Một ngày ở Cố đô Luang Prabang

21/04/2013 17:36

(Baonghean) - Thời gian quá ngắn, anh Khăm Phênh tỏ ra rất áy náy vì chưa đưa chúng tôi đến tham quan thác Kuang Si, cách trung tâm Luang Pra bang khoảng gần 30 km, vẫn giữ được vẻ hoang sơ, nước trong lành, xanh như ngọc…

Dù chưa chính thức đến ngày Tết Bunpimay của các bộ tộc Lào, chúng tôi đến huyện Nọong Hét – huyện kết nghĩa với huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn - chung vui chúc Tết. Bí thư Huyện ủy Vi Hải Thành dẫn đầu đoàn huyện Kỳ Sơn là người “piệc” (ướt) và nhiều chỉ buộc cổ tay hơn cả do được chúc phúc té nước theo phong tục. Ông Hạ Nỏ Bì, Bí thư, Chủ tịch huyện bạn tổ chức đón đoàn sang chúc Tết hết sức long trọng và chân tình như anh em thân thiết. Trong buổi lễ, ông cũng được đoàn khách Việt Nam chúc phúc bằng nước và những lời chúc mừng nồng thắm “xăm bai đi pi may”(chúc mừng năm mới) và chúc cho tình hữu nghị hai huyện, hai nước Việt - Lào ngày càng bền chặt, rồi cùng mê say cuốn theo vòng nhảy lăm vông.

Chia tay huyện Noọng Hét, từ Thị xã Phonsavanh, tỉnh lỵ tỉnh Xiêng Khoảng, chúng tôi đi vòng vèo trên những đỉnh núi chon von hơn 300 km đến Luang Prabang, Cố đô của đất nước Lào. Người Lào thường gọi Luang Prabang là “mương luông”, có nghĩa là Phật Vàng lớn, nơi này là Kinh đô của Vương quốc Lạn-Xạng (Triệu Voi). Trước 1975, Luang Prabang là Thủ đô của Vương quốc Lào, nhưng nay là một tỉnh lỵ, cách thủ đô mới Viêng Chăn 425 km về phía Bắc. Năm 1995, Luang Prabang đã được UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hóa thế giới.



Một góc Luang Prabang bên sông Mekong.

Nghe tin có đoàn cán bộ huyện Kỳ Sơn đến thăm anh Khăm Phênh, cán bộ Hải quan từng công tác ở Cửa khẩu Nậm Cắn, nay chuyển về làm Chánh Văn phòng phụ trách các cửa khẩu phía bắc Lào rất chu đáo, gọi điện thoại liên tục, đích thân cùng vợ đánh ô tô ra đón tiếp đoàn ở ngoài cửa ngõ thành phố, rồi kiêm hướng dẫn viên đưa đoàn đi thăm một số điểm chính ở Thành phố Luang Prabang. Theo anh Khăm Phênh, Lễ hội té nước hay còn gọi là “Bunpimay”, theo Phật lịch năm nay là năm 2056, chính thức được tổ chức vào ngày 15/4. Thời gian không nhiều, chỉ trong một buổi chiều chân ướt, chân ráo, anh Khăm Phênh đã đưa chúng tôi tham quan một số điểm chính ở Thành phố Luang Prabang.

Đầu tiên là Chùa Wat Viengthong cổ kính được công nhận là di sản văn hóa thế giới với những bức tranh tường kể lại tích Phật qua kiến trúc nghệ thuật tuyệt mỹ. Kế đó là Bảo tàng Cung điện Hoàng gia dát một màu vàng óng ánh cổ kính soi mình trên dòng sông Mekong. Anh Khăm Phênh cho biết: Những cung điện được xây dựng vào thế kỷ 14, Luang Prabang có khoảng 40 ngôi chùa nằm rải rác trong thành phố nên lượng tăng lữ nhiều nhất so với cả nước.

