát để đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí phục vụ trẻ em và khách du lịch, song một khi chính quyền địa phương Cửa Lò chưa giải quyết triệt để được những tồn tại về nước sạch, điện và giao thông thì doanh nghiệp chưa thể thực hiện đầu tư.

Tại Cửa Lò hiện nay cũng đã hình thành tuyến du lịch thăm đảo Ngư, nhưng chưa phát huy tốt vì thiếu phương tiện tàu du lịch vận chuyển sản phẩm, đặc sản, lưu niệm thì vẫn là nước mắm Nghi Hải, hải sản khô; còn lại theo ông Doãn Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND Thị xã Cửa Lò, các dịch vụ mua sắm thiếu phong phú, hàng lưu niệm đơn điệu, chính quyền địa phương đã định hướng xây dựng một số mô hình sản xuất sản phẩm quà tặng du lịch nhưng doanh nghiệp không mặn mà. Xí nghiệp Sản xuất và dịch vụ tổng hợp thanh niên Cửa Hội là đơn vị đầu tiên tham gia sản xuất hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch. Nhưng việc chế tác, sản xuất đã dừng lại cách đây 2 năm do không có dấu ấn riêng của sản phẩm.

Tại trọng điểm du lịch miền Tây, các sản phẩm dịch vụ chủ yếu tập trung ở Vườn quốc gia Pù Mát, nhưng không đáng kể. Một số điểm đến trong vùng đệm của Vườn quốc gia Pù Mát như thác khe Kèm, đập Phà Lài – sông Giăng chủ yếu hình thành tự phát. Cái khó của du lịch miền Tây còn xuất phát từ một thực tế khác, đó là du lịch nằm trong khu vực biên giới. Có những nơi có thể phát triển được dịch vụ du lịch và sản phẩm du lịch, nhưng lại vướng vào tính nhạy cảm của vùng biên. “Đơn giản như việc thực hiện các thủ tục hành chính tại đây đã tạo ra tâm lý không tốt cho du khách”- bà Nguyễn Thị Hương trao đổi.

Nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch và đang thu hút nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực này tạo điểm đến hấp dẫn, từ đó liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch (vật thể và phi vật thể), tuy nhiên các dự án hầu hết chỉ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú trên địa bàn TP Vinh, Thị xã Cửa Lò. Giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh ta đang kêu gọi thu hút các nhà đầu tư vào 8 dự án khu du lịch nghỉ dưỡng tập trung ở các huyện miền núi, ven đô.

Một trong những dự án đầu tư vào du lịch Nghệ An có tính điểm nhấn thời gian là Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ nằm trong vòng cung biển Đông Nam Lạch Vạn – Cửa Hiền – Cửa Xá, có diện tích gần 160 ha có biển, rừng và núi, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2005 – 2008) hoàn thành khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển; giai đoạn 2 (2008 – 2015) xây dựng khu khách sạn 5 sao, sân bay trực thăng, sân golf, quần thể văn hóa thể thao và các dịch vụ vui chơi giải trí khác… Hiện nay, tuy đang trong quá trình hoàn thành giai đoạn 2, nhưng Bãi Lữ resort đã được khách du lịch trong và ngoài nước thường xuyên lựa chọn là điểm gặp mặt, giao lưu, nghỉ dưỡng; chính thức được khai trương vào tháng 5/2008 với tổng kinh phí đầu tư giai đoạn I hơn 250 tỷ đồng.



Khu du lịch Bãi Lữ (Nghi Lộc).

Khi được hỏi tại sao Cty CP Đầu tư kinh doanh Bãi Lữ lại chọn nơi đây đầu tư xây dựng Dự án Khu du lịch sinh thái biển? Bà Trần Thị Phú – Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư kinh doanh Bãi Lữ, cho biết: Trước khi đầu tư vào Bãi Lữ - Nghi Lộc – Nghệ An, chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ lợi thế để phát triển du lịch biển tại đây. Sau khi khảo sát, được sự nhất trí của UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho công ty rất nhiều trong việc hoàn thành các thủ tục cần thiết với thời gian nhanh nhất. Với mong muốn tạo nên 1 khu du lịch, nghỉ dưỡng văn minh, hiện đại vào loại nhất khu vực, tạo nên những sản phẩm, dịch vụ du lịch sang trọng để phục vụ du khách trong và ngoài nước của Công ty đã trở thành hiện thực. Hầu hết khách du lịch đến đây đều cảm nhận được những điều mới lạ, khác với nhiều bãi biển trong nước. Tuy nhiên, hiện nay dự án đang gặp một số khó khăn trong vấn đề triển khai các giai đoạn tiếp theo của dự án.

