Cần sớm bố trí nguồn vốn

15/04/2013 22:53

(Baonghean) - Chương trình sản xuất sạch hơn do Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp quốc - UNIDO thực hiện với sự tài trợ của Tổ chức DANIDA được triển khai từ năm 1998, tập trung ở một số ngành công nghiệp như giấy, dệt - nhuộm, thực phẩm (chế biến thuỷ sản và bia), vật liệu xây dựng và gia công kim loại với trên 130 DN thuộc 28 tỉnh và thành phố, trong đó có Nghệ An.

Những kết quả bước đầu mang lại những lợi ích kinh tế và môi trường thông qua tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, hoá chất, nước, giảm thiểu chất thải trong sản xuất. Từ năm 2007 – 2011, trên địa bàn tỉnh ta có 10 đơn vị tham gia dự án trình diễn sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp từ nguồn kinh phí được tài trợ thông qua chương trình CPI (Đan Mạch). Sở Công thương đã phối hợp với Trung tâm SXSH tổ chức được 12 cuộc hội thảo, 3 lớp đào tạo và nhiều chuyên trang tuyên truyền khác về SXSH.

Năm 2008, với sự hỗ trợ về tài chính của Dự án SXSH trong công nghiệp và của Sở Công thương Nghệ An, Công ty CP mía đường Sông Con đã tham gia dự án SXSH. DN đã cùng với Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam đánh giá và thực hiện các giải pháp SXSH. Thông qua khảo sát và đánh giá của Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam đã tư vấn và đưa ra 30 giải pháp, theo đó DN đầu tư khoảng 6,8 tỷ đồng cho các giải pháp và đến nay đã thực hiện được 25 giải pháp.

Đáng chú ý, trong 30 giải pháp đề xuất có giải pháp “sử dụng lượng bùn thải làm phân vi sinh”, bởi trong quá trình sản xuất lượng bùn thải của công ty khá lớn, khoảng 64 tấn/ngày. Lãnh đạo công ty cho biết: Công ty đã đầu tư phân xưởng sản xuất phân vi sinh cơ giới hóa để thực hiện giải pháp này, với số tiền đầu tư dự kiến khoảng 2,2 tỷ đồng, theo tính toán lợi ích mang lại là 2,163 tỷ đồng/năm và thời gian hoàn vốn sẽ chỉ là 13 tháng. Nhờ xác định đúng hướng đầu tư, nên giải pháp xử lý bùn trên đã giải quyết được triệt để lượng bùn thải tốn tại lâu nay trong khuôn viên của nhà máy, giảm cường độ lao động nặng nhọc cho công nhân.



Sản xuất tại nhà máy sắn Yên Thành gây ô nhiễm môi trường.

Hay tại Nhà máy sản xuất gạch Granit Trung Đô trực thuộc Công ty xây dựng Trung Đô với công suất 3.500.000m2 gạch/năm và lượng sử dụng nguyên liệu trên 505 tấn/ngày. Vì vậy, vấn đề lớn nhất mà nhà máy quan tâm là phải tiêu thụ một lượng điện năng rất lớn, ô nhiễm đến môi trường xung quanh qua khí thải, bụi thải, nước thải và chất thải rắn.

Trước thực trạng đó, Công ty đã tiếp cận với Dự án SXSH trong công nghiệp để triển khai áp dụng các giải pháp SXSH cho DN mình, thông qua tư vấn của Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam đã đưa ra 29 giải pháp, trong đó giải pháp “Đầu tư cải tạo hồ điều hoà và hệ thống hút ép bùn trong nước thải để tuần hoàn tái sử dụng nước và nguyên liệu” được chú ý. Chi phí thực hiện cho giải pháp này là hơn 7 tỷ đồng, lợi ích thu được mỗi năm là 2.182 triệu đồng và thời gian hoàn vốn là 3 năm 3 tháng.

Theo tính toán, với giải pháp này lượng chất thải rắn được thu hồi và tái sử dụng là 14,84 tấn/ngày, tương đương 1.958 triệu đồng/năm, còn lượng nguyên liệu thu từ bụi thải là 1,458 tấn/ngày, tương đương 192 triệu đồng/năm và lượng nguyên liệu thu được từ nước thải là 14, 93 tấn/ngày, tương đương 1. 971 triệu đồng/năm.

Việc triển khai áp dụng SXSH tại các DN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã cho thấy hiệu quả. Hầu hết các DN khi áp dụng SXSH đều giảm được từ 20% -30% lượng chất thải. Điều đó đã tác động tích cực đến lợi ích kinh tế của DN, giảm thiểu được ô nhiễm môi trường và tăng cường tính bền vững trong sản xuất, kinh doanh…
Tuy nhiên, cuối năm 2011, Hợp phần SXSH tại Nghệ An đã giải thể. Theo ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến công (Sở Công thương) cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất mong muốn được tiếp cận chương trình này song không có nguồn vốn hỗ trợ.

Trong kế hoạch hành động áp dụng SXSH trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009-2013, UBND tỉnh xem xét trích nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ để hỗ trợ, duy trì và triển khai các hoạt động áp dụng SXSH. Nhưng trong thực tế thì nguồn vốn trên chưa được phân bổ nên rất khó hoạt động. Vì vậy, việc bố trí nguồn vốn để thực hiện các chương trình hoạt động SXSH trong công nghiệp là điều cần thiết. Đối với các doanh nghiệp, công ty thì cần chủ động nắm bắt và áp dụng chương trình này, bởi ngoài hiệu quả về môi trường nó còn mang lại hiệu quả về kinh tế, tiết kiệm chi phí…


Phạm Bằng