Ngoài đường phố, chúng tôi thấy ở đây rất nhiều khách Tây không khác gì ở phố cổ Hội An hay ở phố cổ Hà Nội. Các chàng trai, cô gái người ngoại quốc mắt xanh như nước biển, mặt, người nhuốm trắng bột mì, có người trước ngực ôm khẩu súng bắn nước hòa vào dòng người bản địa ướt sũng. Chúng tôi cũng không tránh khỏi những gáo nước dội vào người mát lạnh. Dù mệt, chúng tôi vẫn cố leo hết 328 bậc vòng vèo lên ngọn tháp trên đỉnh Pousi, ngắm nhìn bao quát cả thành phố. Luang Prabang như một lòng chảo bao quanh nó là những ngọn núi. Theo anh Khăm Phênh, về đêm đứng trên đỉnh núi Phousi này nhìn xuống, thấy thành phố lung linh soi mình bên dòng Mekong rất thơ mộng.

Khi thành phố vừa lên đèn, thì dưới chân núi Phousi, ngay trên con đường nhựa uốn quanh chân núi đã có hàng dãy những mái lều đỏ rực dựng lên, chuẩn bị cho phiên chợ đêm “Tà lạt khưn”. Đến Luang Prabang, không thể bỏ qua đi xem và dạo “Tà lạt khưn” (chợ đêm Luang Prabang) rất độc đáo, nằm ngay trên một đoạn đường trong thành phố. “Tà lạt khưn” chỉ bán những sản phẩm lưu niệm chủ yếu là đồ may thêu thủ công đặc trưng với những đường nét tinh xảo, hoa văn cổ điển nhưng việc trao đổi chủ yếu bằng tiền Bat của Thái Lan. Những người bán hàng rất lịch sự và chu đáo, giúp khách xem các loại hàng hóa và vui lòng trả lời bất cứ vấn đề gì khách hỏi, dù mua hay không mua thứ gì. Điều khác biệt là đến Luang Prabang, phố xá, nhà của rất sạch, đẹp, phương tiện đi lại chủ yếu là xe tuk tuk. Tài xế tuk tuk rất thân thiện, giỏi cả tiếng Việt và tiếng Anh, giá cũng khá rẻ. Người dân rất tuân thủ luật giao thông đường bộ. Suốt cả chuyến đi, chúng tôi rất ít nghe tiếng còi xe inh ỏi cả ngày lẫn đêm.



Múa lăm vông mừng Tết Bunpimay ở huyện Noọng Hét,
tỉnh Xiêng Khoảng.

Một ngày một đêm ở Luang Prabang chúng tôi được gia đình anh Khăm Phênh thết đãi những món đặc sản ở đây như “lạp pá” (như gỏi cá), canh cá sông Meekong và món thịt gà nướng, thịt lợn và rau xà lách lá rất ngọt. Ở đây, việc chăn nuôi chưa bị lạm dụng thuốc tăng trưởng nên thịt rất thơm ngon. 1.000 Việt Nam đồng đổi 2.700 kíp tiền Lào, nên khi quy đổi, chúng tôi cũng cảm nhận về giá các mặt hàng hóa ở Luang Prabang cao hơn Việt Nam một chút. Cô Sudalin, cán bộ cùng làm việc với anh Khăm Phênh đi đặt phòng cho biết: Cận đến ngày Tết Bunpimay, các phòng khách sạn đã được đặt kín!

Sân bay Luang Prabang đã được nâng cấp thành sân bay quốc tế, thuận lợi cho khách trong nước và du khách nước ngoài đến thăm. Theo anh Khăm Phênh, những năm gần đây, ngành Du lịch phát triển, việc viếng thăm nước bạn Lào ngày càng thu hút người Việt vì chi phí cũng khá rẻ, khá gần Việt Nam và khi nhập cảnh không cần visa, chỉ cần hộ chiếu, thủ tục nhập cảnh lại không quá rườm rà phức tạp.

Thời gian ngắn, anh Khăm Phênh tỏ ra áy náy vì chúng tôi chưa đến được thác Kuang Si nằm cách trung tâm khoảng gần 30 km vẫn giữ được vẻ hoang sơ, nước trong lành, xanh như ngọc… Chúng tôi hẹn sẽ có ngày trở lại với thời gian nhiều hơn để chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của thành phố cổ kính và rất đỗi bình yên của đất nước Chăm Pa…


Bài, ảnh: Minh Thư