“Diện mạo” khó “chỉnh trang”?

20/05/2013 18:21

(Baonghean) - Được công nhận Đô thị loại 1 từ năm 2008, Thành phố Vinh tiếp tục được đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng theo quy hoạch tầm chiến lược gắn với các tiêu chí kinh tế - xã hội, hướng đưa thành phố trở thành trung tâm phát triển Bắc Trung bộ. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, hạ tầng đô thị Vinh đã, đang bộc lộ nhiều bất cập.

Xây dựng “vênh” quy hoạch


Nhìn ở tổng thể, quy hoạch chung của Thành phố Vinh hay đúng hơn là quy hoạch trên giấy được đánh giá là đẹp, nhưng xét trên thực tế thì từng mảng nhỏ đều... không theo quy hoạch. Khu chung cư, khách sạn nhiều tầng mới vươn cao bên những mái che lụp xụp. Chợ xép, chợ tạm mọc lên bất cứ góc đường nào người dân có nhu cầu. Không chỉ người dân mạnh ai nấy làm, mà các cơ quan, đơn vị cũng mạnh ai nấy xây dựng, tự quy hoạch trong khi quy hoạch chung vướng mắc bởi những dự án chậm tiến độ (hiện có khoảng hơn 60 dự án xây dựng đang chậm tiến độ). Nhiều dự án quy hoạch điều chỉnh nhiều lần. Chính vì thế, có nhiều con phố đẹp nhưng nhà thấp, nhà cao, nhà nhô ra, nhà lại thụt vào. Những khu chung cư cũ tại Quang Trung hay ngay cả nhiều khu đô thị mới đã cam kết xây dựng theo quy hoạch thì người dân vẫn vô tư... cơi nới, “sáng tạo” riêng. Các quán hàng, biển báo, mái che tư nhân... thì muôn hình vạn trạng trong khi biển báo, biển chỉ dẫn trên các tuyến đường quan trọng cho người dân và khách du lịch, biển báo hiệu phân làn, phân luồng lại thiếu vắng. Mấy năm nay, quá trình phát triển đã kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông, đặc biệt là ô tô. Những đoạn đường thắt nút cổ chai, những trường học trên thành phố vào giờ đưa đón học sinh, giờ cao điểm bắt đầu tắc thành hàng dài. Ở Vinh, cũng dễ bắt gặp hiện tượng đường mới rải thảm đẹp đẽ xong lại phải cắt, mở, đào... để lắp cống kỹ thuật hay công trình đường điện, cáp quang, ống nước...

Không chỉ thể hiện trình độ quy hoạch chi tiết thấp, hiện ở Vinh còn yếu trong quy hoạch mang tính tổng thể. Thành phố chưa có các bãi đậu xe và công trình vệ sinh công cộng. Hay giải quyết việc chống ngập úng cho các “trọng điểm” vẫn là chuyện nan giải. Cứ trời mưa to là các đường Đinh Công Tráng, Hồng Bàng, Nguyễn Văn Cừ, đặc biệt toàn bộ vùng “rốn” Vinh Tân thành… sông. Có thể thấy hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Từ công tác quy hoạch chưa thật sự đi trước một bước. Nguyên nhân có nhiều, song ngoài những khó khăn ở tầm vĩ mô như thiếu tính tổng thể, bao quát, hay thiếu nguồn vốn, thiếu ngân sách… thì công tác quy hoạch chưa phát huy vai trò của xã, phường cũng như thành phố mới trong tham mưu đóng góp ý kiến để từ đó phát huy quyết tâm chung xây dựng một Thành phố Vinh văn minh, hiện đại.



Hàng quán lấn chiếm, mua bán lộn xộn trên đường Hồng Sơn. Ảnh: Sỹ Minh

Lấn chiếm, tái lấn chiếm – “căn bệnh” nhờn thuốc

Trong nhiều nội dung vi phạm trật tự đô thị, an toàn giao thông đáng báo động hiện nay ở TP. Vinh, hiện tượng “tái lấn chiếm” chính là căn bệnh dai dẳng và khó gỡ nhất. Chỉ thông qua những con số được kiểm tra, xử lý bởi cơ quan chức năng, sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Thành ủy về tăng cường quản lý trật tự đô thị, ATGT, có thể thấy sự vi phạm này là không hề nhỏ. Qua việc vận động, người dân đã tự giác tháo dỡ hàng nghìn mái che, lực lượng cưỡng chế cũng tháo dỡ hàng nghìn mái che... Thế nhưng, chỉ giải quyết được trong một khoảng thời gian ngắn, “bắt cóc bỏ đĩa” mà thôi. Người dân lập tức có ngàn chiêu “đối phó” để thay đổi từ hành vi vi phạm này đến hành vi vi phạm khác: căng bạt che ô thay mái che đã tháo dỡ, đẩy đuổi nơi này lại kiếm nơi khác, ngay trên vỉa hè, lòng lề đường.