Tại Cửa Lò, vào tháng 5/2011, tổ hợp sân golf đã chính thức khai trương, đây là một phần của Tổ hợp Dự án do Công ty cổ phần tập đoàn Tân Thành Đô, Công ty TNHH ĐT – XD Cơ sở hạ tầng Phú Thọ và Công ty TNHH Minh Long đầu tư. Tổ hợp này có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng trên diện tích 133 ha, bao gồm các hạng mục: sân Golf 18 lỗ, khách sạn 5 sao và khách sạn 3 sao; Khu biệt thự nghỉ dưỡng; khu vui chơi bãi biển; trung tâm hội nghị và thương mại…

Ông Lê Văn Minh – Phó Phòng Nghiệp vụ du lịch - Sở VHTT và DL, cho biết: Hiện các dự án đầu tư vào du lịch trên địa bàn tỉnh mới chỉ tập trung vào đầu tư xây dựng các khách sạn như Sài Gòn – Kim Liên, Mường Thanh – Sông Lam, Phương Đông, Mường Thanh – Diễn Châu, Bãi Lữ resort… còn các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hiện đang khó thu hút đầu tư. Giai đoạn 2011 – 2015, có 8 dự án du lịch đã lập quy hoạch cụ thể và hiện đang thu hút đầu tư như dự án khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Phà Lài – Con Cuông; hồ Tràng Đen – Nam Đàn; thác Khe Kèm; Mũi Rồng – Nghi Thiết; lâm viên Núi Quyết – Bến Thủy; nước khoáng nóng Giang Sơn – Đô Lương; thác Xao Va; Khu du lịch sinh thái và bảo tồn động vật quý hiếm Châu Phi.

Tìm hiểu được biết, thời gian qua, khu du lịch sinh thái Vân Diên – Nam Đàn đã được Công ty CP Đại Lộc chọn đầu tư. Năm 2009, nhà đầu tư hoàn thành quy hoạch xây dựng, hoàn thành cắm mốc dự án, tiến hành giải phóng mặt bằng. Từ năm 2010 đến nay, dự án vẫn dậm chân tại chỗ, nguyên nhân do gặp khó khăn trong việc giải quyết một số yêu cầu cần thiết cho nhà đầu tư. Ông Nguyễn Văn Chi - đại diện Công ty cổ phần Đại Lộc kiến nghị: “Mong muốn UBND tỉnh cho phép huyện Nam Đàn lập dự án xây dựng bãi rác thải cho vùng trung tâm Nam Đàn tại xã Nam Hưng để di dời bãi rác thải hiện đang nằm trong phạm vi dự án. Đồng thời lập dự án nâng cấp Trạm bơm Rú Đụn, Trạm bơm Rào Gang để giải quyết nước tưới thay cho việc dùng nước của hồ Thanh Thuỷ, đảm bảo nhu cầu phát triển các dự án du lịch. Nếu những tồn tại trên chưa giải quyết, khả năng dự án sẽ tạm dừng”.

Hay như Dự án Khu du lịch nước khoáng nóng Giang Sơn, huyện Đô Lương do Công ty TNHH đầu tư Hà An, Hà Nội làm chủ đầu tư. Năm 2010, sau khi nghiên cứu khảo sát, Công ty đã lập quy hoạch chi tiết và được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong quý I/2012, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, song dự án này cũng có khả năng dừng lại vì “tắc” khâu giải phóng mặt bằng…Vì sao các dự án đầu tư vào các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chưa thu hút được các nhà đầu tư?

Không thể phủ nhận tiềm năng du lịch của Nghệ An lớn nhưng phân bố rải rác, không tập trung. Những điểm du lịch hấp dẫn như Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Mát hoặc các danh thắng tự nhiên như thác Xao Va, thác Khe Kèm… đều cách xa khu dân cư, giao thông đi lại khó khăn, khó phát triển dịch vụ đi kèm nên chủ đầu tư không mặn mà khai thác. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường tại các điểm du lịch chưa được chính quyền địa phương chú trọng. Tại nhiều điểm du lịch vẫn còn tồn tại tình trạng rác thải bừa bãi, chưa có công trình vệ sinh hợp lý cho du khách tham quan…

Tuy nhiên, những nguyên nhân trên mới chỉ là thứ yếu, mà quan trọng nhất vẫn là do vướng mắc về thủ tục hành chính. Theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư, về phía lãnh đạo tỉnh cực kỳ thông thoáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi, song khi giải quyết các thủ tục hành chính liên quan tại các sở, ban, ngành thì vướng mắc do thủ tục rườm rà, còn gây khó dễ cho các nhà đầu tư. Một nguyên nhân nữa là thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao và thiếu sự phối hợp của chính quyền địa phương, các ban, ngành liên quan với nhà đầu tư khi đứng ra giải quyết các đề nghị, vướng mắc mà nhà đầu tư gặp phải, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2013 vừa qua, ông Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy đã khẳng định: Để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, tỉnh triệt để cải cách hành chính, đào tạo nhân lực chất lượng cao, quy hoạch vùng nguyên liệu và cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư. Dịp này, nhằm khai thác tiềm năng về du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, một trong những thế mạnh của Nghệ An, tỉnh đã kêu gọi đầu tư vào các dự án du lịch với tổng vốn gần 250 triệu USD từ nay đến năm 2015. Nếu thành công, các dự án là điểm nhấn tạo ra sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, độc đáo của du lịch Nghệ An và cả miền Trung, đáp ứng nhu cầu tắm biển, tham quan nghỉ dưỡng, văn hoá - lễ hội, tâm linh của du khách trong và ngoài nước.

Ngày 9/3/2013, UBND tỉnh đã đồng ý cho phép Sở VHTT và DL tổ chức cuộc thi sáng tác Biểu trưng du lịch và sáng tạo sản phẩm lưu niệm. Mục tiêu nhằm tạo ra các sản phẩm lưu niệm mới,chứa đựng bản sắc văn hóa của xứ Nghệ, phục vụ nhu cầu của khách tham quan, đồng thời phục vụ các hoạt động ngoại giao, lễ tân của tỉnh. Cuộc thi không hạn chế đối tượng tham gia cũng như số lượng sản phẩm.


Tuấn Đạt - Thanh Hiền