Đáng báo động nhất là các chợ, trong đó chợ tự phát, chợ cóc, chợ tạm khiến cho bộ mặt thành phố thêm nhếch nhác. Chợ tạm Kênh Bắc được hàng trăm tiểu thương dựng lều bạt ngay bên lề đường để buôn bán thực phẩm không chỉ lấn hoàn toàn vỉa hè mà còn xả thải xuống kênh. Chợ Hưng Dũng tràn xuống cả lòng đường buôn bán tấp nập, xe cộ nườm nượp. Rồi các chợ khác tình trạng lấn chiếm cũng đã “kinh niên” như chợ Bến Thủy, chợ Cửa Bắc, chợ Cầu, chợ Nghi Phú, phía Tây chợ Vinh, chợ phía Đông Quốc lộ 1 địa bàn Nghi Kim... Rất nhiều hàng quán tràn chiếm vỉa hè, lòng đường, đặc biệt là quán ăn sáng và nhiều nhất là quán giải khát, quán nhậu buổi chiều, tối. Thói quen thích “tiện đâu mua đấy” của cư dân cũng khiến các chợ, các quán hàng phát sinh ngày càng nhiều. Thậm chí, đã có những khu vực hình thành chợ hàng rong từ giày dép, quần áo đến đồ gia dụng ngay trên vỉa hè phố xá với hàng trăm xe đẩy tiện dụng. Cảnh thu giữ “đồ nghề” người lấn chiếm được xem như “đá ném ao bèo”.

Ý thức người dân chưa cao, song không thể phủ nhận rằng có những nguyên nhân gốc rễ khác khiến “căn bệnh” này khó triệt tiêu: Cơ sở cấp xã, phường chưa vào cuộc quyết liệt, việc hạn chế về nguồn lực để thực thi (thiếu cả xe bán tải khi thực thi cưỡng chế, thiếu nhân lực làm công tác trật tự, lương cho đội quy tắc đô thị còn rất thấp, chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng/người/tháng), chế tài chưa đủ mạnh, e ngại sự va chạm và còn tồn tại những thỏa thuận ngầm để “đôi bên cùng có lợi” giữa phường, hoặc đội trật tự, ban quản lý chợ với các tiểu thương kinh doanh. Mới đây, thành phố ra công văn cấm thu phí đối với người bán rong ngoài chợ nhưng việc thực hiện thì vẫn phải… chờ xem đã.

Để tiến tới một đô thị văn minh, hiện đại

Có nhiều việc phải làm để Vinh xứng đáng với vai trò vị trí, thực sự trở thành một đô thị văn minh, hiện đại. Nhiều đề án, dự án với những con số đầu tư thích đáng đã được nêu ra, các nguyên nhân đã được mổ xẻ, phân tích. Điều quan trọng nhất vẫn là sự đồng thuận và đồng hành của người dân cho mục tiêu chung. Đà Nẵng - một thành phố miền Trung trở thành “đô thị đáng sống” đã có bí quyết thành công trong xây dựng, chỉnh trang đô thị nhờ sự coi trọng công tác tuyên truyền, công khai thông tin, chú ý lắng nghe người dân trình bày kiến nghị, giải quyết tích cực những bức xúc của dân, duy trì tốt các chính sách an sinh xã hội.

Cũng dễ nhận thấy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt tại cơ sở xã, phường chưa thực sự được nêu cao. Cần phân cấp trong quản lý đô thị, song cũng không nên khoán trắng cho cơ sở mà cần nâng cao năng lực cho các cấp quản lý cơ sở. Cần chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa các cơ quan chức năng của thành phố, phải có định hướng chiến lược lâu dài, tổ chức phản biện và tham vấn ý kiến chuyên gia cũng như dư luận. Trong quản lý đô thị, các nhà quản lý đã bỏ qua một yếu tố quan trọng là lấy con người làm trung tâm của quá trình phát triển. Do vậy, cần phải xét tổng thể đến vấn đề nhu cầu, lợi ích và tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đối với vấn đề môi trường, nên chăng đẩy mạnh việc xã hội hóa vệ sinh môi trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia lĩnh vực này rộng hơn?

Một yếu tố quan trọng nữa, là chú trọng phát huy vai trò và trách nhiệm làm chủ của cộng đồng, của người dân đô thị, cụ thể hóa bằng những việc làm, nếp sống hàng ngày của mỗi cá nhân.

Cuối cùng, là có sự rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch “dài hơi”, “ngắn hơi” của thành phố và quyết liệt trong quản lý xây dựng đô thị, trật tự đô thị của chính quyền thành phố.